Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao Sport

Vì sao V.League đang kém xa Thai League?

Dù ĐTQG đang thành công và tạo được hiệu ứng lớn nhưng thực trạng bóng đá Việt Nam xuất hiện nhiều nỗi lo lớn. Lý do tại sao?

Từ kỳ vọng đến thất vọng

Đó là thực tại của VPF với không ít ý kiến nói về năng lực điều hành của người đúng đầu (ông Trần Anh Tú). Điển hình là câu chuyện nhà tài trợ, như một nghịch lý là V.League cứ đổi tên liên tục bởi phần lớn nhà tài trợ không đồng hành với giải đấu quá 1 mùa.

Cụ thể, V.League ra đời có được sự tài trợ trong 2 mùa giải, sau đó thay đổi liên tục. Ba giai đoạn có được sự đồng hành của nhà tài trợ một cách bài bản là 2007 - 2010, 2011 - 2014 và 2015 - 2017. Kể từ năm 2018 đến nay thì V.League liên tục thay nhà tài trợ theo mùa. Đúng hơn, nhà tài trợ bỏ V.League sau 1 năm gắn bó, trong đó Toyota bỏ V.League để thêm tiền tài trợ cho Thai League.

Hãy nhìn về Thai League để thấy V.League đang rơi vào cảnh “chạy cơm” từng năm. Thai League từng rơi vào cảnh buồn là không có nhà tài trợ: Từ năm 2003 đến 2008. Nhưng người Thái thay đổi để bắt đầu ổn định và phát triển khi Toyota tài trợ từ năm 2013 đến nay. Như câu chuyện nêu trên, Toyota còn sẵn sàng bỏ V.League để chi thêm tiền cho Thai League.

Nên nhớ, VPF ra đời để tạo sự minh bạch, điều hành các giải đấu một cách độc lập. Mục đích quan trọng khác là nâng tầm giải đấu để thu hút những nhà tài trợ lớn, có thể bán bản quyền truyền hình để tạo ra nguồn thu cho các CLB tham gia cuộc chơi. Nhưng kết cục, V.League bây giờ đang cho thấy sự đi xuống rất rõ ràng, bởi chẳng giữ chân được nhà tài trợ.

Sòng phẳng, bóng đá Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2012 đến 2014 thực sự tồn tại nhiều vấn đề bất cập, còn các ĐTQG chơi không tốt. Mọi thứ khiến cho V.League teo tóp về khán giả. Nhưng từ năm 2015 xuất hiện lứa Công Phượng, sân chơi V.League bắt đầu hồi sinh với sự ủng hộ của khán giả. Đến năm 2018, các ĐTQG bắt đầu thành công rực rỡ, V.League xuất hiện nhiều đội bóng có khán giả như HAGL, Nam Định, Hà Nội FC…

Về logic, mọi thứ tốt lên thì VPF sẽ dễ dàng hơn trong việc tìm nhà tài trợ, sống khỏe hơn so với giai đoạn bết bát của bóng đá Việt Nam. Nhưng nhiệm kỳ của bầu Tú đã có đến 3 nhà tài trợ chính trong 3 mùa bóng. Đó là một nghịch lý và thất vọng lớn khi các nhà tài trợ đến rồi đi ngay sau một mùa bóng.

Cần thay đổi để phát triển

Sau những sự thành công của ĐTQG thì những người làm bóng đá Việt Nam nhìn vào các khán đài có thêm khán giả, qua đó cho rằng mọi thứ tốt lên. Đó không phải là bản chất thực sự, chỉ là hiệu ứng và sự cộng hưởng từ thành tích ĐTQG chứ không phải do VPF đang giúp cho V.League tốt lên.

ĐTQG thành công thì V.League tốt lên nhưng đó chỉ là góp phần tạo sức bật, còn trách nhiệm chính là VPF phải chứng tỏ được năng lực điều hành. V.League phải là điểm tựa để ĐTQG thành công.

Ví dụ V.League 2015 bắt đầu những cơn sốt trên khán đài thì phần lớn hiệu ứng đến từ lứa Công Phượng. Bằng chứng là chỉ có những trận đấu của HAGL mới thu hút khán giả và lo cảnh vỡ sân, còn các sân bóng khác chỉ nhích lên nhờ cộng hưởng. Bằng chứng là năm 2017 thì Toyota đã bỏ V.League dù vẫn tiếp tục tài trợ cho Thai League cũng như tăng thêm số tiền tài trợ cho giải đấu số 1 của Thái Lan.

Năm 2018, U23 Việt Nam và ĐTVN thành công thì V.League tốt lên nhiều thứ nhưng câu chuyện nhà tài trợ rơi vào cảnh mỗi mùa lại đi tìm.

Một câu hỏi đặt ra: Nếu đến một ngày ĐTQG không có thành tích tốt, thiếu những ngôi sao lớn thì V.League sẽ rơi vào cảnh như thế nào? Câu hỏi này chắc chắn không thừa, vì mọi thứ đang tốt vẫn lo cảnh “chạy cơm từng mùa” thì hiệu ứng qua đi, viễn cảnh buồn có khả năng lớn xuất hiện.

Để trả lời cho câu hỏi trên, có lẽ những người điều hành VPF cần nhìn về Thai League. Người Thái từng không có nhà tài trợ, sau đó thay đổi Thai League lập tức tạo nên sức bật lớn. Thai League có nhà tài trợ “khủng”, hút luôn nguồn sống của V.League, còn bản quyền truyền hình tăng chóng mặt. Điển hình Thai League sắp có gói bản quyền truyền hình lên đến 400 triệu USD cho 8 năm, tức mỗi năm thu về gần 1.200 tỷ. Con số này nếu nhìn về V.League phải nói như “trăng so với đom đóm”, bởi mỗi năm thì giải đấu số 1 Việt Nam chỉ có vài tỷ đồng tiền bản quyền truyền hình.

Vấn đề không phải so sánh để đề cao Thai League so với V.League mà nhìn tường tận bản chất của câu chuyện phát triển giải đấu. Người Thái kể từ năm 2018 đâu có thành công ở các ĐTQG như Việt Nam nhưng Thai League vẫn tăng giái trị cực lớn. Rõ ràng, họ không để cho Thai League sống trong cảnh “ăn bám” thành công ĐTQG. Những người điều hành Thai League có lộ trình, kế hoạch phát triển bài bản như các giải đấu lớn trên thế giới, do đó giải đấu số 1 Thái Lan sống khỏe, sống tốt, không lệ thuộc vào hiệu ứng các ĐTQG.

Sự thành công từ ĐTQG chỉ là “đòn bẩy” góp phần tạo thêm sức bật, không thể xem là điểm tựa chính để giải vô địch quốc gia phát triển. Bản chất thực sự là V.League phải trở thành điểm tựa cho ĐTQG thành công. Trách nhiệm này thuộc về những người điều hành V.League, trong đó phải có mạnh dạn thay đổi con người chứ không thể để một người nắm nhiều ghế như ông Trần Anh Tú ngồi đến ba chức to nhất là Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc - Trưởng ban điều hành giải, về sau bị chỉ trích thì bỏ bớt 1 ghế và tiếp tục nắm hai ghế với lý do chưa tìm được người thích hợp.

Chỉ khi nào VPF giải quyết được bài toán nhân sự (trong đó có trách nhiệm của VFF - Liên đoàn bóng đá Việt Nam vì bầu Tú về bản chất là người của VFF) thì mới nghĩ đến sự thay đổi, còn tiếp tục duy trì như hiện tại thì khó tin V.League tốt lên, bởi kể từ năm 2018 đến nay là một quãng thời gian đủ dài để thấy được năng lực và giới hạn của bầu Tú.

Nhiều bất cập lớn liên tục xảy ra

Ba năm qua, V.League tiếp diễn những câu chuyện liên quan về trọng tài, pháo sáng, sân bãi… Thậm chí, mọi thứ càng xấu đi khi chính ban trọng tài sau những bất cập lại xảy ra lùm xùm với chính VPF. Trưởng ban trọng tài Dương Văn Hiền từng bị dọa đánh trong cuộc họp ngay tại trụ sở VFF, sau đó ông Hiền còn chỉ trích người đứng đầu VPF - ông Trần Anh Tú đang làm theo kiểu “vừa thổi còi, vừa đá bóng”.

Vấn đề pháo sáng trở nên báo động với chuyện một CĐV nữ ở sân Hàng Đẫy bị thương nặng. Những trận đấu ở V.League có thời điểm chẳng khác gì “mưa pháo sáng”, bị gián đoạn trong sự chứng kiến của rất nhiều khán giả.

Chuyện mời trọng tài điều hành V.League cũng gây nên những bất ngờ, có người bị cho thôi làm nhiệm vụ, sau đó VPF mời trở lại. Ví dụ như trọng tài Nguyễn Trọng Thư.

Câu chuyện sân bãi gây nên nghịch lý khó hiểu. VPF chấp nhận cho SLNA đá ở sân Vinh ở V.League 2020 nhưng sau đó khán giả chê sân xấu… Sân Vinh bây giờ phải cải tạo, nếu không hoàn thành sớm thì họ phải đá ở sân khác.

Nỗi lo lớn hơn hết là một số CLB chỉ trích và phản đối VPF trong nhiều vấn đề cần thảo luận. Rõ ràng, một khi còn sự tranh cãi từ chính thành viên thì VPF đang có nhiều vấn đề tồn đọng.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Văn Nhân

Được quan tâm

Tin mới nhất
Trải Nghiệm Sân Chơi Băng Tuyết Độc Đáo Giữa Lòng Thành Phố