Hãy bắt đầu câu chuyện tiền lương từ bóng đá Thái Lan. Hiệp hội Bóng đá Thái Lan (FAT) đề xuất các đội bóng cắt giảm 50% lương trong bối cảnh Thai League phải đến tháng 9 năm nay mới diễn ra.
Nhiều đội bóng của Indonesia, Malaysia cũng rơi vào cảnh giảm lương, thậm chí có đội nợ lương trong nỗi lo có thể bị phá sản. Tình hình tài chính khó thì cách duy nhất chính là các CLB mong được cầu thủ chung tay bằng cách giảm lương.
Câu chuyện tiền lương không phải vấn đề khó khăn riêng của các CLB ở Đông Nam Á, những đội hàng đầu châu Âu rơi vào cảnh tương tự. CLB hàng đầu nước Đức - Schalke 04 giảm 15% lương cầu thủ và ban huấn luyện vào cuối tháng 3, họ tiếp tục giảm 15% trong tháng này. Schalke thậm chí lâm nguy với nỗi lo bị phá sản. Thực trạng chung của bóng đá Đức là có đến 13/36 CLB báo cáo gặp khó khăn về tài chính.
Ở Anh, câu chuyện tài chính đang vô cùng căng thẳng. Những Chelsea, Arsenal, Liverpool, Tottenham… đang tiến hành đàm phán với cầu thủ để giảm lương.
Thêm một ví dụ thiết thực là những ngôi sao như Ronaldo, Messi… đều chấp nhận giảm lương để chung tay cùng những Juventus, Barcelona trong bối cảnh khó khăn chung.
Ở Việt Nam, 6 đội bóng ở V.League đã tiến hành kế hoạch giảm lương. Nhưng Quảng Nam FC đã bất ngờ “rút lui” trước quyết định không giảm lương cầu thủ như dự tính ban đầu là 30%. Nguyên nhân được người trong cuộc lý giải, nếu một tháng giảm 30% lương, 3 tháng sẽ giảm bớt được 1 tháng lương. Nhưng mấu chốt tiền lương không phải gánh nặng tài chính của các đội bóng, đó chỉnh là “bề nổi của tảng băng” mang tên tiền ở V.League, vì lương của cầu thủ Việt Nam hay ngoại binh không phải là con số lớn nhất. Vậy bản chất nằm ở đâu?
Đó chính là phí lót tay. Bóng đá Việt Nam khác biệt so với bóng đá thế giới là cầu thủ có phí lót tay. Ví dụ cụ thể, Công Vinh từng được CLB Hà Nội mời ký hợp đồng thì lương 80 triệu, còn tiền lót tay lên đến 14 tỷ (3 năm). Một phép tính là Công Vinh nhận gần 4,7 tỷ đồng tiền lót tay/năm, còn tiền lương chưa đến 1 tỷ/năm. Do đó, chuyện tiền lương không phải là con số lớn nhất mà CLB trả cho cầu thủ, mấu chốt chính là tiền lót tay.
Ngược lại, Đặng Văn Lâm đến Thai League thì mức lương 10 nghìn USD (gần 240 triệu), không có lót tay. Công Phượng đến Hàn Quốc thì lương nhận cũng vào mức 10 nghìn USD, anh không được nhận phí lót tay như ở Việt Nam. Nhưng Công Phượng về lại V.League thì anh có khoản lót tay lớn từ CLB TPHCM, còn lương gần 120 triệu đồng. Phí lót tay của Công Phượng lớn hơn rất nhiều so với chuyện tiền lương.
Thế nên, sự khác biệt của các đội bóng ở Việt Nam là kinh phí lót tay chứ không phải chuyện tiền lương. Một số đội bóng “thắt lưng buộc bụng” bằng cách giảm lương nhưng đa số chỉ là cho thấy sự chung tay của cầu thủ với đội bóng, còn bản chất thì tiền lương không ảnh hưởng nhiều đến kinh phí hoạt động.
Tất nhiên, chuyện cầu thủ được nhận lót tay cũng là sự khác biệt so với xu thế chung của bóng đá thế giới. Về sâu xa, có rất nhiều vấn đề tồn tại, ví dụ một phần tiền sẽ “chảy” vào túi những người môi giới, đây là “dòng chảy đồng tiền” tồn tại nhiều năm qua ở V.League.
Liên quan đến chuyện tiền lương thấp
Đó cũng là vấn đề liên quan đến chuyện giảm lương của các CLB Việt Nam. Nhiều cầu thủ trẻ chỉ nhận được lương 10 triệu động, thậm chí còn thấp hơn rất nhiều. Ngay đến Phan Văn Đức cũng từng nhận mức lương vài triệu đồng khi lên đá V.League. Dĩ nhiên, hầu hết những cầu thủ trẻ cũng không có phí lót tay.
Ngay đến những cầu thủ có mức lót tay “khủng”, lương cao ở Việt Nam cũng chấp nhận một sự thật là thấp nhiều so với thế giới, trong đó có cả Thai League.