Lương Xuân Trường được dự kiến cần 6 tháng để trở lại với bóng đá sau khi đứt dây chằng trong buổi tập với tuyển Việt Nam. Nếu có một tấm gương lớn cho Xuân Trường về chuyện đối diện với “ác mộng” này chính là Lê Công Vinh, huyền thoại bóng đá Việt Nam đã từng dính một chấn thương tương tự nhưng trở lại với bóng đá đầy mạnh mẽ.
Hồi cuối tháng 4 năm 2016, Lê Công Vinh từng thẳng thắn chia sẻ với tôi về chấn thương đứt dây chằng được chữa trị như thế nào. Công Vinh nói: “Nhiều người có thể mất 6 tháng hồi phục nhưng có người phải đến 10 tháng. Trường hợp của tôi là hơn 10 tháng. Khi trở lại, tôi có thể chơi với 95% - 100% phong độ. Ở Việt Nam mổ dây chằng xong thì mình “tự bơi” nhưng tôi tập ở nước ngoài thì đó là sự khác biệt.
Bình thường mổ dây chằng ở Singapore sẽ lấy sợi gân ở đùi sau nhưng bác sỹ mổ cho tôi lại lấy gân của xương bánh chè. Đó được xem là sợi gân chắc nhất trên cơ thể người. Tuy nhiên, mổ như thế thì cần thời gian hồi phục lâu hơn người khác. Dây chằng để lâu hơn thì độ bền tốt hơn. Những cầu thủ khác mất 6-7 tháng sẽ đá lại nhưng tôi cần khoảng 10 tháng mới có thể trở lại. Chứng tỏ tôi mất thời gian nhiều hơn, có chế độ tập hồi phục tốt hơn và tập với cường độ cao hơn.
Thời điểm đó, tôi tập ở trung tâm hồi phục thuộc thành phố Porto với giá 40 euro cho 1 tiếng đồng hồ và mỗi ngày tập 2 tiếng. Tôi còn tập thêm buổi sáng ở bể bơi. Chỗ tôi tập có nhiều cầu thủ nổi tiếng từng đến như Kaka, Anderson…
Những cầu thủ của CLB Porto đều đến tập hết. Đó là nơi chuyên tập hồi phục cho VĐV cấp cao. Tại đây, ngoài việc hướng dẫn theo giáo án, các bác sỹ còn giúp tôi tập bằng máy. Mỗi loại cơ đều có máy tập riêng để gần như toàn bộ cơ thể phải hoạt động. Bình thường mình chạy thì cơ mới cứng được, nếu không tập thì cơ sẽ bị teo. Họ có máy tập nên mình chưa gập được thì họ vẫn tập máy cho mình. Họ sẽ có từng giai đoạn để biết mức độ dây chằng mình hồi phục như thế nào.
Vào tháng thứ 3 sau ca mổ, tôi đã có thể đi lại được. Buổi sáng, tôi tập bơi 1000 mét. Tôi tập khoảng 1 tiếng rưỡi đến 2 tiếng ở bể bơi. Buổi chiều, tôi tập gym, đạp xe đạp, đá bóng lưới nhỏ, các bài tập với máy về cơ chân.Tháng thứ 4, tôi có thể vận động, có thể chạy thì ra làm quen với bóng từ động tác cơ bản nhất. Bác sỹ sẽ theo dõi tôi từ các bài tập về sức nhanh, chạy, xoay sở…
Đến tháng thứ 5-6, tôi đã hồi phục thì phải nâng cao thể lực, tốc độ của mình lên. Muốn tập phải có phương pháp, họ có HLV chỉ cho mình. Mình tập như vậy thì không bị tăng cân và kiêng cữ nhiều. Cộng tất cả mọi thứ như thế, mình phải hồi phục tốt thôi”.
Lời chia sẻ của Công Vinh cùng kết quả diễn ra trên thực tế, đó được xem là bài học lớn cho Xuân Trường trong hành trình đối diện chấn thương đứt dây chằng, cũng như chọn thời điểm thích hợp nhất để trở lại với bóng đá. Vì không ít cầu thủ Việt Nam sau thời gian chữa chấn thương đã vội vàng tái xuất, sau đó để lại những hệ lụy lớn như tái phát chấn thương, hoặc không còn duy trì phong độ cao nhất.
Sợi dây chằng bạc tỷ của Công Vinh cũng giúp cho Xuân Trường có thêm sự lạc quan, vì Vinh chữa trị chấn thương xong vẫn duy trì được đỉnh cao phong độ, không bị ảnh hưởng nhiều đến chuyện phát triển sự nghiệp.
Hy vọng rằng qua tấm gương mang tên Lê Công Vinh, Xuân Trường sẽ biết cách làm những điều tốt nhất cho trong hành trình chữa chấn thương đứt dây chằng. Và hàng triệu người hâm mộ đều mong đợi Trường “híp” sẽ tái xuất theo đúng nghĩa “trở lại và lợi hại hơn xưa”.