Sao & Đời Sống

Cặp anh em bán bánh mì ở Nhật Bản: 'Làm chủ nhưng vẫn chỉ nhận lương hàng tháng'

An Yên
Chia sẻ

Đằng sau sức hấp dẫn của bánh mì Việt trên đất Nhật là cả một câu chuyện chứa đầy mồ hôi và nước mắt của hai thanh niên trẻ đầy hoài bão và nhiệt huyết.

Khi bất cứ một người nước ngoài nào muốn tìm hiểu về Việt Nam, ” Xin chào” là bài học đầu tiên, cũng như bánh mì là thứ đơn giản nhất để có thể đi vào lòng du khách. Chính câu nói của một người Thổ Nhĩ Kỳ đã mở ra hướng đi táo bạo cho chàng trai trẻ khi ấy vẫn còn là sinh viên, đó là Bùi Thanh Tâm - ông chủ nhỏ của tiệm Bánh mì Xin chào được yêu thích tại Nhật Bản.

Xác định tương lai trong một buổi chiều

“Đến chiên trứng cũng còn không biết” - Vậy mà 9X người Quảng Nam đã quyết định mở cả một tiêm ăn sau khoảnh khắc chớp nhoáng trong chuyến đi Tokyo thăm bạn gái. Khi cùng bạn mình ghé thăm một khu chợ nổi tiếng mang tên Ameyoko tại quận Ueno, Tokyo, họ đã bất ngờ khi chứng kiến một hàng dài người đứng với đủ mọi sắc tộc để chờ mua một ổ bánh mì Kebab (món ăn đặc sản Thổ Nhĩ Kì).

“So với bánh mì Việt Nam, món ăn này chẳng có gì đặc biệt cả, vậy thì tại sao mình không mở một tiệm bánh mì Việt trên đất Nhât để quảng cáo cho người bản địa và du khách đến đây…” - Ý tưởng đó cứ day dứt mãi trong anh suốt cả buổi chiều dạo chơi cùng bạn gái, mỗi khi lang thang qua một hàng quán nào đó thì lại được nghe tiếng gọi: “Xin chào, xin chào” từ những hàng quán khác.

Mang ấn tượng ban đầu của người nước ngoài làm tên gọi tiệm ăn của mình, Tâm đã phần nào khẳng định sự thuần Việt mà anh có thể bảo đảm mang lại cho thực khách.

Không bỏ lỡ cơ hội, Tâm đã gọi ngay cho anh trai mình là Bùi Thanh Duy, một nhân viên của công ty quản lý thực tập sinh Việt Nam có trụ sở tại Osaka về ý định thành lập một tiệm bánh mì kiểu Việt tại Tokyo và mong muốn phát triển nó trở thành một chuỗi cửa hàng hùng mạnh trên khắp nước Nhật. Được lời như cởi tấm lòng, đã từ lâu Duy luôn muốn có thể cùng em làm một điều gì đó và giờ khoảnh khắc đó đã tới.

Bánh mì Xin chào chính thức trở thành dự án một đời của anh em nhà họ Bùi.

Nếu không có người Nhật, sẽ không có Bánh mì Xin chào

Buổi trò chuyện cùng Bùi Thanh Tâm liên tục bị ngắt quãng bởi anh quá bận rộn với tiệm bánh mì nhỏ, đặc biệt là từ sau khi nó trở nên nổi tiếng sau hàng loạt bài báo, phóng sự. Đã một năm rưỡi quên ăn quên ngủ trôi qua, dường như mọi khó khăn vẫn còn ở phía trước.

Với một số món ăn Việt khác, có thể sẽ có nhiều cách nấu tuỳ từng vùng miền, nhưng bánh mì lại là một pham trù khác, chỉ cần làm sai đi một tí, nó sẽ trở thành món bánh kẹp mà trên thế giới ai cũng có thể làm được. Chính vì vậy, Tâm và Duy đã quyết định chọn bánh mì mang phong cách Hội An làm đặc trưng của tiệm mình.

Để có thể bảo đảm rằng mỗi phần ăn được phục vụ đến khách hàng mang đúng hương vị mà slogan khẳng định: “Taste bánh mì, taste Việt Nam”, mỗi nguyên liệu dù là nhỏ nhất trong thành phần bánh mì đều do chính tay hai anh em thực hiện, chỉ có bánh mì thì phải đặt riêng ở một xưởng bánh của Nhật. Trong khi người em vẫn đang là sinh viên khoa kinh tế năm cuối của đại học Yokkaichi, người anh thì vừa lập gia đình với một câu con trai chỉ mới 5 tháng tuổi, nhưng có những hôm hai anh em phải ở lại tiêm đến tận 2,3h sáng mới có thể hoàn thành công việc.

Thanh Tâm chia sẻ:

“Cuộc sống của hầu hết du học sinh, thực tập sinh Việt Nam ở Nhật Bản có thể nói là vô cùng khó khăn. Để trang trải tiền học, chi phí sinh hoạt trong những năm ở đây đã không phải là điều dễ dàng chứ đừng nói đến việc mở được một tiệm ăn riêng. Có nhiều người còn phải gánh nợ ở quê nhà nữa cơ. Cuộc chơi với bánh mì là lần đầu tiên trong đời, anh em mình dốc hết gia sản đánh liều một phen.

Học tập là vậy, khởi nghiệp kinh doanh lại còn vất vả hơn nghìn lần. Với người nước ngoài, luật pháp quy định phải được bảo lãnh bởi một người Nhật có công việc ổn định và mức lương khá để có thể xin giấy phép kinh doanh. Nếu như có chuyện gì xảy ra thì đó sẽ là người chịu trách nhiệm hoàn toàn cho chi phí phát sinh trong quá trình kinh doanh. Ở nơi đất khách quê người như thế này, lấy ai mà tin tưởng tuyệt đối những du học sinh hoàn cảnh như Tâm. 

Rất may mắn, khi đó có một thầy giáo trong trường vì thương mình nên đã chấp nhận làm người bảo lãnh giúp. Có được giấy phép kinh doanh, lại đến giấy chứng nhận của hiệp hội vệ sinh an toàn thực phẩm, ngoài thời gian đến trường, Tâm và anh Duy phải đi học thêm các lớp an toàn vệ sinh thực phẩm mới đủ tiêu chuẩn để được cấp đày đủ giấy phép mở cửa hàng. 

Khoảnh khắc phóng sự về tiệm Bánh mì Xin chào được phát sóng trên đài truyền hình quốc gia có lẽ là ngày vui nhất trong đời hai anh em Tâm và Duy.

Đã có quá nhiều khó khăn trong suốt hơn một năm rưỡi chuẩn bị cho tiệm, từ khâu xin phép đến tìm mặt bằng, tìm nơi cung cấp bánh mì đúng ý mình. Tiền thì không có, thời gian cũng hạn hẹp vì Tâm đi học còn anh thì phải vẫn phải đi làm nhận lương để có thêm vốn xây dựng cửa tiệm. Chỉ 3 tháng trước khi khai trương, anh Duy mới xin nghỉ để toàn tâm toàn ý cho Bánh mì Xin chào. Nhưng… khoảnh khắc thấy mình trên chương trình thời sự của VTV9 có lẽ đã đủ ngọt ngào để Tâm tin rằng mình đang đi đúng hướng. Sung sướng đến ngây người là những gì Tâm có thể nói khi nhìn mình và thành quả của hai anh em trên truyền hình. 

Thanh xuân có bao lâu mà hoài phí

Dù số lượng bánh bán ra hiện nay đã vượt mức an toàn, nhưng số lợi nhuận ít ỏi vẫn chưa đủ để Tâm và anh trai mình có thể yên tâm. Tiền lãi dành cho công ty và các nhà đầu tư, còn hai anh em thì vẫn chỉ nhận lương hàng tháng.

Chặng đường phát triển của bánh mì Xin chào chỉ mới bắt đầu. Ước mơ nâng tầm thương hiệu, đẩy mạnh quy mô theo hình thức chuyển nhượng, chuỗi cửa hàng và cạnh tranh với nhiều đối thủ sừng sỏ mới là điều mà Bùi Thanh Tâm hướng đến. Anh đã đặt toàn bộ niềm tin vào dự án này và khẳng định đây là tương lai mà hai anh em mình phải bước tiếp.

“Mình còn trẻ, có nhiệt huyết của tuổi thanh xuân, có sự táo bạo và kiến thức trong một thế giới mở, nên hãy 'dám nghĩ, dám làm', làm cho không tiếc hoài tuổi trẻ, chẳng phí thanh xuân nhưng nhớ rằng phải luôn luôn giữ cho mình một cái đầu lạnh, và tỉnh táo, đừng quá quyết liệt mà đánh mất đi sự khôn khéo vốn có.” - Thanh Tâm kết thúc cuộc trò chuyện bằng lời khuyên dành cho các bạn trẻ muốn khởi nghiêp như anh.

Người ta nhìn bánh mì như một thứ đồ ăn bình thường, Tâm xem bánh mì là báu vật trong cách anh nói về nó: “Bề ngoài ổ Bánh Mì vàng ươm, không hề quý phái, cầu kỳ nhưng khi cắn vào phát đầu tiên là sự cảm nhận giòn rụm lớp vỏ, nhưng bên trong lại là lớp bánh mềm với vị ngon được hoà quyện từ chút bơ, chút pate, chút dưa chua, thịt nguội, chả, một ít nước sốt…tạo thành hương vị đặc trưng mà không loại bánh sandwich nào có được. Đất nước Việt Nam cũng vậy, nhìn bề ngoài giản dị, mộc mạc nhưng khi bắt đầu tiếp xúc, tìm hiểu thì bạn sẽ bất ngờ vì thái độ niềm nở.”

Thành công đến từ một tâm hồn biết ước mơ và đầu óc nhanh lẹ. Đó là Bùi Thanh Tâm và Bùi Thanh Duy, những người Việt khiến cho cả thế hệ trẻ phải tự hào.

Một vài hình ảnh đời thường của Bùi Thanh Tâm va Bùi Thanh Duy: 

Tâm và người bạn gái cùng quê hiện đang cùng sống và làm việc ở Tokyo.

Gia đình anh trai Bùi Thanh Duy.

Hai anh em Tâm và Duy trong một chuyến dã ngoại.

Chia sẻ

Bài viết

An Yên

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất