“Con đường hội họa” là một dự án nghệ thuật do Công ty cổ phần Dịch vụ đô thị Đà Lạt thực hiện nhằm mang đến diện mạo tươi mới cho khu vực trung tâm thành phố, phục vụ dịp Festival hoa Đà Lạt lần thứ VI năm 2015 diễn ra từ ngày 29/12/2015 đến ngày 2/1/2016.
Toàn bộ con đường tranh với chủ đề “Những ngôi nhà cổ trên đường phố” được hai họa sĩ Nguyễn Văn Lại và Vi Quốc Hiệp thực hiện trên taluy đá dài khoảng 60 mét ở dốc Lê Đại Hành, ngay trung tâm TP Đà Lạt (Lâm Đồng).
Hai họa sĩ sẽ vẽ trên taluy đá hình ảnh 4 công trình kiến trúc cổ tiêu biểu của Đà Lạt được người Pháp cho xây dựng vào những năm đầu thế kỷ 20 như nhà ga xe lửa Đà Lạt, dinh Bảo Đại III, trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt và tòa nhà Cục bản đồ Đà Lạt.
Ngoài 4 công trình kiến trúc nổi tiếng trên, “Con đường hội họa” còn có thêm hình ảnh những ô cửa sổ hoa đặc trưng thường thấy của các biệt thự cổ theo lối kiến trúc Pháp tại Đà Lạt .
Đáng nói là mặc dù vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện nhưng “Con đường hội họa” đã bị công chúng “ném đá” không thương tiếc. Phần lớn những người yêu mến thành phố Đà Lạt, từ người dân địa phương đến du khách đều không đánh gia cao tính thẩm mỹ của công trình nghệ thuật này. Thậm chí, một số người còn đòi tẩy chay Festival hoa Đà Lạt năm nay chỉ vì ý tưởng mới lạ của chính quyền thành phố.
Những góc phố, con đường mang nét cổ kính vốn là “thương hiệu” nổi tiếng của Đà Lạt nên khi diện mạo quen thuộc của taluy đá “thần thánh” ở dốc Lê Đại Hành bị phá vỡ, việc dư luận lên tiếng phản đối, chỉ trích cũng không phải là khó hiểu.
Trường hợp của “Con đường hội họa” tại Đà Lạt dễ khiến chúng ta liên tưởng đến thời điểm TP HCM ra quyết định chặt cây xanh trên một số tuyến đường xây dựng hệ thống metro.
Lúc đó, dân chúng cũng phản đối kịch liệt. Tất nhiên, họ có lý do của họ để la ó. Người thì bức xúc vì mất đi một mảng xanh vốn đã hiếm hoi của thành phố. Người thì phẫn nộ vì hàng cổ thụ hàng trăm năm tuổi bị chặt bỏ. Người thì tiếc nuối cho hình ảnh con đường quen thuộc gắn liền với ký ức của mình bị thay da đổi thịt…
Nhưng sau một thời gian, mọi người cũng dần quen và lại chuyển sang hân hoan chờ đón sự ra đời của hệ thống metro tân tiến, hiện đại mà chính họ sẽ là những người thích thú được trải nghiệm.
“Con đường hội họa” cũng là một nạn nhân của kiểu “chín người, mười ý” như thế. Đa số chúng ta phán xét, chê bai, thể hiện quan điểm cá nhân và cho rằng ý kiến của mình mới là đúng mà không nhìn nhận sự việc ở góc độ khách quan.
Việc đánh giá một tác phẩm nghệ thuật là xấu hay đẹp phải dựa vào nhiều yếu tố và phụ thuộc vào góc nhìn của mỗi người. Bản thân hai họa sĩ thực hiện “Con đường hội họa” vốn là những nghệ sĩ tên tuổi, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực hội họa và chủ đề tác phẩm mà họ thể hiện cũng nhằm tôn vinh nét đẹp của “xứ sở nghìn hoa”. Cho nên việc công chúng dùng những lời chê bai thậm tệ dành cho tác phẩm này là có phần chủ quan và thái quá.
Ngoài lý do trên, “cơn bão gạch đá” đối với “Con đường hội họa” còn xuất phát từ khả năng thích nghi với sự thay đổi của đại bộ phận người Việt. Nhiều người trong chúng ta thường thích gắn bó với những thứ quen thuộc mà quên đi rằng phải thay đổi mới phát triển. Chưa kể công trình nghệ thuật này không phải là vĩnh viễn mà chỉ được duy trì trong khoảng 2 năm.
Dự kiến “Con đường hội họa” sẽ hoàn thành và chính thức ra mắt công chúng vào ngày 22/12 tới.