KHỞI ĐẦU TỪ SỐ 0
Tháng 6/2009, Zidane nhận lời mời trở thành cố vấn cao cấp của Florentino Perez, người trở lại vị trí chủ tịch Real Madrid sau nhiệm kỳ của Ramon Calderon. Cùng với tổng giám đốc Jorge Valdano và giám đốc thể thao Miguel Pardeza, Zidane có tiếng nói quyết định trong chiến lược chuyên môn của Los Blancos.
Song huyền thoại người Pháp nhanh chóng nhận ra đây không phải là vị trí mà ông mong muốn. Ở hàng ghế VIP trên khán đài chứng kiến các trận đấu, ông cảm thấy mình muốn có một vị trí “thấp” hơn, gần với các cầu thủ hơn. “Tôi nhận ra làm công việc điều hành cũng tốt, nhưng đó không phải là điều mà tôi muốn làm” - Zidane trả lời phỏng vấn kênh Canal+. “Tôi quyết định mình sẽ trở thành một HLV”.
Một công việc ngay lập tức là điều Zidane dễ dàng nhận được ở Real Madrid với uy tín và vị thế của mình, nhưng ông muốn bắt đầu một cách bài bản và cẩn trọng. Ông ghi danh vào khóa đào tạo HLV của LĐBĐ Pháp FFF. “Cậu ấy muốn trở thành một chiến lược gia thực sự được nể trọng bằng khả năng cầm quân chứ không phải vì cậu ấy là Zidane” - Farid, anh trai của Zizou chia sẻ.
Zidane muốn bắt đầu từ vị trí của một “kẻ học việc”, ngang hàng với tất cả những người khác. Philippe Lambert, thầy của Zidane trong khóa học, kể lại rằng Zizou nhanh chóng vượt qua ngay cả các giáo viên của mình. “Cậu ấy rất cầu thị. Zidane muốn học hỏi mọi thứ, cậu ấy thường nói: Tôi chẳng biết gì về việc huấn luyện cả, tập luyện thế nào và quản lý các cầu thủ ra sao?” - Lambert kể lại.
Những bài học tại lò đào tạo của FFF và các buổi nói chuyện với những chiến lược gia gạo cội như Marcelo Bielsa hay Christian Gourcuff thực sự bổ ích với Zidane. “Cậu ấy không tiếp thu tất cả mà chỉ nhặt ra những mảnh ghép mà cậu ấy quan tâm” - Lambert khẳng định.
HỌC LẠI TỪ ĐẦU
Zidane là một cậu học trò chăm chỉ, nhưng ông không chỉ học về nghề HLV trên giảng đường của FFF. Giống như một đứa trẻ bắt đầu xếp hình mà không biết chính xác kết quả cuối cùng, ông góp nhặt những kiến thức mà mình quan tâm, tích lũy vào một “chiếc túi” đầy lên qua tháng năm.
Aime Jacquet, HLV đưa ĐT Pháp lên ngôi vô địch World Cup 1998, nhận xét: “Zidane sẽ đúc rút ra những điều phù hợp với cậu ta từ mọi chiến lược gia mà cậu ta được gặp”. Guy Lacombe, HLV của Zidane thời ở Cannes - đội bóng huyền thoại Pháp khởi nghiệp, đánh giá: “Zidane là một HLV có phong cách kết hợp của Capello, Ancelotti và Lippi”.
Zidane chưa bao giờ thi đấu dưới sự dẫn dắt của Capello, nhưng lời nhận xét của Lacombe phác họa một bức tranh hoàn chỉnh của HLV Zinedine Zidane: Gốc Algeria, quốc tịch Pháp và phong cách Italia.
Fabio Capello cũng thừa nhận điều này: “Về chiến thuật, Zidane biết cách để cân bằng đội bóng của mình như một HLV Italia điển hình. Cậu ấy hiểu rằng Real Madrid không phải là đội bóng cần những chiến lược lâu dài và biến đội bóng trở thành cỗ máy chiến thắng có thể đánh bại mọi đối thủ trong một trận đấu cụ thể. Rất thực dụng!”.
MIẾNG GHÉP TỪ ITALIA
Sau EURO 1996, nơi Pháp bị CH Czech đánh bại ở vòng Bán kết, Zidane rời Bordeaux để đầu quân cho Juventus. Quãng đường băng qua dãy Alps giống như hành trình chuyển tiếp từ một tài năng trẻ sang một chiến binh thực thụ trong màu áo đen trắng của “Bà đầm già”. Tại Juventus, chiến thắng không chỉ là nghĩa vụ mà còn là một thói quen.
Trong đội hình của Marcello Lippi, Zidane đá phía trước Didier Deschamps và Antonio Conte, hai người sau này cũng trở thành những HLV tài ba.
Lippi dạy ngôi sao mới của mình những khía cạnh khác của bóng đá. Điều đó được Zidane kể lại trong một cuộc phỏng vấn: “Ở Italia, mọi vấn đề về chiến thuật đều rất cụ thể, chi tiết. Các cầu thủ phải biết mình đứng đâu, làm gì ngay cả khi không có bóng”.
Lippi luôn nhớ tới Zidane như một cầu thủ “khát khao học hỏi để biết cách tổ chức đội bóng”. Ngay ở thời điểm đó, Zizou đã nhận ra một yếu tố quan trọng: “Juventus luôn chiến thắng bằng ưu thế chiến thuật”.
Có lẽ những gì mà Zidane học hỏi từ Lippi đóng một phần quan trọng trong con đường dẫn đến thành công của Real Madrid. Tại bán kết Champions League mùa giải 2015/16, Man City với bậc thầy kiến tạo De Bruyne đã không tạo ra được bất cứ một cơ hội nào về phía khung thành của Keylor Navas trong 180 phút của hai lượt trận. Những điểm mạnh nhất của đối thủ luôn luôn bị triệt tiêu khi đối đầu với đội bóng của Zidane.
Lippi kể lại một kỷ niệm thời Zidane còn đá cho Juventus: “Tôi nhớ một trận bán kết Champions League với Ajax. Họ có một cầu thủ rất nguy hiểm, Tijani Babangida, anh chàng chạy cánh người Nigeria có tốc độ rất khủng khiếp. Cả tuần trước trận đấu, chúng tôi luyện tập cách để ngăn chặn Babangida. Phải có hai người để mắt đến cậu ấy. Một người sẽ trực tiếp cản phá, người thứ hai bọc lót phía sau 10m. Mọi thứ diễn ra chính xác trong trận đấu, Babangida bị khóa chặt và chúng tôi chiến thắng!”.
Lippi rời Juventus và người tiếp quản vị trí của ông là Ancelotti lại mang đến cho Zidane những bài học mới. Ancelotti từ bỏ sơ đồ 4-4-2 ưa thích để giúp Zidane có được không gian chơi bóng tốt nhất. “Zizou không phù hợp với hệ thống sở trường của tôi, vì thế tôi chuyển sang sơ đồ 3-4-1-2 để cậu ấy được chơi với vị trí số 10 yêu thích!”.
Ancelotti cũng giới thiệu với Zidane một nhân vật đặc biệt: Antonio Pintus. Vị HLV thể lực này đã chinh phục hoàn toàn huyền thoại người Pháp, để rồi khi trở thành HLV Real Madrid, ông mời bằng được Pintus từ Lyon đến gia nhập ban huấn luyện của mình.
XÂY CHIẾN THẮNG BẰNG NHỮNG GIỌT MỒ HÔI
Pintus là một HLV thể lực có khả năng đưa ra những giáo án luyện tập kết hợp những phương pháp kinh điển với sự khác biệt của từng cá nhân cầu thủ. Dĩ nhiên giáo án của Pintus thuộc loại cực kỳ “khó nhằn”, nhưng cực kỳ hữu ích. Nền tảng thể lực quyết định rất nhiều đến khả năng thành công của ý đồ chiến thuật.
Với Pintus, Zidane có một trợ lý đắc lực, người giúp ông đề ra những phương án xoay vòng đội hình sao cho thể lực của các cầu thủ luôn được đảm bảo ở chặng nước rút cuối mùa. Được xem là một nghệ sĩ sân cỏ nhưng yếu tố sức mạnh và sức bền là một phần quan trọng trong triết lý cầm quân của Zidane.
Quan điểm coi trọng thể lực được Zidane rút ra từ những năm tháng cuối cùng sự nghiệp chơi bóng. “6 tháng trước kỳ World Cup 2006, tôi bắt đầu môt chiến dịch sinh hoạt và ăn uống khổ hạnh”. Ông không sử dụng nước ngọt có ga và đi ngủ lúc 9h30 tối để chuẩn bị cho giải đấu lớn cuối cùng sự nghiệp.
Zidane hiểu rõ hơn ai hết việc thiếu thể lực sẽ làm cho những động tác kỹ thuật không còn ổn định và chính xác. Vì lẽ đó, sự khổ luyện trên sân tập là bí quyết để thành công. Sau trận chung kết với Atletico ở Giuseppe Meazza năm 2016, ông nói: “Chúng tôi đã phải nỗ lực rất nhiều, chúng tôi đã chiến thắng với sự gian khổ ở mức độ cao nhất. Trước đó, trong buổi họp báo chính thức đầu tiên trên cương vị HLV trưởng đội bóng, ông khẳng định: “Nếu chúng ta chăm chỉ, mọi thứ không thể đi chệch hướng!”.
“Các cầu thủ nỗ lực hết sức vì Zidane đã làm thế từ hồi đá cho Juventus” - Rafa Benitez phát biểu trên báo giới Tây Ban Nha vài ngày sau khi phải nhường chỗ cho huyền thoại Pháp. Những kinh nghiệm đúc kết từ thời ở Italia được truyền lại cho các cầu thủ, những người đã sẵn lòng ngưỡng mộ sự nghiệp vĩ đại của ông.
Jorge Valdano, cựu giám đốc của Real, có một góc nhìn rộng hơn: “Với những kinh nghiệm trong suốt sự nghiệp của mình, Zidane hiểu rằng thành công trong bóng đá bắt đầu từ những giọt mồ hôi”.
TRƯỜNG HỌC BERNABEU
Zidane rời Juventus đến Real Madrid năm 2001, giữa kỷ nguyên Galacticos. Perez đã ký hợp đồng với Figo 1 năm trước đó. Sau Zidane là Ronaldo, Beckham, Owen và Robinho lần lượt cập bến Bernabeu trong 4 mùa hè liên tiếp.
Đã quen với vị thế trung tâm ở Juventus, Zidane đối mặt với một thực tế khác biệt ở Real Madrid. Ông không thể chơi ở vị trí số 10 sở trường khi Raul chắc một suất hộ công sau lưng Morientes (sau là Ronaldo). Giải pháp có thể là sơ đồ tiền vệ hình kim cương hoặc 3-5-2. Nhưng với Luis Figo được ưu tiên chơi ở cánh phải sở trường, Zidane bị đẩy sang bên phía cánh trái. Ông học được bài học lớn đầu tiên ở Bernabeu: Đây không phải là nơi có thể đòi hỏi vị trí tốt nhất cho mình và phải học cách thích nghi để không làm ảnh hưởng đến cả bộ máy.
“Chúng ta chưa bao giờ thấy một số 10 lại chơi lệch cánh” - Zizou nhớ lại - “Nhưng ở Real, tôi phải chơi như vậy để đảm bảo tính cân bằng của đội bóng”.
Tất nhiên Zidane vẫn là nhân vật trung tâm, ông thường xuyên di chuyển vào giữa để cầm bóng và tổ chức theo đúng sở trường nhờ đồng đội Roberto Carlos quán xuyến hành lang biên quá tốt. Nhưng Vicente Del Bosque cùng sơ đồ 4-4-2 “bất đối xứng” đã tạo ra một số 10 có lối chơi hoàn toàn khác biệt trước đây, một số 10 phục vụ cho tập thể thay vì là ngôi sao trung tâm như kiểu Diego Maradona. Đó cũng là lý do vì sao Maradona không thể trở thành một HLV giỏi.
Trong giai đoạn này, Zidane cũng nhận thức được tầm quan trọng của người đồng đội, đồng hương Claude Makelele. Chơi ở vị trí thấp nhất hàng tiền vệ, án ngữ trước hàng thủ, Makelele là người duy trì sự cân bằng trong một đội ngũ quá nhiều cầu thủ tấn công. Sự ra đi của Makelele (sang Chelsea năm 2003) đã làm Real Madrid bị suy yếu rõ rệt với tuyến phòng ngự dễ tổn thương hơn nhiều.
Hiện tại, Casemiro là người đóng vai trò của Makelele năm xưa. Cầu thủ người Brazil đại diện cho bài học lớn nhất mà Zidane rút ra trong thời gian chơi bóng cho Real Madrid. Một đội bóng không thể thành công nếu không đạt độ cân bằng nhất định giữa tấn công và phòng thủ.
PAVON VÀ DEL BOSQUE
Khi Zidane đến Real Madrid, có một chàng trai trẻ được đôn lên từ lò đào tạo trẻ của CLB, tên anh ta là Francisco Pavon. Đó là sự khởi đầu chính thức của chiến dịch mang tên “Những Zidane và những Pavon” của Florentino Perez, một kế hoạch xây dựng đội bóng với sự pha trộn của những ngôi sao được mua về và lực lượng cầu thủ trẻ “cây nhà lá vườn”.
Vấn đề ở đây là cái tên của chiến dịch đã vô tình chia phòng thay đồ ra làm hai phần, một sự phân cấp rõ rệt. Zidane nói: “Tôi không thích cái gọi là những Zidane và những Pavon. Trong phòng thay đồ tất cả các cầu thủ đều như nhau”. Một chính sách bình đẳng thực tế cũng được Vicente Del Bosque áp dụng và ảnh hưởng đến Zidane về sau.
Del Bosque coi tất cả các cầu thủ trong đội hình như nhau, điều đó giống với Fabio Capello, người luôn phát ngôn đại loại như: Tôi có 25 cầu thủ chính thức.
Triết lý này thu hút Zidane, người luôn xoay vòng các cầu thủ trên mọi mặt trận mà đội bóng tham dự. Dĩ nhiên có một vài cá nhân đặc biệt như Ronaldo, Ramos, Kroos, Modric, Marcelo… nhưng Zidane cũng chưa bao giờ nói Marco Asensio, Lucas Vazquez hay Isco là những cầu thủ dự bị. Mùa năm ngoái, Real Madrid có tới 20 cầu thủ ra sân hơn 1.000 phút ở La Liga.
PHƯƠNG PHÁP ANCELOTTI
“Các buổi thuyêt trình nên ngắn gọn xúc tích hơn, nếu không thì cầu thủ ngủ gật hết!” - Đó là một điều khác mà Zidane học được từ Del Bosque.
“Tôi không bao giờ phải nói hay chỉ dẫn nhiều với Luka Modric, cậu ấy thừa biết mình phải làm gì trên sân!” - Zidane tuyên bố hồi năm 2016. Đây là một trong những yếu tố ngoài chuyên môn quan trọng nhất làm nên thành công của Zidane.
Khi chưa có ý định trở thành một HLV, Zidane đã ghi danh vào đại học tổng hợp Limoges để có thêm kiến thức quản lý, sẵn sàng cho một chức vụ trong ban giám đốc của Real. Ông sớm nhận ra một điều sau khóa học về quản lý: “Các HLV bây giờ không khác biệt nhau nhiều về trình độ chuyên môn, khác biệt nằm ở cách quản lý cầu thủ”.
Để hiểu sâu hơn về khía cạnh này, Zidane từ bỏ công việc bàn giấy để xin làm trợ lý thứ 2 cho Carlo Ancelotti, một chiến lược gia luôn được các cầu thủ quý mến. Một nơi thực tập quá lý tưởng cho những kiến thức đã học được.
Ở vị trí mới, Zidane gần gũi hơn với các cầu thủ, cứ như thể ông là một người trong số họ. Tất cả gọi ông đơn giản là Zizou. Sergio Ramos sau trận chung kết năm 2016 nói rằng HLV của đội “tạo ra cảm giác thân mật chưa từng có”. Ông thậm chí còn thuyết phục được Cristiano Ronaldo ra sân ít hơn để có được thể lực tốt nhất cho trong giai đoạn cuối mùa giải.
Ghế HLV tại Bernabeu thường được đánh giá là chiếc ghế nóng nhất thế giới bóng đá bởi bị các cầu thủ nắm 3/4 chân. Zidane đã xây dựng được mối quan hệ rất tốt đẹp với những siêu sao cá tính bậc nhất thế giới, đó là điều mà không phải ai cũng làm được.
MẢNH GHÉP CUỐI CÙNG
Cuối cùng nhưng là quan trọng nhất, dĩ nhiên là khả năng chuyên môn. Zidane thường bị đánh giá thấp về độ sắc sảo trong cách bày binh bố trận khi nhiều người cho rằng thành công của ông là nhờ Real Madrid sở hữu một đội hình quá mạnh và dấu ấn lớn nhất của Zidane chỉ là công tác tâm lý để các cầu thủ chơi đúng sức của mình.
Sự thật không phải vậy. Dưới thời Ancelotti, Zidane là người được giao nhiệm vụ phân tích đối thủ. “Cậu ấy phân tích, suy ngẫm mọi chi tiết với sự nghiêm túc nhất có thể” - Ancelotti kể lại. Dưới sự dìu dắt của Carletto, Zidane sớm có được khả năng phân tích toàn diện của một chiến lược gia Italia điển hình.
Trận chung kết Champions League năm ngoái là một ví dụ. Trong hiệp 1 trận đấu, Zidane đổi chỗ Isco và Kroos, đẩy tiền vệ người Đức lên cao hơn nhằm hạn chế tầm hoạt động của Miralem Pjanic, cầu thủ điều phối lối chơi của “Bà đầm già”.
Modric kể lại: “Zizou và các trợ lý phát hiện ra một lỗ hổng trong hàng thủ Juve. Chúng tôi chuẩn bị cho trận đấu dựa trên phân tích đó. Chúng tôi xem kỹ hai trận đấu của Juventus với Barcelona và nhận thấy họ rất mạnh ở trung tâm, nhưng thường để lộ khoảng trống ở hai nách hàng thủ. Chúng tôi ghi 3/4 bàn từ những đường chuyền ở khu vực đó. Sự chi tiết là chìa khóa dẫn đến chiến thắng”.
Sự sáng tạo chỉ dành riêng cho từng đối thủ cụ thể. Về cơ bản, Zidane đơn giản là không thay đổi quá nhiều công thức chiến thắng. Cristiano Ronaldo thừa nhận: “Các buổi tập của Zizou rất giống thời Ancelotti. Ông ấy biết các bài tập của Ancelotti rất bổ ích và thoải mái, vì thế ông ấy sử dụng phương pháp tương tự”.
Những mảnh ghép được gom góp từ sự nghiệp cầu thủ cho đến khi trở thành một HLV đã hình thành nên bức tranh toàn cảnh về Zidane, đồng thời lý giải cho những chiến công phi thường mà ông đã giành được cùng Real Madrid. Với chiến thắng thứ 3 liên tiếp tại Champions League, không ai có thể nghi ngờ về vị trí của Zizou trong số những HLV giỏi nhất lịch sử bóng đá.