Bún cua thối - món ăn tuy quen với phần đông người dân phố núi nhưng lại rất lạ với hết thảy du khách gần xa. Nếu có dịp thưởng thức, chắc chắc lần đầu tiên nếm thử bún cua thối sẽ là một kỷ niệm đáng nhớ bởi đúng như tên gọi của nó, mùi thum thủm của nước cua dễ khiến bạn bất ngờ.
Mùi thum thủm ấy xuất phát từ nước cua đồng đã được ủ lên men sau một đêm. Trước đó, dù rằng thực khách sẽ phải nhíu mày nhăn nhó vì cái mùi chẳng-giống-ai, thế nhưng chỉ đến khi nếm thử một gắp đũa các nguyên liệu từ tô bún cua thối lên môi thì vị mằn mặn, cay cay là lạ của món này bất ngờ “phát huy” tác dụng. Cái mùi nồng nặc ấy bỗng chốc “thơm” đến nỗi thực khách ghiền, gắp liên hồi để hưởng trọn hương vị món bún độc đáo, lạ lẫm này.
Có nguồn gốc từ những người Bình Định di dân đến Gia Lai, bún cua thối là sự pha trộn giữa mắm cua, thịt ba chỉ, măng, chả, nem chua, da heo chiên giòn, bánh phồng tôm, rau sống… Với mùi hơi khó ngửi đặc trưng, dần dà người ta gọi là bún cua thối để phân biệt với các món bún riêu khác.
Tại Gia Lai, người dân địa phương thường tìm đến một quán bán bún cua thối không tên nằm ở góc đường Phùng Hưng (Chợ Nhỏ Pleiku), ngồi húp sột soạt vài tô bún cho ấm bụng giữa tiết trời se se lạnh về chiều. Nhá nhem tối cũng là khoảng thời gian cao điểm của các hàng bún cua thối nơi đây, có lúc bạn phải tự phục vụ hoặc đứng xếp hàng chờ là chuyện bình thường.
Người dân phố núi xem bún cua thối như một đặc sản, nhà nào có khách đến thăm đều bắt đi ăn món này cho bằng được, mặc họ cứ nằng nặc từ chối hoặc bịt mũi nhíu mày. Thế nhưng, đối với độc giả SaoStar, bạn không cần phải chờ giới thiệu, nếu có dịp đến Gia Lai hãy tìm ngay một quán bún cua thối để “biết mùi” nhé!