Và thêm nhiều câu chuyện khác như bầu Quyết từng đầu tư lớn cho CLB Thanh Hóa, sau đó nghỉ chơi và nói thẳng "một mình CLB Thanh Hóa không thể vô địch".
Trước những ông bầu nêu trên, bầu Thụy từng "phản pháo" mạnh trên báo chí về chuyện đội nhà bị CLB Hà Nội cầm chân, qua đó CLB Đà Nẵng vô địch. Bầu Thụy bất lực và bỏ bóng đá.
Bầu Trường (CLB Vissai Ninh Bình) từng nói vào năm 2015: "Nếu được góp ý cho bóng đá Việt Nam có thể phát triển, tôi đề nghị VFF đừng để chuyện một ông chủ sở hữu đến 3-4 đội bóng ở V-League như ông bầu Đỗ Quang Hiển....
Như thế mới sòng phẳng và người ta mới hứng thú nhảy vào đầu tư cho bóng đá. Một mình anh Hiển có đến mấy đội thì ai mà chơi nữa bởi ba đánh một thì "không chột cũng què". Nhiều người nói trong bối cảnh kinh tế khó khăn, có ông bầu chịu đầu tư nhiều đội bóng là tốt nhưng thật ra làm như vậy là hủy hoại bóng đá".
Một năm sau phát biểu của bầu Trường, các chủ tịch của CLB Long An (ông Võ Thành Nhiệm), SLNA (ông Nguyễn Hồng Thanh), CLB Cần Thơ (ông Trần Minh Tâm), Bình Dương (ông Lê Hồng Cường - Tổng giám đốc Công ty CP thể thao bóng đá Bình Dương) tiếp tục nói bầu Hiển liên quan đến nhiều đội bóng.
Trong đó, bầu Nhiệm nói sòng phẳng trên báo chí như thế này: “Trên giấy tờ, bầu Hiển cho thấy mình không phải là ông chủ của bốn CLB nhưng giới làm nghề ai cũng biết bầu Hiển chính là ông chủ thực sự. Do đó, với các đội phải đua trụ hạng như chúng tôi hay đua vô địch, phải đấu với bốn đội bóng của cùng một ông chủ rõ ràng là khó khăn”.
Không chỉ là chuyện các ông chủ ngán ngẩm với định kiến một ông chủ liên quan nhiều đội bóng, CĐV SLNA cũng từng mang băng rôn đến sân Long An để phản đối bầu Hiển.
Sân Hàng Đẫy trong nhiều năm liền bị CĐV Hải Phòng đốt pháo sáng. Nguyên nhân đến từ việc đội bóng đất Cảng bị mất chức vô địch vào năm 2016, trong đó có những ý kiến phản biện do CLB Hà Nội có các "anh em" ở V.League, còn Hải Phòng rơi vào cảnh thân cô thế cô.
Rõ ràng, gần 1 thập kỷ qua thì V.League phải chịu cảnh bị các đội bóng định kiến chuyện một ông chủ liên quan nhiều đội bóng. Nhưng hậu quả lớn là nhiều ông chủ sớm rời cuộc chơi V.League như bầu Thụy, bầu Quyết...
V.League lên tuổi 20 nhưng có gần 1 thập kỷ sống trong định kiến xấu, thì làm sao phát triển như mong đợi khi những người yêu bóng đá, đầu tư cho bóng đá chán, hoặc chỉ chơi cho "đủ mâm". Nói ví von thì V.League mất cả thanh xuân vì định kiến trên, điều này thật đáng tiếc và đáng buồn...
Trách nhiệm này phải thuộc về VFF, VPF. Cần có câu trả lời sòng phẳng cho người hâm mộ, cùng các đội bóng. Bởi đến một ông chủ tâm huyết, yêu bóng đá như bầu Đức còn ngán ngẩm trong mấy năm qua, thì ai dám đầu tư để bóng đá Việt Nam phát triển?!