Đối với mỗi người trong chúng ta, tuổi thơ ắt hẳn đã một lần nhổ tóc bạc cho bà. Nhưng lúc ấy, vì lười biếng nên chẳng đứa trẻ nào hứng thú với việc nhổ tóc bạc. Mỗi lần bà nhờ nhổ tóc bạc là lại kiếm lý do để trốn tránh.
Giờ đây, khi chúng ta đủ khôn lớn, nhiều người mới nhận ra một điều: quãng thời gian được nhổ tóc bạc cho bà, được ngồi bên bà được nghe bà kể chuyện, tâm sự cùng bà là quãng thời gian vui vẻ và hạnh phúc trong cuộc đời.
Mới đây, trên một fanpage dành riêng cho giới trẻ, thành viên có nickname An Phong đã đăng tải câu chuyện về ”những sợi tóc bạc của bà” khiến bao người phải rưng rưng xúc động, gợi nhớ về bà cùng những kỉ niệm tuổi thơ không thể nào quên.
Nguyên văn câu chuyện của An Phong đăng tải:
“Hôm tuần trước về quê bật tivi xem thấy có gói vỏ bột ngọt để sau tivi. Mở ra thì thấy cái này. Nhìn này các bạn có biết là gì không? Là tóc của bà nội mình đấy. Bà chải rụng lại vơ vào gói lại.
Ba mẹ mình kể tóc bà bạc sớm, chớm 40 tóc đã có sợi bạc, đến hơn 50 tuổi là bạc trắng luôn. Bởi vậy từ lúc nhận thức được, trong tuổi thơ của ai mình không biết, chứ của mình câu hát “tóc bà trắng màu trắng như mây” hoàn toàn có thật.
Nhưng buồn nhất là khi giật mình nhớ ra, từ ngày ông nội mất hơn 1 năm nay, cũng là hơn 1 năm mình chưa về nhà thăm bà, lịch làm rồi học đều kín mít, xe máy thì không biết chạy. Cũng có đôi khi gọi về, bà đều bảo “bà khỏe, có các em sang ngủ cùng, bà không ngủ một mình đâu, cứ yên tâm mà học bao giờ rảnh về chơi”, mình cũng tin lời mà yên tâm. Nghĩ lại trách mình vô tâm nhiều hơn.
Bà mình năm nay cũng 82 tuổi rồi, vẫn minh mẫn dù mắt hơi kém. Mình 22 tuổi, cứ cho mỗi năm về quê được 2 lần, chẳng biết còn được bao nhiêu lần về thăm bà nữa. Mình muốn về nhà nhiều lần, nên mong bà sống thật lâu, còn mình sẽ không quá làm biếng về quê để bà mong nữa.
Bà đùa bảo tóc này để đổi tóc rồi dành tiền mua vàng làm hồi môn cho mình lấy chồng. Mình biết bà đùa, vì hồi môn cho mình bà chuẩn bị lâu lắm rồi, còn mình chẳng biết bao giờ lấy được chồng. Nhưng mà gói “mây” này với mình quý hơn cả vàng. Là cả một đời của bà vì con vì cháu rồi”.
Câu chuyện của An Phong đăng tải đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. Hầu hết mọi người đều xúc động với câu chuyện này, đồng thời các thành viên cũng chia sẻ những câu chuyện, kỉ niệm về người bà của mình.
Thành viên Võ Trinh viết: “Sáng đọc bài này thấy mắt cay cay. Bà của mình năm nay cũng 80, trong nhà bà thương mình nhất. Bà mình thích tóc dài lắm, tóc dài đến eo cơ. Năm trước bà mổ dạ dày, hôm mình gội đầu cho bà, thấy tóc quá dài nên mình lừa bà cắt ngắn 1 đoạn, bà cứ giận mình mãi. Giờ bà cũng hơi lẫn lộn, mắt cũng hơi kém, tai cũng hơi lãng rồi. Mỗi lần về nhà bà cứ dấm dúi cho ít tiền bảo cho thêm mà tiêu, mấy chục thôi nhưng đó là tiền bà gom lon bia với đồng nát trong nhà. Càng nghĩ càng thương bà”.
Ngọc Ngọc kể: “Bà ngoại tớ kết hôn với ông tớ mà không có tình yêu. Nhưng ở với nhau mấy chục năm nay chưa bao giờ xích mích, sinh được 3 người con gái giờ đến tuổi về già rồi ông lại bị suy thận phải chạy thận liên tục ở bệnh viện tỉnh, cũng 1 mình bà chăm ông. Con cháu ở xa bận bịu công việc nhiều lúc cũng không làm gì được. Đúng là 1 mẹ chăm được 10 con nhưng 10 con chưa chắc đã chăm được 1 mẹ. Nghĩ thương bà cả 1 đời vì chồng vì con đến khi về già vẫn không được an nhàn.
Từ ngày ông tớ suy thận, nhà tớ lại xảy ra nhiều chuyện khiến bà suy nghĩ nhiều, tớ thấy tóc bà cũng bạc đi nhiều lắm, sống với bà từ bé đến năm 13 tuổi, tuổi thơ của tớ là những ngày 2 bà cháu mang ghế ra sân sau ngồi tớ nhổ tóc bạc cho bà, lúc ấy tóc bạc của bà mới chỉ là những sợi tóc ngứa mới mọc thôi. Nhớ bà quá!”.
Thành viên Mai Linh nói: “Thường xuyên về thăm bà nhé. Tớ chỉ ước mỗi lần về nhà đều được thấy bà thôi. Tuổi thơ của tớ là bà tớ”.
Bạn nam tên Tưởng để lại bình luận: “Gần 2 năm rồi, ngày nội tôi mất cũng là quãng thời gian tôi ít quan tâm nội nhất, hối hận và luyến tiếc với những thứ đã qua. Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”.
“Giữ lại đi đừng vứt. Hồi mình còn học mẫu giáo tóc bà nội đã bạc trắng rồi, nhưng mình chỉ ở được với bà tới lớp 3 thôi”, An Nguyễn nói.