Thái Lan, nỗi ám ảnh không chỉ là bóng đá
Với bóng đá Việt Nam, Thái Lan thực sự là cái tên luôn ám ảnh ở sân chơi khu vực. Thế nên, mỗi lần nói đến chuyện vô địch thì người hâm mộ đều nhắc đến Thái Lan, với thông điệp: Liệu có thắng được Thái Lan hay không?
Thái Lan cũng giống như cách người Đức mỗi lần đụng tuyển Ý ở sân chơi Euro hoặc World Cup. Tuyển Đức phải mất hơn nửa thế kỷ để vượt qua cái dớp sợ hãi này bằng chiến thắng tuyển Ý trên chấm 11m ở Euro 2016.
Bóng đá có những sự khắc tinh kỳ lạ như thế. Việt Nam sợ hãi mỗi lần đụng Thái Lan vì chúng ta thua quá nhiều ở các vòng bán kết, chung kết của SEA Games và AFF Cup. Hai trận chung kết ở SEA Game năm 2003 và năm 2005 là ví dụ. U23 Việt Nam đều thất bại trước Thái Lan, qua đó lỡ hẹn tấm HCV một cách đáng tiếc.
Hơn hết, Thái Lan có một sự khác biệt so với các đối thủ khác ở khu vực là lối chơi tập thể gắn kết, tự tin và phong cách chơi ban bật nhỏ, kỹ thuật. Chính lối chơi riêng biệt đó khiến cho ĐT Việt Nam rất khó thắng Thái Lan trong mỗi lần đụng nhau. Nó khác xa với cách chơi về thiên về thể lực của những Myanmar, Malaysia, Indonesia lẫn Singapore.
Trên thực tế, không chỉ bóng đá mà các môn thể thao tập thể thì Việt Nam thường thất bại trước Thái Lan, có thể kể thêm như futsal, bóng chuyền, cầu mây… Bóng đá nữ là trường hợp hiếm hoi có thể chơi ngang ngửa với Thái Lan trong nhiều năm qua.
Tất cả chỉ ra rằng, trình độ, tài năng hay so kè đẳng cấp ở các môn cá nhân thì Việt Nam có thể thắng Thái Lan trong thể thao, nhưng khi nói đến tính tập thể thì thường thất bại nhiều hơn thắng. Bóng đá cũng không ngoại lệ khi các ĐTQG luôn ám ảnh người Thái ở sân chơi khu vực.
Câu chuyện này nằm sâu xa ở định hướng phát triển trong thể thao cũng như sự đầu tư. Thái Lan phát triển rất mạnh ở thể thao học đường cũng như có giải vô địch quốc gia được xây dựng theo mô hình Premier League. Ngược lại, V.League vẫn giậm chân sau gần 2 thập kỷ lên chuyên nghiệp.
AFF Cup 2018 có khác biệt?
Trước AFF Cup 2018, ĐT Việt Nam được kỳ vọng sẽ vô địch. Thêm một lần cái tên Thái Lan lại được nhắc đến, giống như trở ngại lớn nhất cho tham vọng của thầy trò HLV Park Hang Seo.
Thực tế, sau vòng bảng AFF Cup 2018 thì mọi thứ diễn ra đúng như vấn đề được đặt ra từ đầu. Thái Lan vẫn đáng sợ nhất dù thiếu 4 trụ cột quan trọng. Người Thái có phong cách chơi bóng hiện đại, tấn công đa dạng và chững chạc cũng như sở hữu nhiều cá nhân xuất sắc.
Tuy nhiên, ĐT Việt Nam đã chơi rất tốt ở vòng bảng với ngôi đầu bảng A. Thầy trò HLV Park Hang Seo có 8 bàn thắng và chưa bị thủng lưới sau 4 trận đấu. Đó là một kết quả rất ấn tượng.
Cuộc chạm trán Philippines ở bán kết được xem trở ngại lớn cho ĐT Việt Nam nhưng chúng ta có nhiều niềm tin sẽ vượt qua để đi đến chung kết. Nguyên nhân là đối thủ đang mất nhiều trụ cột sau vòng bảng vì bị các CLB gọi về. Một điều có thể nói là hy hữu khi chỉ xảy ra ở sân chơi AFF Cup.
Hơn hết, Việt Nam không hề có tâm lý e ngại khi đụng Philippines dù thành tích đối đầu ở AFF Cup là ngang bằng nhau, sau 4 lần thì mỗi đội có 2 trận thắng.
Nếu vượt qua Philippines thì Việt Nam có khả năng lớn sẽ đụng Thái Lan ở chung kết. Đây là điều được chờ đợi trước thềm AFF Cup 2018. Liệu chúng ta có thể thắng Thái Lan để vô địch?
Câu hỏi này rất khó trả lời dù hàng triệu người hâm mộ có niềm tin lớn là thầy trò HLV Park Hang Seo sẽ vô địch AFF Cup 2018. Hãy chờ xem…
Con số niềm tin
Đó là vòng quay 10 năm của lịch sử AFF Cup. ĐT Việt Nam cứ 10 năm sẽ hạ Thái Lan ở AFF Cup vào năm có số 8. Năm 1998, Việt Nam đại thắng Thái Lan 3-0 ở AFF Cup. Năm 2008, Việt Nam thắng Thái Lan chung cuộc 3-2 ở chung kết AFF Cup để lần đầu vô địch. Người hâm mộ đang chờ đợi lịch sử sẽ tái hiện trong năm 2018, tức vòng quay 10 năm sau AFF Cup năm 2008 và năm 1998.