Bầu Đức nghỉ ở VFF là để thực hiện lời hứa hồi năm ngoái: “Nếu U22 Việt Nam không giành HCV SEA Games 29, tôi sẽ nghỉ VFF”. Dám nói dám làm, bầu Đức nộp đơn xin nghỉ hồi tháng 9/2017 nhưng không được Ban chấp hành VFF chấp nhận và ông chủ CLB HAGL chỉ có thể nghỉ sau Đại hội VFF khóa VIII.
Điều đáng tiếc nhất của bầu Đức trong cuộc chia tay VFF là xảy ra những lùm xùm. Lẽ ra, ông Đức có thể rời VFF trong một cách nhẹ nhàng và êm đẹp nhất nhưng những lãnh đạo VFF tự “buộc trái bóng vào chân” với tiêu chí bằng cử nhân, “lỗi đánh máy”…
Bây giờ trở lại với câu chuyện đang diễn ra: VFF nhiệm kỳ VIII vắng bầu Đức nên vui hay buồn?
VFF khóa VIII gần như sạch bóng các ông bầu ở cương vị lãnh đạo khi ông Đức rút lui, bầu Thắng không còn mặn mà với bóng đá chuyên nghiệp. Một người cũng được gắn mác ông bầu là ông Trần Anh Tú đã từ bỏ cuộc đua ghế phó chủ tịch tài chính.
Trong số những người kể trên, bầu Đức từng được kỳ vọng sẽ làm chủ tịch VFF nhưng không có nhiều thời gian để tập trung cho chức vụ này. Đây là nguyên nhân thực sự khiến cho bầu Đức phải chia tay VFF trong cương vị lãnh đạo.
Thực tế, bầu Đức rời khỏi VFF cũng là một điều hợp lý, nhằm tránh tình trạng bị dư luận nói là “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Tức HAGL đang thi đấu ở V.League, còn những Công Phượng, Văn Toàn, Xuân Trường, Văn Thanh… khoác áo ĐTQG, nên bầu Đức ngồi vào chức to ở VFF thì khó tránh được điều tiếng dù có cố gắng làm thật minh bạch, không can thiệp để HAGL hưởng lợi.
Vậy nên, bầu Đức rời VFF là một điều đáng vui cho bóng đá Việt Nam. Một điều tích cực ở khía cạnh giảm bớt tình trạng “vừa thổi còi, vừa đá bóng”.
Tuy nhiên, VFF thiếu bầu Đức cũng để lại những vấn đề lớn là ai sẽ phản biện trong ngôi nhà bóng đá Việt Nam? Ai dám đứng lên nói thẳng, nói thật, thậm chí điểm mặt từng người để nêu cái sai?
Bóng đá Việt Nam luôn bảo lưu những khái niệm “đóng cửa, bảo nhau”, tốt khoe, xấu che. Và nhìn lại nhiệm kỳ VII đầy “sóng gió” ở giai đoạn cuối thì thật sự rất lo ngại cho VFF khóa VIII sẽ tiếp tục đạp lên vết xe đổ.
Bầu Đức đã nói thẳng về VFF khóa VIII rằng: “Toàn là những người không đúng đắn thì sao có thể kỳ vọng. Tôi nói thật. Dùng chiêu này chiêu, chiêu kia, tiểu xảo này, tiểu xảo kia. Dùng tiểu xảo để loại người khác ra, đảm bảo quyền lợi của mình thì sao kỳ vọng được. Tóm lại không kỳ vọng gì hết”.
Ngoài ra, một hệ lụy lớn khác là bầu Đức nghỉ VFF trong tiếng thở dài cùng những tranh cãi đã mang đến một hình ảnh xấu cho bóng đá Việt Nam. Không ít người sẽ nhìn từ tấm gương của bầu Đức để tự rút ra bài học cho chính mình nếu muốn vào VFF để cống hiến.
Bầu Đức đúc kết ngắn gọn rằng: “Nói chung, không minh bạch thì tôi vô đó để làm gì đâu. Một người giữ 7-8 ghế thì làm gì nữa mà làm”.
Những điều kể trên là nỗi buồn cho bóng đá Việt Nam khi bầu Đức không còn ở VFF. Liệu có VFF khóa VIII có tìm được những lãnh đạo có tâm, có tầm như bầu Đức, bầu Thắng hy vọng là “chúng ta cần những người sẵn sàng hy sinh thời gian, trí tuệ, vật chất để đóng góp cho bóng đá, không kiếm những người tham gia vào để hưởng tiền là không nên”…
Hy vọng là mọi thứ sẽ tốt đẹp…
Chốt các ứng viên VFF khóa VIII
Chủ tịch VFF có các ứng viên: Phó chủ tịch VFF khóa VII Trần Quốc Tuấn, nguyên phó chủ tịch VPF Nguyễn Công Khế, Giám đốc Khu liên hợp thể thao quốc gia Cấn Văn Nghĩa, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH TDTT 2 TPHCM Lê Quý Phượng.
Về phó chủ tịch tài chính có các ứng viên: Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty CP Ca Cao Việt Nam Trần Văn Liêng (sinh năm 1968), Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty CP Động Lực, ủy viên BCH khóa 7, Chủ tịch Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam Lê Văn Thành (sinh năm 1959), Chủ tịch CLB Hải Phòng - Trần Mạnh Hùng, doanh nhân trẻ Nguyễn Hoài Nam, Chủ tịch CLB Quảng Ninh - Phạm Thanh Hùng.
Phó Chủ tịch VFF phụ trách chuyên môn gồm: Trưởng Văn Phòng đại diện phía nam VFF Dương Vũ Lâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Phạm Văn Tuấn, Trưởng Ban chiến lược VFF khóa 7 Phạm Ngọc Viễn (sinh năm 1950).
Phó chủ tịch truyền thông gồm: Giám đốc điều hành phụ trách truyền thông Tổng Công ty Đầu tư & Phát triển Công nghiệp - Becamex IDC Cao Văn Chóng (sinh năm 1979), phó chủ tịch truyền thông VFF khóa 7 Nguyễn Xuân Gụ (sinh năm 1952), Tổng Biên Tập Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo Lương Hoàng Hưng (sinh năm 1969), Tổng biên tập Báo Bóng đá Nguyễn Văn Phú (sinh năm 1961), Chủ tịch Hội đồng Hợp tác - phát triển Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học quốc gia Hà Nội Nguyễn Lân Trung (sinh năm 1955), Tổng Thư ký LĐBĐ Hà Nội, ủy viên BCH, Trưởng Ban Bóng đá nữ VFF khóa 7 Phan Anh Tú (sinh năm 1957).