Võ sĩ Trần Văn Thảo: 'Đừng nghĩ Boxing là bạo lực'

Võ sĩ Trần Văn Thảo: 'Đừng nghĩ Boxing là bạo lực'

Logo Saostar - Special special

Võ sĩ Trần Văn Thảo: 'Đừng nghĩ Boxing là bạo lực'

Copy Link
Chia sẻ

Nhỏ con, ốm yếu, nhưng lại rất thích gây lộn, Trần Văn Thảo đã thay đổi hoàn toàn tâm tính kể từ khi bén duyên với môn boxing vào năm 2008.

Trong sự nghiệp thi đấu nghiệp dư, Trần Văn Thảo vô địch giải toàn quốc tới 8 lần liên tiếp từ năm 2009 đến năm 2016, và có biệt danh là Độc cô cầu bại. Năm 2015, Trần Văn Thảo bắt đầu sự nghiệp boxing chuyên nghiệp khi tham gia tập luyện tại câu lạc bộ Saigon Sport Club. 

Ngày 23/11/2017 diễn ra trận tranh đai vô địch WBC châu Á hạng Super Flyweight giữa Trần Văn Thảo và George Lumoly. Ngay ở giây thứ 40 của hiệp đấu thứ nhất, Trần Văn Thảo đã xuất sắc hạ knock-out đối thủ người Indonesia và giành được chiếc đai vô địch WBC danh giá, đồng thời ghi tên mình vào lịch sử khi là vận động viên boxing chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam đạt được thành tựu này.

Trong sự nghiệp boxing chuyên nghiệp tính đến hiện tại, Trần Văn Thảo đã thi đấu tổng cộng 14 trận, thắng 13 trận (7 trận thắng bằng knock-out) và chỉ thua một trận duy nhất trước tay đấm nổi tiếng Billy Dib người Úc vào ngày 21/12/2019.

Cùng nghe Trần Văn Thảo chia sẻ với SAOStar về cuộc đời, sự nghiệp cùng những dự định sắp tới của võ sĩ mang biệt danh The Trigger hay “Mayweather Việt Nam”.

Võ sĩ Trần Văn Thảo: 'Đừng nghĩ Boxing là bạo lực' Ảnh 1

Quãng thời gian nghỉ dài vì dịch Covid-19 vừa qua đã ảnh hưởng như thế nào tới Thảo?

Nếu không có dịch Covid-19, Thảo đã thi đấu xong giải IBA thế giới. Kế hoạch đã lên sẵn sàng hết rồi nhưng dịch kéo đến, nên giải phải dời sang năm sau. 

Ban đầu Thảo nghĩ chắc dịch cũng chỉ cỡ một tháng thôi nên không đem nhiều dụng cụ về tập luyện, nhưng hóa ra lại kéo tới 5-6 tháng. Bị hoãn thi đấu, tập luyện cũng bị ảnh hưởng nên tâm lý của Thảo khá stress. 

May mắn là Thảo ở cùng HLV Trịnh Văn Trí, nên vẫn tập luyện đều đặn. Về kinh tế cũng bị ảnh hưởng chứ. Vì ngoài thi đấu giải, Thảo cũng có phòng tập dạy các bạn, nhưng dịch phải dừng hết. (Cười)

Được biết, Thảo sắp tham gia một show truyền hình mới có tên là The Champion với vai trò huấn luyện viên. Vì sao Thảo nhận lời tham gia chương trình?

Khi ban tổ chức gọi điện, Thảo chưa nhận lời ngay đâu. Ban đầu Thảo nghĩ chương trình cũng bình thường thôi. Sau đó, khi tiếp xúc với đại diện của Ban tổ chức, Thảo mới thấy đây là một chương trình thật sự thú vị.

Thảo tập boxing cũng được mười mấy năm rồi và Thảo rất muốn có một chương trình nói về boxing được chiếu trên truyền hình cho mọi người thấy được một võ sĩ boxing sẽ phải trải qua những gì. 

Lúc đó Thảo nghĩ rằng, wow, chương trình này hay quá vậy trời. Thảo có hỏi ý kiến của thầy Trịnh Văn Trí và thầy cũng rất ấn tượng với chương trình. Vì thế, Thảo quyết định nhận lời tham gia với tư cách của một huấn luyện viên.

Thảo đến với boxing như thế nào?

Ngày xưa Thảo nhỏ con lắm. Lớp 8, lớp 9 mà cứ như một đứa trẻ suy dinh dưỡng vậy. Lúc đó, anh trai của Thảo có đi học boxing rồi về nói với Thảo: “Mày suy dinh dưỡng, ốm yếu thế này đi học võ để tự vệ đi.”

Lúc đó Thảo cũng không biết boxing là gì hết. Ban đầu Thảo nghĩ, tập thể thao thì cũng phải có tướng tá rồi mới tập chứ. Mình gầy gò ốm yếu này thì tập sao. Thảo nói với anh trai là, anh cứ đi hỏi trước đi, nếu thầy nhận thì em theo học. 

Boxing lúc đó rất mới ở Việt Nam, phong trào boxing chưa phát triển, nên ai muốn học là thầy cũng nhận hết. Thảo bắt đầu bén duyên với boxing kể từ năm 2008 và theo đuổi nó cho đến bây giờ.

Võ sĩ Trần Văn Thảo: 'Đừng nghĩ Boxing là bạo lực' Ảnh 2

Bước ngoặt nào để Thảo chuyển từ boxing nghiệp dư sang boxing chuyên nghiệp?

Thảo bắt đầu tập boxing năm 2008 và một năm sau tham gia đội tuyển TPHCM. Năm 2009, Thảo lần đầu vô địch Việt Nam và sau đó thêm 7 lần vô địch quốc gia liên tiếp. 

Năm 2014, tại Đại hội Thể dục Thể thao toàn quốc, giải đấu 4 năm tổ chức một lần, Thảo đặt rất nhiều quyết tâm cho giải đấu này và sang Thái Lan tập huấn suốt 9 tháng. Tuy nhiên, Thảo đã bị xử thua dù đánh cho đối thủ tối tăm mặt mũi. 

Vừa bước khỏi sàn đấu, ba mẹ mới tiết lộ cho Thảo biết bà ngoại Thảo vừa mới mất. Vì muốn Thảo tập trung giành huy chương vàng nên ba mẹ giấu không nói trước trận. Thảo bật khóc, tụt tinh thần luôn. 

Cùng lúc đó, Thảo bị thoát vị đĩa đệm, tập không được nữa. Chấn thương vai, chấn thương đầu. Ra ngoài ánh sáng là thấy choáng. Chỉ cần vận động là thấy đau lưng. Lúc đó sốc lắm, bỏ 5-6 tháng liền không tập tành gì. Sau đó Thảo nghĩ, mình không thể nào bỏ như vậy được. 

Đầu năm 2015, Thảo lên mạng và tình cờ tìm được Saigon Sport Club, trung tâm chuyên dạy võ tổng thuật tổng hợp tại TP.HCM. Thảo nghĩ, ước gì mình được qua bên đó học, được tập với môi trường chuyên nghiệp, với những võ sĩ nước ngoài sẽ tốt cho boxing. 

Thảo đã 8 lần vô địch boxing nghiệp dư ở Việt Nam, nhưng qua Saigon Sport Club xin mà không được nhận. Thảo kiên trì xin thêm 2-3 lần nữa mới thuyết phục được. HLV Trịnh Văn Trí thấy Thảo chịu khó quá, nên quyết định nhận làm đệ tử và đầu tư cho Thảo. Anh Trí đã thuê rất nhiều chuyên gia thể lực, dinh dưỡng, y tế giúp Thảo chữa trị và khắc phục các điểm yếu và hướng cho Thảo hướng theo boxing chuyên nghiệp. 

Theo con đường chuyên nghiệp, Thảo buộc phải đi đến thành công. Bằng không, công sức bỏ ra sẽ vô ích. 

Trong sự nghiệp, Thảo nhớ nhất chiến thắng nào?

Năm 2015, tại giải quyền Anh quốc tế Việt - Hàn. Thảo chạm trán đối thủ Yo Han Bae người Hàn Quốc. Lúc đầu Thảo nghĩ chắc cũng chỉ là một trận đấu nghiệp dư như bình thường thôi, ai ngờ tính chất của nó là một trận đấu chuyên nghiệp. Trận đấu đánh tới 6 hiệp, trong khi bình thường Thảo chỉ đánh có 3 hiệp thôi.

Yo Han Bae lúc đó có 6 trận toàn thắng, còn Thảo rất non kinh nghiệm. Vào ngày họp báo, vị huấn luyện viên người Hàn Quốc cứ chỉ vào mình nói là: "Yo Han Bae là ngôi sao bên Hàn Quốc đó, anh ấy mạnh lắm, có chịu nổi 3 hiệp không?". Trong khi đó, Yo Han Bae như muốn ăn tươi nuốt sống mình luôn.

Lúc ấy, Thảo cảm thấy vô cùng khó chịu và ấp ủ trong lòng là mình sẽ cố gắng tập luyện, cống hiến vì nền boxing Việt Nam, để sau này không ai dám xem nhẹ boxing nước mình nữa

Tất cả bị dồn nén, Thảo bung hết trên sàn đấu. Trong trận đấu chuyên nghiệp đầu tiên đó, Thảo đã chiến thắng tuyệt đối võ sĩ người Hàn Quốc. Đấy không phải là một chiến thắng đai lớn hay gì, nhưng chính là kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với Thảo. Cho đến bây giờ, Thảo vẫn nhớ hoài chiến thắng đó.

Chiến thắng đó chính là bước đệm để Thảo đi theo boxing chuyên nghệp luôn, rồi ra nước ngoài thi đấu tranh các đai. Sắp tới, Thảo có dự định thi đấu một cái đai thế giới.

Thế còn trận thua duy nhất trong sự nghiệp trước võ sĩ Billy Dib người Úc năm 2019 thì sao? Cảm xúc của Thảo như thế nào?

Trận thua ấy giống như một cú sốc trong sự nghiệp của Thảo vậy. Để có cơ hội sang Úc thi đấu, Thảo đã chấp nhận tăng 4 hạng cân để phù hợp với quy định của ban tổ chức, điều này khiến mình gặp bất lợi không nhỏ về mặt thể hình. Trong khi đó, Billy Dib rất mạnh, đánh hơn 40 trận, ở những đấu trường lớn như Las Vegas, nổi tiếng nhất bên Úc. 

Thảo nhỏ con, nhưng cảm nhận được rằng khả năng chiến thắng của mình không hề nhỏ. Thảo muốn đưa vị thế boxing Việt Nam lên cao nên chấp nhận trận đấu đó. Nhưng khi mình qua bên nước ngoài thi đấu, đấy là môi trường ép đối thủ. 

Nhiều fan của Thảo, bạn bè của Thảo, những người hâm mộ boxing ở Việt Nam coi trận đấu đó mà tức đến phát khóc. Đối thủ không đánh, mà chỉ ôm, vật Thảo thôi. Từ hiệp một tới hiệp 4, Thảo đánh rất tốt. Kể từ đó, đối thủ và trọng tài chỉ biết chơi xấu, ép Thảo, làm cho Thảo nóng lên. Nếu thời điểm đó Thảo mà giành chiến thắng, vị thế boxing Việt Nam có lẽ đã khác rồi.

Võ sĩ Trần Văn Thảo: 'Đừng nghĩ Boxing là bạo lực' Ảnh 3

Nếu gặp lại Billy Dib một lần nữa thì sao?

Thảo có nói với Billy Dib, bất cứ khi nào muốn đánh với Thảo, ở bất cứ nơi đâu, không phải nước Úc, Thảo sẵn sàng tiếp. Nhưng Billy Dib lớn tuổi rồi, chỉ muốn giữ tên tuổi nên không nhận lời thách đấu lại của Thảo. 

Từ đó Thảo học được những kinh nghiệm về những mặt tối, gian lận trong các trận thi đấu, ngay cả ở những đấu trường quốc tế. Mình phải mạnh, đánh cho đối thủ knock-out luôn, hoặc chí ít cũng là chiến thắng trong lòng khán giả.

Trở lại với The Champion, Thảo có nhận xét gì về dàn thí sinh hầu hết là các nghệ sĩ showbiz?

Mới đầu, Thảo nghĩ chắc anh chị em nghệ sĩ khó mà có thể tập được boxing. Boxing là môn đối kháng, đánh đấm và nhiều nghĩ rằng đó là môn bạo lực nên sẽ có chút dè dặt. Nên điều đầu tiên là Thảo phải thuyết phục các anh chị yêu thích môn này trước, không coi đó là môn bạo lực. Rất vui là các anh chị nghệ sĩ rất tự tin và rất thích. Đội của Thảo rất xung, lúc nào cũng hừng hực lửa.

Thảo có thể chia sẻ về cách truyền lửa tới các thí sinh tham gia The Champion?

Boxing bắt nguồn từ mấy ngàn năm trước, ở các đấu trường Hy Lạp, quyết đấu với nhau để sinh tồn. Thảo muốn truyền cho các anh chị nghệ sĩ sự dũng cảm, sự tự tin thì lúc đó mới có thể phát triển được hết trong môn này. 

Với boxing, ngoài việc ăn ngủ nghỉ khoa học, tập đúng kỹ thuật, yếu tố đặc biệt với các võ sĩ là không sợ đòn, không sợ bị đánh. Thảo sẽ có những bài tập để các anh chị em nghệ sĩ mới tập thôi nhưng sẽ không sợ đòn và không sợ bị đánh. Khi chơi bất cứ một trò chơi gì, nếu tâm lý vững, khả năng chiến thắng của bạn đã lên tới 60%. 

Tham gia The Champion, Thảo muốn nhắn gửi điều gì?

Thảo muốn truyền thông điệp, boxing không phải là môn bạo lực, nó thích hợp với mọi nhà, mọi lứa tuổi, giúp tăng cường thể lực, sức khỏe, giảm stress, kiềm chế bản thân, sự tôn trọng dành cho mọi người… Thảo cũng muốn truyền thông điệp, tuổi tác không phải là vấn đề nếu có đam mê. 

Cảm ơn Trần Văn Thảo về cuộc trò chuyện thú vị này! 

Bài viết

Song Tử

Copy Link
Chia sẻ
Cuộn xuống để đọc tiếp Đọc
tiếp