Đầu tiên, VPF đề nghị CLB HAGL không được đặt biển quảng cáo nhà tài trợ mới (nước tăng lực Carabao) trên sân, logo trên áo đấu, hoạt động bên lề tại ngày tập và thi đấu ở sân Pleiku (sân nhà của HAGL). Lý do nhà tài trợ chính của VPF là nước tăng lực thuộc thương hiệu khác.
“Nhà tài trợ chính của giải được quyền quảng bá độc quyền trong các hoạt động tuyên truyền, họp báo, đặt bảng quảng cáo và hoạt động thương mại khác liên quan đến giải”, VPF nêu trong công văn gửi HAGL vào hôm 18/1.
Đáp lại, bầu Đức bác bỏ: “VPF không cho HAGL quảng cáo cho nhà tài trợ thì chúng tôi nghỉ đá, không có vấn đề gì cả. Họ không cho chúng tôi có quyền chọn lựa. Thử hỏi tất cả các CLB xem, không có tài trợ thì sao chơi?”.
Có những vấn đề cần nhìn nhận về sự việc theo hướng mở cho cả hai bên. Thứ nhất là quy chế, điều lệ do VPF ban ra được chính các CLB đồng thuận, trong đó có cả CLB HAGL tham dự V.League 2023.
Sự việc độc quyền kể trên liệu có hợp lý? Tại sao các CLB chuyên nghiệp không bác bỏ mà đồng ý?
Bản chất hình ảnh của V.League là hình ảnh chung của 14 CLB chuyên nghiệp. Nhà tài trợ không được độc quyền hình ảnh mà đụng chạm đến quyền lợi từng CLB, đây là sân chơi chuyên nghiệp với việc các đội độc lập về kinh phí và khai thác quyền lợi để phát triển, không phải được một thương hiệu bảo trợ để 14 đội chơi vui. Do đó, tất cả đội bóng đồng ý với điều lệ của VPF là không đúng, kể cả CLB HAGL cũng “gật” là điều vô lý.
Thứ hai, tính trước sau không hợp lý. Ví dụ năm ngoái HAGL được quảng cáo sản phẩm là do ký trước VPF. Năm nay không được quảng cáo là dựa theo điều lệ. Cả hai vế đều không đúng nếu nhìn về quyền lợi cho chính VPF và các CLB.
Ví dụ VPF đang ký với một thương hiệu được độc quyền về nước tăng lực, cấm các CLB ký với nhãn hàng có sản phẩm tăng lực. Năm tới, 5 nhãn hàng như Coca, Pepsi, Redbull, Nước thể thao Aquarius, Carabao tài trợ lần lượt cho Hà Nội FC, CLB TPHCM, Hải Phòng FC, SLNA và HAGL. Mỗi hãng ký 50 tỷ/mùa với mỗi CLB để quảng bá sản phẩm về nước tăng lực. Nhưng 5 CLB không được ký vì VPF có điều lệ độc quyền cho nhà tài trợ chính. Cả 5 CLB đều không đủ kinh phí hoạt động, phải ngừng chơi.
Câu hỏi đặt ra: Việc độc quyền hình ảnh cho nhà tài trợ giải đấu do ký trước, liệu có hợp lý và VPF xử lý thế nào?
Một ví dụ khác. Năm sau, giả sử VPF ký với Động Lực gói 5 năm về nhà tài trợ chính. Động Lực rào điều kiện độc quyền, cấm các CLB ký với các hãng khác về áo đấu có logo, đặt biển quảng cáo nhà tài trợ trên sân. Nhưng một loạt thương hiệu lớn như Adidas, Nike, Puma, Kappa… muốn vào tài trợ đồ, kèm theo tiền tỷ cho nhiều CLB V.League. Chẳng lẽ các CLB ký sau không được xúc tiến hợp đồng để tăng giá trị thương hiệu lẫn kinh phí hoạt động, ngược lại chỉ được ký với Động Lực? Đây là điều vô lý.
Câu chuyện độc quyền của nhà tài trợ chính cho V.League chưa đúng với bóng đá chuyên nghiệp và kìm hãm các đội bóng kiếm tiền. Nhưng không có tiền thì đội bóng chết. Không thể có nhãn hàng nào vào tài trợ cho giải đấu chuyên nghiệp mà được quyền độc quyền theo kiểu như bảo trợ toàn bộ cho giải đấu, bởi mỗi CLB phát triển khác nhau, thương hiệu khác nhau, sức hút khác nhau, tài chính khác nhau. Nhãn hàng của giải đấu cũng không phải “xương sống” của các CLB.
Tựu trung, câu chuyện tranh cãi của bóng đá Việt Nam nói chung và chuyện VPF - HAGL nói riêng, chung quy đến từ việc bất hợp lý ngay lúc ban đầu, tức lúc đưa ra bàn điều lệ sao cho hợp lý thì tất cả đồng ý, kể cả có những điều chưa đúng vẫn được các CLB thống nhất với VPF. Bây giờ điều gì chưa đúng thì cần phải ngồi lại tìm ra một hướng hợp lý, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên và cần cùng nhau phát triển.