Cơn mưa vừa tạnh cũng là lúc chị Phượng tiếp tục với công việc của mình. Chị Phượng tên đầy đủ là Lý Kim Phượng (56 tuổi). Hiện tại, chị Phượng sống cùng hai người cháu ngoại là cậu bé Hoài và bé Phương Nghi trong căn nhà trọ tại thành phố Cần Thơ.
Hơn 20 năm chị rong ruổi khắp nẻo đường thành phố Cần Thơ để bán bánh bò mưu sinh. Chiếc xe bánh bò cũng là nguồn thu nhập duy nhất nuôi ba bà cháu từ trước tới nay.
Kể về công việc của mình, chị Phượng cho biết bắt đầu từ sáng sớm, chị cùng hai cháu đi chợ mua nguyên liệu. Để làm ra một chiếc bánh bò thơm ngon, tất cả các công đoạn đều do một tay chị chuẩn bị. Nhân dừa được chị Phượng sên thủ công hàng tiếng đồng hồ, cơm dừa vừa ngọt thanh vừa béo. Chiếc bánh bò của chị Phượng lúc nào cũng nóng hổi, thơm ngon. Kỳ công là vậy nhưng chị bán chỉ với giá 6 ngàn đồng và một ngày lời chẳng được bao nhiêu.
Chị Phượng ngậm ngùi kể, trước đó, một mình chị nuôi con của anh trai - là mẹ của bé Hoài, bé Nghi từ nhỏ tới lớn. Sau này, khi người cháu ly hôn, hai đứa con là bé Hoài và bé Nghi được mẹ lại gửi nhờ chị Phượng nuôi để đi làm ăn xa. Từ đó, hai đứa cháu nhỏ ngây thơ ở chung với bà.
Tới nay, một đứa đã lên lớp sáu, đứa nhỏ lên lớp một. Chị cùng 2 cháu sống trong căn nhà trọ ven sông. Cứ mỗi mùa nước lớn hay một cơn mưa lớn lại khiến căn nhà, con hẻm ngập nước. Có những hôm nước lớn, dâng lên tới tận cổ chân không có chỗ để hai cháu ngủ. Thương hai cháu nhỏ nhưng chị Phượng chẳng thể làm gì hơn. Cũng vì thương, vì lo và không nỡ để bé Hoài và Nghi ở nhà một mình nên ngoài thời gian đến trường của hai cháu, ba bà cháu cùng rong ruổi đi bán.
Ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” nhưng hai đứa nhỏ đã phải cùng bà trải qua vất vả, mưu sinh dưới nắng gió cuộc đời. Nhiều lúc bữa ăn của ba bà cháu chỉ là ổ bánh mì. Đến giấc ngủ cũng tới từ thùng xe bánh bò của bà... Sự thiếu thốn đủ điều của ba bà cháu khiến ai nhìn vào cũng không khỏi xót xa.
Bản thân chị Phượng cũng bị nhiễm độc cường giáp, thiếu máu não khiến chị thường xuyên bị té xỉu, những ngón tay tê cứng. Cực khổ, vất vả và cả bệnh tật nhưng chị Phượng chưa bao giờ nản lòng. Bởi chị hiểu giờ đây, chị chính là “tấm phao” cuộc đời của hai đứa cháu đáng thương.
Một tay chị Phượng lo từng bữa ăn, giấc ngủ, dạy dỗ cho bé Hoài, bé Nghi từ tấm bé. Vì vậy, khi có người tỏ ý muốn xin bé Nghi về làm con nuôi, chị Phượng bày tỏ: “Người ta xin bé Nghi hoài à, mà cô không có cho, núm ruột của mình đâu ai mà cho. Cũng có người kêu gửi vào chùa mà cô không nỡ”. Chị nói trong xúc động" “Cô sợ cô chết bỏ hai đứa nhỏ lại rồi không ai thương hai đứa nó”.
Điều khiến chị Phượng đau đáu mỗi ngày là làm sao có đủ sức khỏe để nuôi hai đứa cháu lớn khôn, lo cho các bé được ăn học để “sau này người ta không khi dễ, để không phải đẩy xe đi bán cực khổ”.
Dù chịu nhiều thiệt thòi khi không được sống cùng ba mẹ, thiếu thốn đủ điều nhưng hai bé Nghi, Hoài vẫn luôn nhận được tình yêu thương, tấm lòng hy sinh từ người bà. Có lẽ, chị Phượng vừa là cha, vừa là mẹ, vừa là người bà và cũng chính là nguồn sống đối với hai đứa nhỏ. Chính vì thế, cứ thấy bà đau ốm, hai anh em chỉ biết khóc, chỉ biết mong bà đừng chết. Nghe đến đó thôi chẳng ai có thể nén được nỗi xúc động.