Lời cay đắng của bầu Đức
“Họ sợ nếu danh sách vẫn còn tên tôi thì nhiều đại biểu sẽ bầu cho tôi và anh Tú sẽ mất ghế nên chơi trò bẩn. Thậm chí, họ còn sử dụng một số tay chân tung tin nói HAGL có đóng góp gì nhiều cho U.23 đâu mà kể công. Xin thưa, HAGL không đóng góp gì nhiều chỉ có đóng góp 9 cầu thủ, sau vì chấn thương (Minh Vương, Tuấn Anh, A Hoàng) thì còn 6.
Đích thân tôi đi Hàn Quốc 3 lần nhẫn nhục cúi đầu để đàm phán cho được ông Park Hang Seo. Đâu phải sang đó ta đây vỗ ngực xưng tên? Tôi móc tiền túi trả toàn bộ 2 năm lương cho ông Park. Như vậy, tôi và HAGL đóng góp bao nhiêu phần trăm trong thành công của U23 Việt Nam?
Ấy vậy mà người ta phũ phàng gạt tôi ra. Ai cũng biết chuyện đó, VFF có dám nhắc không? Có phải là chuyện cướp công không?”, bầu Đức phải thốt ra những lời đời cay đắng khi nói cuộc chơi của VFF trước Đại hội khóa VIII với báo chí.
Bầu Đức không ngờ đến cuối nhiệm kỳ VII thì mọi chuyện lại phức tạp, dù ông từng viết đơn xin nghỉ sau SEA Games 29. Ông bầu CLB HAGL thừa nhận cuộc chơi ở VFF có tiểu xảo đến mức không thể hiểu.
Tiểu xảo ấy được bầu Đức lý giải qua một câu chuyện nghịch lý về việc đề cử, khi VFF gửi văn bản lúc 27 Tết và yêu cầu 2 ngày phải trả lời. Bầu Đức nói với giới truyền thông rằng: “29 Tết, lúc đó ai còn làm việc, gởi văn bản hay trả lời email. Chơi tiểu xảo hết cỡ. Lúc đó, ai còn làm việc để để phản hồi. Ai không trả lời xem như đồng ý”.
Ngoài ra, việc VFF đưa ra tiêu chí bằng cử nhân cũng là một “ca khó” cho bầu Đức. Đó chẳng khác nào gạt bầu Đức ra khỏi VFF nhiệm kỳ VIII, một giai đoạn được chờ đợi nhất sau thành công của U23 Việt Nam.
Tựu trung, bầu Đức tức giận đòi bỏ bóng đá sau 20 năm đóng góp đầy lớn lao, khiến cho nhiều người cảm nhận là VFF đang… “vắt chanh bỏ vỏ”. Bởi ai chẳng buồn, chẳng chán nản và cay đắng khi sau ngần ấy thời gian bỏ công sức, tiền bạc để phát triển bóng đá nhưng bị người ta gạt ra theo cách… không đàng hoàng.
Bạc bẽo như VFF
Nhiều người cho rằng, nếu chỉ trích hoài thì làm sao người hâm mộ có thể đến sân xem bóng đá. Đúng hơn, cuộc sống cần nhìn về những điều tích cực và bóng đá Việt Nam rất cần điều ấy. Thế nhưng, ngôi nhà VFF là một câu chuyện hoàn toàn khác, không bao giờ ngưng chuyện… bạc bẽo.
Sau 20 năm, bầu Đức góp biết biết công sức, tốn hàng nghìn tỷ đồng, chịu bao áp lực và chỉ trích khi xung phong xây học viện. Ông bầu CLB HAGL gọi 12 năm cho ra đời học viện là 12 năm đội mũ cối, tức có những người không tin và đả kích ông.
Đến tận thời gian chuẩn bị chia tay VFF, bầu Đức cũng đích thân mời HLV Park Hang Seo sang Việt Nam và trả 2 năm tiền lương cho ông thầy Hàn Quốc.
Thử hỏi, những ai đang ngồi trong ngôi nhà VFF có thể làm được và đóng góp lớn lao như bầu Đức?
Vậy đổi lại, ông Đức lại phải cay đắng thốt lên chuyện bị o ép, bị chơi xấu, chiêu trò… Ông chủ CLB HAGL nói trong buồn tủi: “Ấy vậy mà người ta phũ phàng gạt tôi ra”.
Nhìn lại những chuyện quá khứ, Bầu Đức suy cho cùng cũng là một trong số những “nạn nhân” của VFF. Điều khác biệt duy nhất là ông chủ CLB HAGL không phải dạng vừa để VFF có thể “đè đầu cưỡi cổ”. Trước đó có rất nhiều người phải nếm trải cay đắng tột cùng.
Điển hình như HLV Phan Thanh Hùng từng phải “chén cạn, chén thề” với tuyên bố không bao giờ chơi với những người ở VFF. Họ nhiều lần mời ông Hùng dẫn dắt ĐTQG nhưng sau đó gạt đi một cách không tiếc nuối. Lúc đó, ông Lê Hùng Dũng còn dè bỉu các HLV nội thì làm… được gì.
Trước thời ông Phan Thanh Hùng, HLV Falko Goetz cũng từng thản thốt vì VFF, khi về nước Đức nghỉ giáng sinh nhưng nhận được tin sa thải. Ngày chia tay bóng đá Việt Nam, ông Goetz nói: “Tôi rất ngạc nhiên khi sau kì nghỉ giáng sinh và năm mới lại phải đến đây để kết thúc hợp đồng”.
Sau này, HLV Hoàng Văn Phúc hay HLV Hữu Thắng cũng đều nếm trải cay đắng khi chấp nhận vào cuộc chơi của VFF. Tất cả giống như một phần câu chuyện không thể thiếu của bóng đá Việt Nam.
Kể ra một vài ví dụ trên để thấy sự bạc bẽo của VFF ít nhất là trong cách hành xử với người trong cuộc chơi, kể cả bầu Đức cũng không thể thoát.
Nói cách khác, VFF giống như một gã Sở Khanh trong trò chơi tình ái!.