Cúp Thế giới năm nay một lần nữa chứng kiến các đội bóng châu Âu thống trị giải đấu. 11 đội vượt qua vòng bảng thuộc châu Âu, 6 đội trong số đó lọt vào tứ kết. Vòng bán kết biến thành “EURO mở rộng” khi cả 4 đại diện góp mặt đều là đội tuyển thuộc châu Âu: Anh, Pháp, Croatia, Bỉ. Sức mạnh của các đội bóng châu Âu so với các lục địa khác không chỉ đơn thuần thuộc về chiến thuật, mà còn cho thấy tầm quan trọng trong việc hiện đại hóa công tác đào tạo, huấn luyện cầu thủ trẻ.
Đó là một quá trình cần nhiều năm hun đúc, mài giũa để có được thành quả như ngày hôm nay. Croatia có thể coi là một ngoại lệ vì giải vô địch quốc gia của họ không nổi bật như Anh hay Pháp. Bóng đá Tây Ban Nha và Đức dù bị loại sớm ở World Cup năm nay, nhưng họ vẫn là những ông lớn có thể nhanh chóng lấy lại vị thế đỉnh cao trong 1-2 năm tới. Nhưng những học viện bóng đá như vậy chỉ có thể đào tạo ra những cầu thủ hạng khá. Còn những trường hợp xuất chúng, dị biệt lại thường xuất hiện ngẫu nhiên. Giroud và Mandzukic là những cầu thủ như vậy.
Tại sao những cầu thủ như Giroud và Mandzukic, vốn không có nhiều đất dụng võ ở CLB, lại chơi nổi bật như vậy ở kỳ World Cup năm nay? Câu trả lời thuộc về hướng đào tạo trẻ của các học viện bóng đá. Họ thường ưu tiên những cầu thủ nhanh nhẹn, di chuyển rộng, thi đấu toàn diện, đa năng. John O'Shea ở M.U trước kia, hay Sergi Roberto của Barcelona hiện nay là những cầu thủ như thế. Họ có thể đá cánh trái, cánh phải, trung vệ, tiền vệ trung tâm. Nhờ đa năng, họ có thể chơi trong bất cứ sơ đồ chiến thuật nào, ở nhiều vị trí.
Nhưng đó cũng là điểm yếu chí mạng trong công tác đào tạo bóng đá trẻ. Cách đào tạo và chọn lọc như vậy chỉ nhặt ra được những chú ong thợ “chín nghề”, mà không thể đào tạo mẫu cầu thủ chuyên biệt “một nghề cho chín”. Đó là lý do mẫu tiền đạo cổ điển ngày nay lại hiếm hoi như thế. Họ có khả năng hoạt động trong vòng cấm, tranh bóng bổng tốt, sức mạnh vượt trội, có khả năng làm tường.
Bản thân những HLV cũng nhận biết rõ điều đó. “Giáo sư” Arsene Wenger từng nhận định từ 4 năm trước: “Nhìn vào toàn cảnh châu Âu bạn sẽ thấy, Nam Mỹ là khu vực duy nhất có khả năng đào tạo và phát triển tiền đạo hiện nay. Nếu bạn trở lại thập niên 60-70 ở Anh, hay tính ngay từ lúc tôi mới tới Arsenal vào năm 1996, chuyện đó không hề xảy ra. Lúc ấy đội bóng nào cũng có tiền đạo cắm thực thụ: Những cầu thủ có khả năng đánh đầu, luôn được nhồi bóng bổng. Giờ ngày càng hiếm mẫu cầu thủ như thế. Đức thậm chí từng mang Klose 36 tuổi đến World Cup”.
Sau này, Wenger còn nhắc đi nhắc lại điều đó nhiều lần. Việc Tây Ban Nha chấp nhận để một cầu thủ như Diego Costa nhập tịch thi đấu đơn giản vì họ thiếu tiền đạo cắm. Costa ghi 3 bàn ở World Cup năm nay. Trước khi có anh, họ phải sử dụng Cesc Fabregas như một số 9 ảo. Đức cũng vậy, họ từng phải sử dụng Mario Goetze thay vì một tiền đạo cắm thực thụ. Đó là lý do Wenger lên tiếng muốn các học viện bóng đá phải thay đổi, đào tạo theo hướng cho ra lò những cầu thủ chơi ở vị trí chuyên biệt.
4 năm trôi qua từ ngày Wenger lên tiếng, và tình hình chẳng khác là bao. Pháp sử dụng Giroud, còn Croatia dùng Mandzukic, cả hai đều đã 32 tuổi, không còn là đầu tàu ở CLB họ thi đấu. Nhưng đến World Cup, cả hai đều thi đấu rực sáng, trừ một điểm: Họ gần như không ghi bàn. Giây phút Mario Mandzukic băng xuống sút tung lưới Jordan Pickford, hẳn các hậu vệ ĐT Anh đã buông lỏng một phần vì coi thường tiền đạo Croatia. Trước thời khắc đó, anh mới chỉ đúng 1 lần ghi bàn ở giải đấu năm nay, trong trận gặp Đan Mạch thuộc vòng 1/8.
Nhưng nếu xét về hiệu suất dứt điểm và ghi bàn, Mandzukic còn tốt hơn rất nhiều so với Olivier Giroud. “Chân gỗ” của ĐT Pháp đá chính từ lượt trận thứ hai vòng bảng, dứt điểm 13 lần và chưa trúng khung thành lần nào cả. Cú dứt điểm tốt nhất của Giroud trong trận gặp Peru, bóng gần bay vào lưới thì… Mbappe băng vào sút bồi ghi bàn. Giroud vẫn chưa ghi bàn, và nhiều khả năng sẽ không ghi bàn tại World Cup năm nay. Vậy tại sao họ vẫn được trọng dụng dù tịt ngòi?
Vai trò của Giroud, cũng giống như Mandzukic, không hẳn chỉ là ghi bàn. Trên sơ đồ, Mandzukic là cầu thủ đá cao nhất của Croatia, nhưng anh thường hoạt động rộng để tạo điều kiện cho Perisic, Kramaric, hay thậm chí là Modric, Rakitic băng lên dứt điểm. Giroud cũng vậy. Những vệ tinh xung quanh anh như Mbappe và Griezmann mới là chân sút chủ lực, mỗi người đã ghi 3 bàn. Ngay cả những cầu thủ thuộc tuyến tiền vệ như Pogba và Matuidi cũng có thể xâm nhập vòng cấm dứt điểm bất cứ lúc nào.
Ở tuổi 32, Giroud và Mandzukic đều có rất nhiều điểm tương đồng. Họ to cao, không chiến tốt, nhưng đường đến bóng đá đỉnh cao vô cùng lận đận. Cả hai đều khởi đầu sự nghiệp ở những đội bóng hạng dưới. Ở tuổi 20, Giroud thi đấu tại giải hạng 3 Pháp, còn Mandukic bắt đầu tại hạng nhì Croatia. Phải đến độ tuổi 24-25, họ mới bắt đầu được thi đấu ở những giải vô địch hàng đầu châu Âu.
Năm 2012, Giroud vô địch Ligue 1 cùng Montpellier, còn Mandzukic nhận danh hiệu Chiếc giày vàng EURO. Với bảng thành tích đó, một người đến Arsenal, người còn lại đầu quân cho Bayern Munich. Họ thi đấu không tồi tại hai CLB này, nhưng dần dần không còn là lựa chọn hàng đầu vì không phù hợp với lối chơi của HLV. Mandzukic phải đến Atletico, rồi Juventus thi đấu, còn Giorud đầu quân cho Chelsea mùa Đông năm nay.
Giroud và Mandzukic đều không phải mẫu tiền đạo toàn diện. Arsenal cần những cầu thủ nhanh nhẹn, vậy nên họ đưa về Lacazette và Aubameyang. Bayern cũng vậy, họ sở hữu Lewandowski xuất sắc về mọi mặt. Vậy nên cả hai không có đất dụng võ ở những CLB hàng đầu. Bù lại, họ vô cùng thích hợp khi lên tuyển quốc gia, nơi kết quả từng trận đấu quan trọng hơn phong độ duy trì trong cả mùa giải.
Tại World Cup năm nay, Deschamps ban đầu sử dụng Ousmane Dembele đá cùng Griezmann và Mbappe trên hàng công. Nhưng ông nhanh chóng nhận ra điểm hạn chế khi dùng bộ ba này: Những đội bóng đối đầu Pháp có hàng thủ cực kỳ vững chắc, với những hậu vệ cao to. Sơ đồ 3-5 hậu vệ cũng được sử dụng phổ biến gần đây, khiến việc đột phá trung lộ ngày càng khó khăn khi dùng tiền đạo nhỏ con. Giải pháp là sử dụng Giroud đã đem lại kết quả mỹ mãn.
Croatia cũng vậy. HLV Dalic chưa bao giờ phải cân nhắc khi chọn Mandzukic đá chính. Anh cùng Perisic và Ante Rebic tạo thành bộ ba tấn công xuất sắc. Dalic thậm chí sẵn sàng đuổi cổ Kalinic, tiền đạo thuộc biên chế AC Milan về nhà khi anh này làm mình làm mẩy. Mandzukic thậm chí còn làm tốt hơn cả Giroud ở khâu ghi bàn. Cả hai bàn thắng của anh trước Đan Mạch và Anh đều trực tiếp thay đổi kết quả trận đấu.
Yếu tố chuyên môn chỉ là một phần khiến Pháp và Croatia chọn lựa những cầu thủ như vậy trên hàng công. Họ còn cần những cầu thủ khao khát thể hiện bản thân ở đội tuyển quốc gia, sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ được giao chứ không phải chỉ chăm chăm ghi bàn. Giroud là một ví dụ điển hình. Đá tiền đạo, vai trò của anh còn là “bắt chết” tiền vệ gây đột biến trong lối chơi của đối phương. Fellaini từng thi đấu xuất sắc trước Nhật Bản và Brazil đã không có nhiều đất thể hiện khi phải đối đầu Giroud.
Dấu chấm buồn cho Giroud và Mandzukic sau một kỳ World Cup thành công chỉ bắt đầu khi họ trở về CLB. Chelsea vừa có HLV mới, còn Juventus đã chiêu mộ thành công Cristiano Ronaldo. Việc này khiến tương lai của Giroud lẫn Mandzukic vô cùng ảm đạm, khi họ dường như trở thành người thừa. Nhưng đó là chuyện của ít ngày nữa. Giờ đây cả hai đang hướng đến trận đấu cuối cùng. Ai vô địch cũng có quyền tự hào khẳng định họ lên ngôi dù bản thân chỉ là những cầu thủ “chân gỗ”.