Vốn dĩ ngôn ngữ được gọi là sinh ngữ bởi đó là một hệ thống phức tạp mà con người sử dụng để giao tiếp với nhau, luôn có khả năng thay đổi và biến hóa từng ngày, từng giờ. Không phải chỉ đến khi đoạn clip “Người Mỹ nghe tiếng Anh của người Việt” được tung lên bởi thầy Dan Hauer thì người Việt mới “chột dạ” về khả năng nói tiếng Anh của mình. Tuy nhiên, đây thật sự là ngòi nổ châm bùng lên luồng sóng phản ứng mạnh mẽ về việc người Việt bị bắt lỗi trước một thầy giáo nước ngoài.
Theo thầy N - giáo viên Trung tâm Anh ngữ ở TP.HCM khi được hỏi về đoạn clip “gây bão” mấy ngày gần đây của thầy Dan Hauer: “Tư tưởng về việc thầy Dan chỉ điểm việc phát âm sai là đúng, đã sai thì phải sửa. Vì người thầy dạy học trò rồi học trò lại đi lên làm thầy và dạy người khác, nếu mà dạy sai thì cứ thế mà cả dây chuyền bị “trật bánh”. Có người chỉ điểm ra và sửa nó sẽ tốt để giải quyết vấn đề ở góc độ thực tế.”
Đối với một số thầy cô khác, họ đều tỏ ra thái độ rất thoải mái cũng như sẵn sàng lắng nghe từng nhận xét về những nguyên tắc phát âm chưa đúng. Thậm chí, một số trong họ còn đồng ý rằng không chỉ riêng những em học sinh đang mài dũa kĩ năng ngoại ngữ mà có khi người trong nghề vẫn có thể mắc những lỗi điển hình như vậy. “Vì dù tiếng Anh - một thứ tiếng khá phổ biến ở thời đại hiện nay nhưng cũng không thể yêu cầu người Việt phát âm chuẩn giọng 100%. Điều quan trọng nhất là vấn đề đạt được mục đích giao tiếp, nói sao cho người khác hiểu và tiếp nhận đúng những gì mình truyền tải là điều cần thiết hơn cả.” - Cô V (Giáo viên THCS)
Nói đi cũng phải nói lại, cái quan trọng trong câu chuyện phát âm tiếng Anh ở đây không phải là đúng hay sai mà cần được tiếp thu hay bỏ qua. Đừng nói chi đến tiếng nước thứ hai, thứ ba như Anh, Mỹ, Pháp, Nga,…, ngay cả người Việt cùng trong một nước, sử dụng một thứ tiếng lại đôi khi chẳng thể hiểu được hết điều đối phương muốn nói đó sao?
Suy cho cùng, một clip bàn về tính chuyên môn, về những khuyết điểm chỉ nên được tóm gọn bằng những gạch đầu dòng rút kinh nghiệm như thế nào, sửa lỗi ra sao để tiến bộ. Nhưng phải sửa có trách nhiệm và có tinh thần cầu thị, cầu tiến.
Có lẽ câu chuyện sẽ được kết thúc sớm ngay sau đó và thầy Dan Hauer sẽ nhận được sự đồng tình nhiều hơn nếu như thầy không chèn thêm “chất phụ gia” vào đoạn clip bằng một phần mềm phát âm chính thầy sáng lập hay tiếp tục đăng đàn “bóc mẽ” cô giáo Trang không hề nhận được học bổng danh giá của Úc.
Dù bước đi đầu tiên - chỉ ra lỗi phát âm của thầy là đúng nhưng có vẻ tính thẳng thắn và không kiêng dè ngôn luận thuộc một nền văn hóa khác lại đang dần khiến thầy đi xa hơn so với mục tiêu ban đầu.
Vài ngày qua, ngoài những lời khen ngợi về việc làm đầy ý nghĩa của mình thì thầy Dan Hauer cũng nhận được không ít những lời chỉ trích khi có vẻ cố ý “dìm hàng” và cạnh tranh không lành mạnh với các trung tâm anh ngữ của giáo viên Việt. Cũng không phải đây là những nhận xét suông mang tính một chiều, bởi chẳng biết vô tình hay hữu ý, thầy Dan Hauer lại cho chèn thêm nội dung nhạy cảm về đoạn clip quảng cáo phần mềm của chính thầy.
Một thầy giáo trẻ cho rằng: “Việc đưa ra những hình ảnh khá nhạy cảm như vậy mang chiêu thức tiếp thị, chiến lược truyền thông cũng khiến cho người Việt dễ dàng hiểu lầm, dù chưa biết Dan Hauer có thật sự có “ý đồ” đó hay không”.
Không dừng lại ở đó, thầy Dan còn “thừa thắng xông lên” khi tiếp tục đăng đàn “bóc phốt” giáo viên Elight - người từng được đưa vào clip làm một ví dụ cho việc phát âm sai. Cụ thể, Dan Hauer viết rằng: “Phan Kiều Trang, Giám đốc điều hành và gương mặt của Elight có thể đã cố ý lừa dối học sinh về việc nhận được học bổng Endeavour uy tín từ chính phủ Úc”. Daniel đã chỉ ra thêm rằng cô Kiều Trang từng nhận mình có bằng song ngành nghiên cứu ngôn ngữ tiếng Anh (Ngôn ngữ Anh) và cả Marketing nhưng thực ra chương trình đó chỉ cho phép sinh viên học một ngành, và ngành nghiên cứu ngôn ngữ tiếng Anh cũng không có nằm trong chương trình.
Thầy N cho hay: “Đoạn clip mang tính học thuật, chỉ điểm và “sửa lưng” của Dan Hauer là hoàn toàn thuyết phục, có dựa trên kiến thức chuẩn từ sách vở chứ không đơn giản là tiếng mẹ đẻ. Nhưng cũng không thể phủ nhận, thầy chưa khéo trong lối ứng xử với cả một cộng đồng người Việt. Dù thầy Dan không sai hoàn toàn vì cơ bản việc chỉ điểm ra lỗi sai ban đầu chỉ là muốn tốt hơn cho người Việt mà thôi nhưng việc này có lẽ đã đi quá xa“.
Vẫn biết rằng vẫn tồn tại sự khác biệt văn hóa giữa phương Tây cởi mở và phương Đông khép kín nhưng một khi đã muốn thuyết phục người khác, trước tiên hãy nhìn vào cách làm sao cho khéo léo và không gây phản cảm.
Trước tiên, hãy nói về những độc giả đang phản ứng thái quá về đoạn clip. Một phần, họ vốn có tâm lý bài trừ việc sính ngoại, cho rằng cái của mình, của ta vẫn là tốt nhất và chẳng cần phải được học thêm từ ai. Một số khác lại thấy việc đó là không nên vì nó đụng đến lòng tự tôn của những tích góp kiến thức xưa giờ. Nhưng may thay đó chỉ là phần nhỏ.
Phần đông ý kiến vẫn đánh giá dựa vào chất lượng được truyền tải trong đoạn clip, cái mà rút ra được từ chính những gì đang tái diễn hàng ngày trong cách phát âm sai lệch của người Việt.
“Về phía cô Trang, dù thông tin vẫn chưa xác thực 100% những lời “tố cáo” của Dan Hauer có là thật hay không thì bản thân chuyện khai dối thành tích cá nhân để thu hút học viên đã là điều không nên.” - Thầy N.
Chẳng những vậy, trước đó trong đoạn clip nhận lỗi đến quý học viên, các thầy cô giáo từ trung tâm Elight đã quá sa đà vào việc kể khổ, than thân trong khi trọng tâm chỉ cần đánh đúng vào cái người Việt muốn nghe, muốn hiểu. Vô tình, cô Trang lại một lần nữa đứng trước “đầu sóng ngọn gió” của dư luận.”
Và đối với thầy Dan, dù biết ở nước ngoài thì quyền tự do ngôn luận rất cao, nên việc chia sẻ ý kiến cá nhân của mình về bất cứ điều gì là bình thường. “Nhưng có lẽ cách nói của Dan khiến mọi người cảm có sự ác cảm nào đó. “Việc Dan bày tỏ quan điểm cá nhân của mình với lời lẽ hơi “hiếu thắng” đã dần làm mất đi hình ảnh một thầy giáo vui vẻ và tận tâm với nghề. Quan trọng nhất vẫn là nhập gia tùy tục, xem xét kĩ lời phát ngôn, thời điểm đăng tải thông tin của mình và việc tôn trọng cả hàng ngàn người đang học tập từ những đoạn clip của Dan Hauer hàng ngày.” - Thầy T.