VFF mất đoàn kết
Đó là điều có thể khẳng định khi hai vị phó Chủ tịch VFF khóa VII là ông Đoàn Nguyên Đức và Nguyễn Xuân Gụ chia sẻ những sai trái của ngôi nhà bóng đá Việt Nam trên mặt báo. Họ lên tiếng vì không muốn những cái sai tiếp tục tồn đọng ở nhiệm kỳ cũ lây lan sang nhiệm kỳ mới, thậm chí nỗi lo nghiêm trọng là một nhóm người thao túng quyền lực.
Còn nhớ trong dịp VFF gặp mặt báo chí đầu xuân 2017, một nhà báo đã đứng dậy hỏi thẳng các quan chức VFF, trong đó có sự góp mặt của ông Trần Anh Tú và Nguyễn Xuân Gụ: VFF có đoàn kết hay không?
Câu hỏi ấy xuất phát từ việc ông Gụ có những thông tin không hay về VFF và ông Trần Anh Tú công khai chỉ trích “không xây dựng VFF”.
Năm 2016, bóng đá Việt Nam cũng hân hoan với chiến công dự U20 World Cup của U19 Việt Nam. Bây giờ, sau thành công của U23 Việt Nam thì VFF xảy ra chuyện lùm xùm. Đáng chú ý là bầu Đức chỉ ra một loạt cái sai về việc một người ngồi nhiều ghế và những chuyện không minh bạch trước Đại hội VFF khóa VIII. Nhân vật bị ông Đức công kích là bầu Tú, người ngồi 3 ghế bự ở VPF: Chủ tịch, Tổng giám đốc, Trưởng giải cùng nhiều ghế khác.
Cả ông Đức lẫn ông Gụ đều đặt câu hỏi: Ông Tú có phải là siêu nhân hay sao ngồi một lúc đến 7-8 ghế?
Câu chuyện tranh cãi trong mấy ngày qua rõ ràng cho thấy VFF không hề đoàn kết. Những cái sai được bưng bít, cách làm thiếu minh bạch, thiếu công bằng chỉ lộ ra khi bầu Đức “phát pháo”.
Bóng đá Việt Nam hết người tài?
“Chỉ những kẻ bất tài mới cố gắng vươn tới chức tước dù chẳng đóng góp được gì cho bóng đá. Đó mới là những kẻ đe doạ tới khả năng “từ bỏ” của chúng ta”, bầu Tú đã nói trên báo chí với “tâm thư” sau khi bầu Đức công khai chuyện bỏ bóng đá.
Có thể thấy, câu nói của bầu Tú nói rất hay và ý nghĩa: “Chỉ những kẻ bất tài mới cố gắng vươn tới chức tước dù chẳng đóng góp được gì cho bóng đá”. Thế nhưng, thực tế đang diễn ra như thế nào?
Bầu Tú đang ngồi nhiều ghế quan trọng của bóng đá Việt Nam. Nếu hiểu theo ý của bầu Tú ở phía trên: Một người không ham chức tước nhưng được ngồi nhiều ghế thì có tài và đóng góp lớn cho bóng đá Việt Nam.
Nhắc thêm, bầu Tú sắp có cơ hội lớn ngồi ghế phó Chủ tịch tài chính VFF nhiệm kỳ VIII, vì vị trí này chỉ có mỗi ông Tú là ứng viên. Chỉ có một người thì chiếc ghế ấy nằm chắc trong tay bầu Tú ở Đại hội sắp tới, trừ khi VFF dẹp bỏ vị trí này.
Lịch sử bóng đá Việt Nam cũng chưa có ai được ngồi nhiều ghế quan trọng ở VPF lẫn VFF như bầu Tú, khi vừa kiêm nhiệm Chủ tịch, Tổng giám đốc VPF, Trưởng giải và chuẩn bị làm phó Chủ tịch VFF.
Vậy chẳng phải ông Tú rất tài giỏi, hoặc bóng đá Việt Nam đang hết người tài làm bóng đá?!
Ai lo cho U23 Việt Nam?
Sau thành công ở U23 châu Á, U23 Việt Nam được xem là “tài sản” lớn và người hâm mộ rất kỳ vọng lứa thế hệ vàng mới có thể bay cao, bay xa hơn trong tương lai. Nhưng nghịch cảnh là VFF đang lùm xùm một cách đáng thất vọng.
Những ngày qua, đội tuyển nữ Việt Nam đi tập huấn ở Đức, ĐTVN có mặt ở Jordan, V.League 2018 đã xong 3 vòng…. Nhưng những điều ấy có được quan tâm bằng chuyện tranh cãi ở VFF?
Ví dụ gần nhất là chuyện ĐTVN tập trung quá ngắn ngày nên HLV Park Hang Seo lo lắng các cầu thủ khó có thể chơi tốt, vì không có nhiều thời gian để luyện tập. Ấy vậy, Quang Hải và Bùi Tiến Dũng đi ký hợp đồng tài trợ, xem như mất 1 ngày hội quân (ngày 23/3). Liệu có đáng trách và VFF sao để xảy ra chuyện này?
Thẳng thắn, Bùi Tiến Dũng bây giờ đang trong cảnh “chạy show”, Quang Hải gần như “mất tích” ở V.League 2018. Đây là hai cầu thủ chơi hay nhất của U23 Việt Nam ở U23 châu Á, nhưng nỗi lo bị chững lại sau vinh quang ở một giải đấu vì sự nổi tiếng là điều rất dễ xảy ra!
Ngoài ra, U23 Việt Nam tạo kỳ tích mang đến hiệu ứng lớn cho khán giả nước nhà. Bây giờ, VFF lại để xảy ra tình trạng mất niềm tin từ những cái sai không thể chấp nhận được. Vậy ai đám đặt niềm tin là những người ngồi trong ngôi nhà bóng đá Việt Nam sẽ chèo lái tốt ở nhiệm kỳ tới?
Tựu trung, tất cả đang mang đến nỗi buồn lớn cho bóng đá Việt Nam, trong đó có nỗi lo cho lứa cầu thủ U23!