Xin chào, vậy là ai đó vừa kết thúc quãng đời sinh viên và cầm trên tay tấm bằng cử nhân. Thông thường, “hậu cử nhân” chúng ta sẽ dành 1 ít thời gian để hưởng thụ cuộc sống: đi dụ lịch, chơi thể thao, học thêm cái gì hay ho… chờ ngày cầm tấm bằng trên tay. Và sau đó thế nào? chúng ta lao đầu vào “hành trình xin việc” đầy cam go, thử thách. Nhưng không phải ai cũng may mắn tìm được cho mình một công việc đúng ngành nghề mình yêu thích. Mà đa phần các bạn phải đối diện với nhiều nỗi lo và hàng loạt câu hỏi đặt ra trong đầu: Liệu mình có xin được việc không? Công việc này có phù hợp với mình? Tại sao có nhiều việc làm thế mà mình vẫn thất nghiệp? Có thể nói đi xin việc, công việc mới, hay thất nghiệp được coi là điều khiến niềm vui chúng ta đúng là “chẳng tày gang”.
Đi xin việc
Đầu tiên, bạn cần có 1 CV thật xịn, sau đó phải mang đi gửi ở các công ty mà bạn mong muốn phải không? Lý thuyết đơn giản là thế, nhưng việc gửi CV và chờ phản hồi là vấn đề khiến nhiều người chán nản nhất.
Nếu may mắn nhà tuyển dụng sẽ gọi điện cho bạn phỏng vấn, đây chỉ là giai đoạn đầu của quá trình xin việc thôi, đừng vội mừng. Với những công ty lớn, đa phần chúng ta phải trải qua sự cạnh tranh khá cao giữa các đối thủ, có những nơi phỏng vấn tới 3-4 vòng thậm chí 5 vòng là chuyện hết sức bình thường.
Hãy tập làm quen với điều này, vì không một ai đi xin việc mà không từng trải qua cả. Mà nè, bạn đã chắc chắn rằng bạn đang sở hữu 1 CV thật “xịn” chưa?
1 “CV xịn” ở đây có hai ý nghĩa: một là nó phải khác biệt, hai là nó phản ánh đầy đủ và chân thực về chính bạn. Bạn hãy tưởng tượng, trong hàng ngàn hồ sơ xin việc, 1 CV được mua từ nhà sách về và điền chỉ các thông tin căn bản sẽ khiến bạn chìm nghỉm thôi. Hãy sáng tạo và mạnh dạn hơn với Cv của mình. Ngoài ra, đừng ngần ngại nhét tất tần tật thông tin về kinh nghiệm của bạn vào CV, trưởng ban văn nghệ tại trường đại học? Điền ngay vào thôi! Từng làm phục vụ tại ABC? Tại sao lại không chứ!
Hãy nhớ những quy tắc rất căn bản này khi làm CV, phải thật chỉn chu, thật sáng tạo, và thật “bạn”. Nhé!
Nỗi lo mang tên việc làm
Không phải ai cũng may mắn để tìm cho mình một công việc đúng chuyên ngành hay sở thích ngay từ đầu. Bạn sẽ lo lắng điều gì? Về lương? Về tính chất công việc? Môi trường làm việc? Mức độ cạnh tranh?
Các bạn thân mến, hãy cho chính bản thân mình cơ hội để thử sức, và để hiểu chính bản thân mình hơn. Bạn còn trẻ, bạn còn thật nhiều con đường để đi, hãy chắc rằng mình đam mê với con đường mà mình lựa chọn. Hãy mạnh dạn thử công việc mà bạn cảm thấy hứng thú, đừng đặt quá nhiều câu hỏi. Bời câu hỏi chỉ nên mang tính tham khảo, không nên là vật cản của bạn. Biết đâu trong quá trình làm việc, bạn nhận ra mình thực sự hợp với nó, còn nếu không phải, ít ra bạn đã biết mình sai, và không cảm thấy hối hận. Phải không nào?
Việc làm trái ngành là việc hết sức bình thường trong xã hội ngày nay, vì số lượng sinh viên ra trường càng tăng nhu cầu công việc từ các công ty lại không đáp ứng đủ. Nếu như không tìm được việc làm đúng với ngành nghề mình yêu thích, thì khoan hãy từ bỏ.
“Thất nghiệp” - vấn đề muôn thuở
Từ hai yếu tố trên có thể thấy việc ra trường và xin việc đối với chúng ta trong thời buổi hiện tại là một điều không hề dễ dàng. Những mối lo về tương lai thất nghiệp hay làm việc trái ngành, lao động tay chân luôn là đề tài nóng trong những năm gần đây. Khi được hỏi về công việc sau khi ra trường, có rất nhiều người đều trả lời là họ chưa biết làm gì, xin việc ở đâu?
Thậm chí có những bạn tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại ưu nhưng vẫn không thể xin được việc làm mà mình yêu thích. Nhưng bạn tin không? Có những người đã trưởng thành hoàn toàn, thỉnh thoảng vẫn… “thất nghiệp”. Thất nghiệp đáng sợ không? Đáng sợ chứ, nhất là khi các bạn đang đứng ở ngưỡng cửa cần trưởng thành hơn, cần khẳng định bản thân hơn, và cả nỗi lo của thế giới người lớn mang tên “cơm, áo, gạo, tiền”.
Với nhiều người, rõ ràng “thất nghiệp” đáng sợ ngang “thất tình”, nhưng sau tất cả, đây là bước khởi đầu chưa được như mong muốn. Hẳn là bạn đã sai ở đâu đó, mà vì quá nóng vội, chúng mình chưa kịp tìm ra chăng? CV của mình chưa tốt? Mình đang apply những công việc/vị trí quá tầm tay? Mình còn yếu trong kỹ năng phỏng vấn?
Đây, thất nghiệp vài tháng sau tốt nghiệp là 1 khóa học không học phí, mà vượt qua được khóa học này, bạn sẽ trở thành 1 phiên bản TÔI tốt hơn rất nhiều mà thôi. Dành thời gian nghiền ngẫm, tìm ra vấn đề, hiểu bản thân mình, và giải quyết nó. “Thất nghiệp” tuy không vì thế mà bớt đáng sợ, nhưng nó đang giúp ích bạn rất nhiều trên con đường còn dài, còn xa phía trước.
Chướng ngại vật đang ở trước mặt, mình cùng vượt qua thôi!