18 tuổi, là một trong số nam sinh sẽ nhập học Trường Thế giới Liên kết UWC (ngôi trường đào tạo tú tài quốc tế với 17 cơ sở nằm ở 17 quốc gia khác nhau trên khắp thế giới) danh giá vào tháng 8 tới đây, Ngô Xuân Khôi đã thuyết phục hội đồng tuyển sinh bằng một câu chuyện của riêng mình mà ở đó, chính cậu là nạn nhân.
Chịu đựng sự kỳ thị trong suốt 4 năm học trung học
“Em đã từng bị kì thị và bắt nạt gần như suốt 4 năm cấp 2. Điều này khiến em rất mệt mỏi và tự ti về bản thân. Thậm chí có 1 khoảng thời gian em bị mất niềm tin hoàn toàn vào cuộc sống. Tuy nhiên, em đã cố gắng hết sức để vượt qua với hy vọng về 1 tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn. Chính vì thế, ngay khi vào trường cấp 3 - nơi em không bị bắt nạt nữa, em đã chuyên tâm học hành và cố gắng tìm kiếm cơ hội “bơi ra biển lớn” - Khôi trải lòng.
Trong muôn vàn đề tài, sex trở thành điều Ngô Xuân Khôi trăn trở nhất
Trên góc nhìn cá nhân dựa vào sự trải nghiệm trong thời gian dài, Khôi luôn trăn trở về sự thiếu sót trầm trọng môn giáo dục giới tính trong chương trình học phổ thông tại đa số các trường học. Chính điều này, dẫn đến nhiều bạn trẻ cấp 2, khi vừa bắt đầu dậy thì và có sự tò mò nhất định về tình dục, tìm đến phim sex như 1 giải pháp để thỏa mãn trí tò mò và tưởng tượng, cũng như để xem “tình dục” cụ thể là như thế nào. Việc này dễ dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường về sau, vì dù gì phim sex cũng chỉ là 1 sản phẩm sinh lời nhằm phục vụ nhu cầu tưởng tượng của con người. Việc lạm dụng phim sex ở tuổi mới lớn dễ khiến các bạn có cái nhìn sai lệch về tình dục. Cũng từ đây, Khôi đã được thôi thúc thành lập về 1 tổ chức về giáo dục giới tính cho học sinh - sinh viên với tên Sex Speak Organization.
Tháng 5/2016, Khôi thành lập tổ chức Sex Speak Organization (SSO). SSO được quản lý bởi học sinh, sinh viên, hoạt động nhằm cung cấp những kiến thức cần thiết về giáo dục giới tính (GDGT) cho các bạn trẻ cũng như nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của GDGT.
Ngoài chương trình gây quỹ hơn 13 triệu đồng cho các trẻ em bị hoặc có nguy cơ bị xâm hại tình dục đang được cưu mang ở Mái ấm Hoa Hồng Nhỏ, SSO còn tổ chức một số sự kiện chia sẻ kiến thức về quan hệ tình dục an toàn, xâm hại tình dục tới người trẻ.
Ngoài bài luận về “phim sex”, Khôi còn thực hiện 1 bài luận viết về vai trò của người phụ nữ trong gia đình, cụ thể hơn là góc nhìn về việc những người phụ nữ thường lui về gian bếp trong các dịp lễ Tết, đám giỗ… và đàn ông luôn là người tiếp khách, ngồi mâm trên. “Bất bình đẳng giới là có tồn tại, và nó không thể phủ nhận. Em rất buồn khi nhìn thấy những mẹ, những bà, những chị quanh em phải gánh chịu những định kiến và bất công xã hội mà gói ghém đi ước mơ riêng của họ về gia đình, gian bếp” - Khôi chia sẻ.
Có thể thấy, cả 2 bài luận của Ngô Xuân Khôi đều bắt nguồn từ những trải nghiệm cá nhân hoặc từ những gì thấy được. Chính những điều đó đã được Khôi thể hiện qua khả năng viết lách tạo nên sự chân thật, gần gũi nhất để gửi tới Ủy ban Tuyển sinh.
Ngôi Xuân Khôi khẳng định: Phim sex không phải là 1 công cụ để học giáo dục giới tính!
16 tuổi trở thành thực tập sinh của 1 tổ chức phi chính phủ lớn mạnh
Năm 16 tuổi, Khôi từng là thực tập sinh tại Trung tâm ICS - một trong các tổ chức phi chính phủ lớn mạnh nhất tại Việt Nam làm việc về quyền LGBTIQ+. Khôi tham gia vào rất nhiều việc trong thời gian thực tập nhưng công việc chính là hỗ trợ các anh chị ở đây các vấn đề về nội dung và hoặc liên lạc với các bên. Khôi gọi đây là trải nghiệm đầy thử thách và bổ ích vì đó là lần đầu tiên mà cậu được làm trong 1 môi trường chuyên nghiệp như thế. Bên cạnh đó, cậu không quên chia sẻ một cách đầy hào hứng cũng như bất ngờ vì sự thân thiện và sẵn sàng giúp đỡ từ mọi người ở ICS. Với 1 “đứa trẻ' 16 tuổi, việc trở thành Thực tập sinh của 1 tổ chức phi chính phủ lớn mạnh là việc gần như không tưởng. Dường như đây cũng là cột mốc quý giá giúp Khôi “bơi ra biển lớn” và điều đó đã trở thành hiện thực ở tuổi 18.
Và sau tất cả, Khôi khẳng định sự thành công của cậu không đơn thuần là những điều mình đã từng trải qua mà: “Em nghĩ quan trọng là ta học được gì sau tất cả. 1 nạn nhân của 1 bất cập nào đó nhưng không thể viết về trải nghiệm của chính mình cũng như chứng minh cho Ủy ban Tuyển sinh thấy được sự trưởng thành và tự nhận thức theo thời gian thì không thể nào thành công được. Ở đây, theo em nghĩ vấn đề không phải là thuyết phục hay không thuyết phục, mà là ta có sẵn sàng mở lòng mình để đón nhận sự thay đổi trong chính bản thân.
Em tin rằng nếu ta luôn cố gắng vì mục tiêu phía trước, sẽ có ngày mọi thứ suôn sẻ và thành công!”