Vui, buồn các học trò của HLV Park Hang Seo làm triệu phú
Logo Saostar - Special special

Vui, buồn các học trò của HLV Park Hang Seo làm triệu phú

Vui, buồn các học trò của HLV Park Hang Seo làm triệu phú Ảnh 1

Không thể tính chính xác nhưng thế hệ vàng thời HLV Park Hang Seo đã bỏ túi tổng cộng vài trăm tỷ tiền lót tay. Tiền vệ Hoàng Đức được cho nhận đến 30 tỷ/3 năm, thủ môn Đặng Văn Lâm có 27,2 tỷ/4 năm. Tiền vệ Quang Hải, tiền đạo Tuấn Hải và Công Phượng có bản hợp đồng triệu đô. Văn Toàn, Tuấn Anh, Bùi Hoàng Việt Anh, Đoàn Văn Hậu, Phan Văn Đức, Hồ Tuấn Tài, Quế Ngọc Hải, Tuấn Linh… đều có lót tay ít nhất 5 tỷ/năm.

Vui, buồn các học trò của HLV Park Hang Seo làm triệu phú Ảnh 2

Trong lịch sử bóng đá Việt Nam, Lê Công Vinh từng nhận tiền lót tay với mức giá 14 tỷ đồng cho 3 năm, tức gần 5 tỷ/năm. Đây là câu chuyện từng gây ồn ào với “cú bẻ kèo” trước bầu Hiển, mức giá ban đầu dành cho Công Vinh là 10 tỷ và lương 80 triệu. Nhưng hợp đồng kỷ lục của Lê Công Vinh đã thua xa nhiều học trò của HLV Park Hang Seo. 

Vui, buồn các học trò của HLV Park Hang Seo làm triệu phú Ảnh 3

Những khoản tiền lót tay cao ngất ngưởng chưa phản ánh hết sự giàu có của thế hệ vàng bóng đá Việt Nam. Một số cầu thủ từng có mức phí trăm triệu cho một bài đăng trên trang cá nhân và nhận nhiều bản hợp đồng quảng cáo tiền tỷ. Thậm chí, mức phí dự kiện của họ cao như ngôi sao hạng A của showbiz. Điển hình thủ môn Bùi Tiến Dũng từng lộ giá tiền đi sự kiện là 10 nghìn USD (gần 250 triệu đồng). 

“Gia đình mình có quãng thời gian vô cùng khó khăn. Từ năm 2018 đổ lại, quãng thời gian mà mình chưa có thành công nhỏ từ bóng đá. Gia đình mình chật vật, vất vả vì khó khăn kinh tế... Từ năm 2018 đến lúc bố qua đời thì bố mẹ đã nhận được sự báo hiếu của con cái. Bọn mình nỗ lực để bố có thể được bù đắp lại những ngày tháng vất vả”, thủ môn Bùi Tiến Dũng kể về chuyện đổi đời sau U23 châu Á 2018.

Đằng sau sự cống hiến cho bóng đá Việt Nam thì các cầu thủ xứng đáng có mức thu nhập cao để chăm lo cho gia đình. Và các học trò của HLV Park Hang Seo trở thành triệu phú bóng đá là điều đáng vui cho bóng đá nước nhà. Bởi nghề cầu thủ không dài và kinh tế luôn có ý nghĩa quan trọng với bất kỳ ai chứ không riêng cầu thủ.

Vui, buồn các học trò của HLV Park Hang Seo làm triệu phú Ảnh 4
Vui, buồn các học trò của HLV Park Hang Seo làm triệu phú Ảnh 5

Cái gì cũng có hai mặt, và mặt trái của thu nhập hàng chục tỷ đồng là nỗi tiếc nuối về chuyên môn. Chuyện bỏ V.League xuống đá hạng Nhất của QBV Việt Nam năm 2023 – Nguyễn Hoàng Đức mang đến nhiều điều suy ngẫm khi xét về góc độ sự nghiệp và tiếng gọi đồng tiền.

Hoàng Đức đã trở thành cầu thủ nội đắt giá nhất lịch sử V.League và lựa chọn đội hạng Nhất để nhận số tiền lớn là quyết định của chính anh. Chúng ta khó có thể bàn đúng, sai. Đó cũng là lựa chọn của một số ngôi sao muốn kiếm được nhiều tiền để lo cho gia đình. Trường hợp điển hình là tiền vệ Oscar đến Trung Quốc chơi bóng ở tuổi 25 với lý do nhận được đề nghị về tiền bạc rất khó từ chối. Hoàng Đức cũng nói rằng, nếu đổi lại người khác vào vị trí của anh thì khó từ chối khoản tiền mà đội hạng Nhất đề nghị, bởi có thể giúp gia đình đỡ vất vả. Lựa chọn của Hoàng Đức có thể gọi là chuyện nhân sinh. 

Ngược lại, nếu gạt bỏ chuyện nhân sinh thì điều tiếc nuối là tiền vệ Hoàng Đức đã không thể xuất ngoại mà còn xuống đá hạng Nhất. Bởi bóng đá Việt Nam rất khó để có một cầu thủ được thừa nhận về tài năng và có đủ đẳng cấp để xuất ngoại. Ví dụ CLB BG Pathum United – “đại gia” của Thai League từng công khai theo đuổi Hoàng Đức, với xác nhận không muốn chiêu mộ tiền vệ Quang Hải mà chỉ cần có Hoàng Đức. Nhiều CLB Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đưa Hoàng Đức vào tầm ngắm trong năm 2022. 

Cuộc trò chuyện của Saostar và Lee Dong-jun – người đại diện của HLV Park Hang Seo vào tháng 5 năm 2022 từng bàn luận về Hoàng Đức. Phân tích sau đây của Lee Dong-jun là câu chuyện đáng suy ngẫm với bóng đá Việt Nam.

“Trường hợp của cầu thủ Hoàng Đức. Tôi nghĩ bạn ấy hoàn toàn có thể thi đấu ở Nhật Bản, Hàn Quốc lẫn châu Âu. Vấn đề CLB Viettel không muốn để bạn ấy đi. Lý do tại sao? CLB Viettel coi bạn ấy là trung tâm, là cầu thủ sáng giá nhất.

Quan điểm cá nhân tôi và cách làm nhận thấy của bóng đá Hàn Quốc, khi phát triển bóng đá là cho cả nền bóng đá một quốc gia chứ không phải cho một CLB. Tôi nghĩ Viettel nên để Hoàng Đức ra nước ngoài chơi bóng”, Lee Dong-jun – người đại diện của HLV Park Hang Seo nói với Saostar sau SEA Games 31.

Vui, buồn các học trò của HLV Park Hang Seo làm triệu phú Ảnh 6

Lee Dong-jun giải thích thêm: “Tại sao? Hoàng Đức sang nước ngoài chơi bóng thì những cầu thủ trẻ ở CLB có cơ hội phát triển. Sau đó, các cầu thủ trẻ lại có cơ hội ra nước ngoài. Mọi thứ diễn ra liên tục như vậy thì bóng đá Việt Nam mới phát triển tốt.

Chúng ta có thể nhìn thẳng vào đội tuyển quốc gia Việt Nam và U23 Việt Nam. Tất cả cầu thủ đều chơi bóng trong nước, nếu như thế thì họ không thể phát triển hơn nữa. Mặt bằng chung chỉ đến một giới hạn nào đấy thôi… Cầu thủ Việt Nam phải đi xa hơn khi SEA Games chỉ ở khu vực thôi, phải đạt đến tầm châu Á. Phải làm tốt hơn để bóng đá Việt Nam phát triển”.

Từ phát biểu của Lee Dong-jun có thể thấy Hoàng Đức không thể xuất ngoại là điều đáng tiếc, càng tiếc nuối khi QBV Việt Nam năm 2023 xuống đá giải hạng Nhất.

Vui, buồn các học trò của HLV Park Hang Seo làm triệu phú Ảnh 7

Vấn đề không chỉ riêng Hoàng Đức đá hạng Nhất mà còn có Công Phượng và một loạt tuyển thủ như Đặng Văn Lâm, Nguyễn Quốc Việt, Đinh Thanh Bình. Ai cũng phải ngạc nhiên với hiện tượng lạ của bóng đá Việt Nam. 

“Đặc biệt tôi cảm thấy rất là ngạc nhiên vì sự xuất hiện của một cầu thủ mà tôi rất yêu quý, Một cầu thủ có mặt thường xuyên ở tuyển quốc gia của chúng ta trong suốt thời gian qua. Đó là Nguyễn Công Phượng”, HLV Park Hang Seo nói ngạc nhiên khi biết Công Phượng đá cho đội hạng Nhất.

Hơn hết, tiền đạo Nguyễn Công Phượng là cầu thủ Việt Nam xuất ngoại nhiều nhất (4 lần), Đặng Văn Lâm là thủ môn Việt Nam duy nhất đủ khả năng xuất ngoại (2 lần). Tiền vệ Hoàng Đức là ngôi sao nổi bật nhất không thể xuất ngoại (2 QBV). Cả ba cùng đá hạng Nhất đã tạo ra nghịch lý lớn về sự phát triển của cầu thủ Việt Nam.

Vui, buồn các học trò của HLV Park Hang Seo làm triệu phú Ảnh 8

Chanathip – tác giả bàn thắng giúp Thái Lan vô địch King’s Cup 2024 là lăng kính. Chanathip rực sáng ở Thai League thì xuất ngoại sang Nhật Bản để phát triển tài năng. “Messi Thai” chia tay J-League thì về đầu quân cho CLB BG Pathum United với mục tiêu vô địch Thai League. Theerathon Bunmathan cũng thế. Theerathon rời Nhật Bản đã thi đấu cho đội mạnh nhất của Thái Lan - Buriram United và có cơ hội thi đấu ở AFC Champions League.

 

Vui, buồn các học trò của HLV Park Hang Seo làm triệu phú Ảnh 9
Vui, buồn các học trò của HLV Park Hang Seo làm triệu phú Ảnh 10

Ngoài ra, các tài năng xuất sắc nhất của bóng đá Thái Lan đều lựa chọn xuất ngoại khi có cơ hội phát triển sự nghiệp. Các ngôi sao như Supachok, Suphanat, Ekanit Panya đã xuất ngoại đến Nhật Bản và Bỉ. Quá trình phát triển của cầu thủ Thái Lan rõ ràng khác biệt so với các cầu thủ Việt Nam. 

Một nghịch cảnh buồn cho bóng đá Việt Nam là đang đi lùi so với chính mình, vì thực trạng sạch bóng cầu thủ xuất ngoại sau khi Công Phượng về đá hạng Nhất. Cả Đông Nam Á chỉ có hai nền bóng đá cùng cảnh ngộ giống Việt Nam là Campuchia và Brunei với 0 cầu thủ xuất ngoại. Lào, Timor Leste, Myanmar và Malaysia cùng có hai cầu thủ thi đấu ở nước ngoài. Singapore có 6 cầu thủ. Thái Lan (12 cầu thủ), Philipines (22 cầu thủ), Indonesia (21 cầu thủ) đứng đầu Đông Nam Á về số cầu thủ ở nước ngoài.

Bóng đá Việt Nam không thể tiến xa nếu thiếu những cầu thủ xuất ngoại thi đấu thành công ở các nền bóng đá hàng đầu châu Á. Bây giờ càng đáng lo khi trở thành "vùng trắng" về cầu thủ xuất ngoại ở Đông Nam Á, còn nhiều tuyển thủ xuống đá giải hạng Nhất. 

Cuộn xuống để đọc tiếp Đọc
tiếp