Đó gần như chỉ giống một cái ghi chú trong bản hồ sơ công việc của Alex Ferguson. “Điều đó đã từng xảy ra ư?”, đây có lẽ là phản ứng chung của không ít người bởi quãng thời gian ấy thường bị lãng quên. Ông từng giúp Aberdeen thoát ra khỏi cái bóng của Old Firm (Tên để gọi hai đội bóng Celtic và Rangers - ND), đánh bại Real Madrid trước khi chuyển tới Manchester United và tạo ra một đế chế lớn mạnh nhất nước Anh. Tuy nhiên, nhiều người không để ý rằng Fergie từng cùng đội tuyển Scotland tới vòng chung kết World Cup 1986.
Có lẽ Diego Maradona và “Bàn tay của Chúa” đã thống trị các trang báo trong mùa hè năm ấy nhưng Mexico cũng là nơi mà khán giả bóng đá Anh có cái nhìn cận cảnh đầu tiên về một “nhà vua” trong tương lai.
Jock Stein - Alex Ferguson: Một mối quan hệ khăng khít
1 năm trước đó trong trận chung kết FA Cup 1985 giữa Manchester United và Everton nơi ông là khách mời của Gordon Strachan - cựu cầu thủ Aberdeen, Ferguson đã từng được hỏi một cách lịch sự rằng có phải cha của Strachan hay không vì khi đó tên tuổi của ông không quá lớn.
Tuy nhiên, sau chiến dịch World Cup 1986 của đội tuyển Scotland sẽ chẳng còn mấy người phải thắc mắc rằng ông là ai nữa. Những gì mà Fergie thể hiện sau trận đấu với đội tuyển Uruguay - và sau đó phải rời vị trí tại “Đoàn quân Tartan” - đã giúp người hâm mộ có một hình dung thú vị về tương lai. Bên cạnh những sự kiện đau lòng trong hành trình đến Mexico của người Scotland, bảng đấu của họ tại vòng chung kết có thể gọi là rất khó nhằn gồm Tây Đức, Uruguay - nhà vô địch Copa America - và “ngựa ô” Đan Mạch.
Cái chết của huấn luyện viên Jock Stein, người qua đời vì một cơn đau tim sau trận hoà kịch tính với tỷ số 1-1 trước Xứ Wales trên sân Ninian Park qua đó giúp Scotland giành quyền đá play-off, đã mở ra cánh cửa dẫn dắt đội tuyển cho trợ lý Ferguson. Ông luôn coi Stein là người thầy của mình và gọi cựu huấn luyện viên Celtic là “trường đại học một người”.
Những thành tựu của Stein như giành Cúp quốc gia Scotland năm 1961 với đội bóng nhỏ Dunfermline trước khi lên ngôi tại cúp C1 năm 1967 với tư cách huấn luyện viên trưởng Celtic chính là ước mơ của Ferguson. Chính Stein, người được mời tới trận chung kết Cup Winners’ Cup 1983 cùng Aberdeen, đã khuyên Ferguson tặng một món quà cho huấn luyện viên Alfredo Di Stefano của Real Madrid.
“Hãy tặng cho ông ta một chai Johnnie Walker Black Label ngay khi hạ cánh, đó sẽ không phải điều mà ông ta chờ đợi,” Stein khuyên người hậu bối của mình. Sử dụng một chiêu bài về tâm lý, huấn luyện Stein tin rằng nó sẽ khiến đối thủ của Fergie bị đánh mất sức mạnh trong trận chung kết tại Thuỵ Điển.
Và quả thực sau đó Aberdeen giành chiến thắng 2-1 với bàn thắng trong hiệp phụ của cầu thủ vào sân từ ghế dự bị John Hewitt. “Di Stefano đã vô cùng ngạc nhiên,” Ferguson nhớ lại. “Thời gian làm việc với ông ấy (Stein) đã cho tôi sự tự tin rất lớn.”
Chính Ferguson là người phải làm nhiệm vụ không ai mong muốn là thông báo cho các cầu thủ Scotland và gia đình của Stein rằng vị tiền nhiệm của ông đã qua đời ở Cardiff. Trong khi tiếp tục công việc ở Aberdeen với tư cách đồng huấn luyện viên cùng Archie Knox, Fergie nhận nhiệm vụ dẫn dắt đội tuyển Scotland trong trận play-off với Australia và sau đó giành chiến thắng 2-0.
Loại bỏ Alan Hansen
Đội hình mà ông mang đến vòng chung kết nhận phải rất nhiều dấu hỏi. Scotland thiếu vắng hậu vệ của Liverpool Alan Hansen, người đã vắng mặt trong những trận giao hữu gần đấy và trước đó bị loại khỏi đội hình trận đấu với Xứ Wales ở những phút cuối cùng. Huấn luyện viên Ferguson thích dùng bộ đôi trung vệ của Aberdeen là Willie Miller và Alex McLeish, cộng với phản ứng của Hansen khi chỉ là sự lựa chọn thứ ba là đủ để Fergie loại ông.
Ngoài ra còn phải kể đến sự vắng mặt của Kenny Dalglish. Ông được cho là đã rút lui khỏi đội tuyển để phản đối việc người đồng đội ở Liverpool bị loại ra ngoài dù quả thực khi ấy tiền đạo 35 tuổi đang thực sự cần một ca phẫu thuật đầu gối. Tuy nhiên, đội trưởng Graeme Souness vẫn tuyên bố Scotland đã có “sự chuẩn bị tốt nhất” từ trước tới nay cho một kỳ World Cup. Và nếu nhìn vào danh sách cầu thủ bao gồm những người như Strachan, Charlie Nicholas, Richard Gough, Steve Archibald và Frank McAvennie sẽ thấy không hề thiếu những tài năng theo ý đồ của Ferguson.
Andy Roxburgh, Craig Brown, Walter Smith và Knox - 3 trong 4 người sau này trở thành huấn luyện viên của Scotland - nằm trong thành phần ban huấn luyện của Fergie. Tinh thần tập luyện khi đó là rất tốt. Ferguson tham gia hát ca khúc chính thức của đội tuyển cho World Cup (Big Trip to Mexico) và các cầu thủ còn dán giấy bóng vào bệ toilet trong cabin của Ferguson - một trò đùa cho thấy các cầu thủ đang thoải mái và tự tin như thế nào.
Scotland đã khởi đầu bảng E bằng trận thua sát nút 0-1 trước Đan Mạch diễn ra ở thành phố Nezahualcoyotl. Preben Elkjaer có một pha xử lý rất nhanh để đi bóng qua trung vệ Willie Miller và ghi bàn thắng duy nhất. Sau đó Strachan - cầu thủ thi đấu tốt nhất trước Đan Mạch - giúp người Scotland vượt lên dẫn trước trong cuộc đối đầu với Tây Đức. Tuy nhiên Rudi Voller nhanh chóng cân bằng tỷ số và Tây Đức lội ngược dòng giành chiến thắng 2-1.
Mặc dù đã phải nhận hai thất bại nhưng Scotland vẫn còn cơ hội đi tiếp nếu họ đánh bại được Uruguay. Với việc Tây Đức và Đan Mạch đã lọt vào vòng sau thì bảng tử thần giờ đây trở thành cuộc chiến sinh tử với hai cái tên còn lại. Và đội tuyển tới từ Nam Mỹ đã thể hiện khát khao của mình một cách rất mãnh liệt.
Uruguay trước đó đã may mắn thoát khỏi những án phạt trong trận hòa với Tây Đức sau khi FIFA đưa ra lời cảnh báo. Dù vậy sau đấy trong trận đấu thất bại 1-6 trước đội tuyển Đan Mạch, Uruguay cũng đã chỉ còn chơi với 10 người từ rất sớm.
Và trong trận đấu mang tính sống còn này, huấn luyện viên Ferguson đã quyết định không lựa chọn thủ quân Souness trong đội hình xuất phát. Ông sợ rằng tuổi tác của lão tướng 33 tuổi này sẽ tạo ra những trở ngại. Souey thậm chí còn không được đăng ký trong danh sách thi đấu.
Trận cầu đã rất nóng ngay từ những phút đầu tiên. Chỉ 48 giây sau tiếng còi khai cuộc, Strachan đã bị Jose Batista chơi xấu, triệt hạ phía sau. Trọng tài người Pháp Joel Quiniou đã không chần chừ và rút ra một tấm thẻ đỏ. Cho đến nay nó vẫn là tấm thẻ đỏ nhanh nhất trong lịch sử các vòng chung kết World Cup với chỉ vỏn vẹn 56 giây.
“Cho đến bây giờ tôi không nhớ nổi mặt anh ta như thế nào,”Strachan nói. “Tôi chưa bao giờ nhìn mặt anh ta dù là ở bất cứ thời điểm nào trong trận đấu. Đến lúc tôi trở lại thì anh ta đã bị đuổi rồi.”
Tuy nhiên những gì diễn ra sau đó đã cho thấy các cầu thủ Uruguay là bậc thầy về kỹ thuật cũng như các pha tiểu xảo.
“Nếu có một góc thuận lợi, họ sẽ kéo tóc bạn,” thủ thành Jim Leighton nói. “Họ kéo rất kín và thậm chí còn nhổ nước bọt vào người bạn nữa.”
Cơn thịnh nộ của Fergie
Cầu thủ Scotland dù rất tức giận và cố gắng thi đấu nhưng đã không thể khoan phá được khung thành của Uruguay. Thậm chí pha cứu thua của trận còn thuộc về thủ môn Leighton khi đã xuất sắc cản phá cú đánh đầu cận thành của Wilmar Cabrera.
Tỷ số 0-0 đồng nghĩa với việc Scotland sẽ phải dừng bước. Ferguson, người đã nói về những đức tính cần thiết trong cái đêm mà Stein qua đời, đã không thể kìm nén được sự phẫn nộ của mình. Giống như người tiền bối Alf Ramsey sau trận tứ kết giữa đội tuyển Anh và Argentina tại World Cup 1966, Fergie đã sử dụng buổi họp báo sau trận đấu để công kích La Celeste một cách dữ dội.
“Đúng là một mớ hổ lốn,” Fergie không giấu được sự tức giận. “Đó không phải là bóng đá mà hoàn toàn là sự man rợ của cả một quốc gia. Họ không hề tôn trọng phẩm giá con người. Những gì họ đã làm là một sự sỉ nhục và biến trận đấu trở thành một trò hề.
Bạn sẽ không bao giờ tưởng tượng ra điều đó lại xuất hiện trong một giải đấu như World Cup với tất cả những gì FIFA đã nói về việc siết chặt kỷ luật khi một đội bóng có thể áp đảo cả một hệ thống”.
Và ông vẫn chưa dừng lại ở đây. Có lẽ không kìm được cảm xúc trước sự ra đi của Stein và việc thảm họa Heysel xảy ra trong năm 1985, nhà cầm quân tới từ Glasgow tiếp tục chủ đề của mình.
“Sau những gì xảy ra ngày hôm nay và những vết thương của bóng đá thế giới phải nhận trong năm trước - tôi muốn nói với các bạn rằng tôi rất vui khi trở về nhà. Tin tôi đi, vì đó không phải một phần của bóng đá như chúng ta đã và đang chấp nhận nó trong nhiều năm”.
FIFA sau đó phạt Urugay 25.000 franc Thụy Sỹ và buộc huấn luyện viên Omar Borras phải lên khán đài trong cuộc đối đầu với Argentina ở vòng 16 đội sau khi chiến lược gia này gọi trọng tài Quiniou là “một kẻ giết người”.
Tuy nhiên, thực tế sự bất lực của Scotland - 1 bàn thắng và chỉ 7 cú dứt điểm trúng đích trong 3 trận đấu - hay chiến thuật xấu xí của đội tuyển Uruguay khiến thầy trò huấn luyện viên Ferguson phải dừng bước cho đến nay vẫn là một vấn đề gây tranh luận. Nhà văn Brian Glanville, một người “chép sử” của World Cup, đã miêu tả đội tuyển Scotland là “vụng về về kỹ thuật, ngớ ngẩn về chiến thuật và được xây dựng một cách mơ hồ”.
Trong khi đó Strachan, người được coi như một triết gia và cũng từng dẫn dắt đội tuyển Scotland, thì thừa nhận.
“Chúng tôi đơn giản là chơi không đủ tốt - có ai từng nghĩ về điều đó chưa?” ông tự hỏi. “Ai cũng đi tìm những câu trả lời nhưng đôi khi vấn đề chỉ là bạn đá quá vớ vẩn.”
Giờ đây khi nhìn lại sau hơn ba thập niên, có lẽ một trong những điều quan trọng và mang tính lịch sử nhất ở kỳ Mexico 86 ấy chính là “lời chào” của Fergie mà chúng ta biết tới toàn thế giới. Đây là lần đầu tiên người hâm mộ được nhìn thấy những điều sau này đã rất quen thuộc khi ông có thể né tránh những lời chỉ trích bằng cách dồn áp lực về phía đối thủ.
Một huấn luyện viên có niềm tin mãnh liệt vào bản thân thay vì chỉ để người khác kể câu chuyện về mình. Ông có thể buông những lời nói cay nghiệt nhất nhưng luôn sẵn sàng đương đầu với khó khăn bằng sự kiên trì và điều đó đã thay đổi bóng đá Anh.
Scotland không thể tạo ra ngọn sóng nào ở Mexico nhưng cơn thủy triều thì đã được Alex Ferguson tạo nên. Tháng 11 năm 1986, ông trở thành huấn luyện viên của Manchester United. Và tất cả chúng ta đều biết mọi chuyện sau đó diễn ra như thế nào.
Lược dịch từ bài viết “Alex Ferguson at Mexico '86: when the world got its first blast of the hairdryer” của tác giả Steve Morgan trên FourFourTwo.