Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao & Đời sống

8 bước giúp bạn thay đổi tích cực hơn trong dịp đầu năm: Đừng dừng lại ở vạch đích!

Để không phải tự dằn vặt bản thân mỗi khi nói lời tạm biệt năm cũ, hãy bắt đầu một năm mới với những kế hoạch, phương pháp bài bản và có hiệu quả.

Có lẽ sẽ thật kỳ cục nếu bây giờ nhắc lại những câu chuyện không vui ngày cuối năm, nhưng có một sự thật thế này: Khi một năm sắp kết thúc, nhiều người lại ôm trong mình nỗi hụt hẫng, hối tiếc. Tiếc vì những mục tiêu chưa kịp hoàn thành, hẫng vì nhìn lại 365 ngày, bản thân vẫn không có một bước tiến nào đáng kể.

Đã bao giờ bạn tự hỏi rằng trong cái vòng lập “mục tiêu - kết quả” ấy, mình đã sai ở đâu? Tại sao người khác tổng kết năm với những thành quả đáng tự hào, còn mình lại thở dài trong những nuối tiếc, chán chường.

Ảnh minh họa: Alessandro Gottardo

Để không phải tự dằn vặt bản thân mỗi khi nói lời tạm biệt năm cũ, hãy bắt đầu một năm mới với những kế hoạch, phương pháp bài bản và có hiệu quả. Đừng nghĩ rằng chỉ cần kiên trì là đủ. Kiên trì có phương pháp chính là có ý chí. Kiên trì mà không có mục tiêu, kế hoạch dễ biến thành kẻ cố chấp, cứng đầu.

8 bước dưới đây sẽ giúp bạn cải thiện cuộc sống của mình theo hướng tích cực hơn trong năm mới.

1. Đánh giá bản thân và thiết lập một mục tiêu vừa sức

Đây là một bước khá quan trọng nhưng nhiều người lại thường xuyên bỏ qua nó khi lập kế hoạch thay đổi cuộc sống. Phải biết bản thân đang có gì mới có thể thiết lập một mục tiêu, chiến lược phù hợp. Giống như việc bạn dự định mua một căn nhà trị giá 2 tỷ trong 5 năm khi thu nhập chỉ dừng lại ở mức 10 triệu một tháng, đó gọi là mục tiêu vượt quá khả năng hiện tại.

Có tham vọng chưa bao giờ là sai, nhưng nếu đặt một vạch đích quá xa so với sức chạy, dù có cố sức đến kiệt quệ, bạn vẫn không thể chạy đến đến được. Sao không để những nỗ lực được đền đáp bằng cách vẽ một đích đến gần hơn, vừa sức hơn. Chính bạn mới là người quyết định mục tiêu của cuộc đời mình, đừng tự làm khó bản thân.

Ảnh minh họa: Alessandro Gottardo

 2. Lập kế hoạch cụ thể để đạt được mục tiêu

Nhiều người thường tâm sự với nhau rằng: “Ngủ dậy và chả biết làm gì, lướt mạng xã hội cái đã hết ngày”. Thế là trước thời khắc ngày tàn, từ ngày này sang tháng nọ, bản thân lại tự hỏi “Hôm nay mình đã làm được gì?”.

Để không phải thức giấc trong tình trạng hoang mang, hãy lập kế hoạch thật cụ thể cho những mục tiêu đã xác định. Viết ra những gì mình cần làm, từ việc nhỏ nhất như tưới chậu cây bên cửa sổ cho đến hoàn thành deadline công việc trước thời hạn,…

Chưa ai có thể phủ nhận rằng người làm việc hiệu quả là những người biết lập kế hoạch. Chính những kế hoạch cụ thể sẽ trở thành phương tiện giúp bạn gặt hái được thành công.

3. Đặt mục tiêu ngắn hạn

Chia nhỏ mục tiêu theo cấp độ tăng dần để bản thân không thấy quá chán ngán. Nếu muốn đọc một quyển sách dày 500 trang, hãy khởi động ngày đầu với 10 trang, ngày thứ hai với 15 trang,… đến khi quyển sách được đọc xong.

Henry Ford - Ông vua xe hơi từng nói “Những việc trên thế giới đều có thể đạt được, nếu như bạn biết tách nó ra thành những việc nhỏ đủ cần”. Luôn chia nhỏ mục tiêu lớn thành những việc làm cụ thể và đặt ra mốc thời gian để hoàn thành.

Ảnh minh họa: Alessandro Gottardo

4. Quyết định thói quen nào sẽ dẫn bạn đến thành công 

Cách hiệu quả để thực hiện kế hoạch thuận lợi và không bị nhàm chán chính là biến nó thành thói quen. Ví dụ bạn muốn giảm cân, hãy biến việc tập gym thành hành động lập đi lập lại nhiều ngày cho đến khi bản thân cảm thấy bứt rứt nếu không đến phòng tập.

Lựa chọn một thói quen tốt, cần thiết cho kế hoạch đã đề ra ở bước 2 và duy trì chúng. Thói quen tốt sẽ mang lại kết quả tốt.

5. Hành động

Dù có trong tay kế hoạch tốt nhất, chi tiết nhất của thế giới, bạn vẫn chỉ là kẻ thất bại nếu không hành động. Bắt tay vào thực hiện những mục tiêu theo kế hoạch đã đề ra. Dứt khoát với bản thân, đừng chỉ biết nói suông.

Ảnh minh họa: Alessandro Gottardo

6. Viết nhật ký

Sau khi hành động, hãy ghi lại việc mình đã làm, cảm xúc, suy nghĩ, ý tưởng mới mỗi ngày. Ít nhất những trang nhật ký sẽ giúp bạn nắm được rằng ngày hôm đó, bạn đã làm được gì và chưa làm được gì. Nếu bản thân chần chừ khi viết ra những gạch đầu dòng, đó là lúc bạn cần xốc lại tinh thần và xem lại bước 5. Nhưng đừng buồn, vì ít ra, bạn biết mình đã sai ở đâu.

7. Đo lường hiệu quả và linh động trong mục tiêu, kế hoạch

Dựa vào nhật ký, bạn hoàn toàn biết được tiến độ thực hiện mục tiêu của mình. Nhưng biết không phải chỉ để biết, mà là để tự đánh giá mức hiệu quả trong từng công việc. Nếu chưa thật sự có những tín hiệu tích cực, hãy điều chỉnh kế hoạch. Không phải ai cũng lập được một kế hoạch hoàn hảo ngày từ đầu, nhưng tất cả mọi người đều có cơ hội để gọt dũa nó thành “viên kim cương”. Vì vậy đừng bỏ lỡ.

Ảnh minh họa: Alessandro Gottardo

8. Vượt qua “vạch đích”

Đừng chỉ dừng lại ở vạch đích, phải vượt qua những gì chúng ta mong đợi. Để làm gì? Để chứng minh với bản thân rằng năng lực chúng ta cao hơn mình có thể nghĩ. Cuộc sống không chỉ gói gọn trong một mục tiêu và việc đi xa hơn vạch đích đã định sẽ giúp bạn “đỡ cực” hơn khi thực hiện giấc mơ tiếp theo.

Không có tốt nhất, chỉ có tốt hơn. Trong những ngày đầu tiên của năm mới này, hãy viết tiếp câu chuyện còn đang dang dở của năm 2019. Chúng ta có thể đi chậm, thậm chí là làm lại một năm 2019 trong năm 2020, nhưng nhất quyết không được dừng bước.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Xuân Tuyền

Được quan tâm

Tin mới nhất
Vỡ oà với Tuấn Hải
iPhone 17: Công nghệ màn hình cao cấp sẽ trở thành tiêu chuẩn?