Hôm nay (31/3), Tiểu ban Nhân sự sẽ chốt hồ sơ các ứng viên tranh cử Đại hội VFF khóa VIII. Không có gì thay đổi thì các ứng viên vẫn như cũ, chỉ riêng vị trí phó Chủ tịch tài chính thì bầu Tú không còn “một mình, một ngựa” vì có thêm ông Trần Văn Liêng tham gia.
Đáng nói là VFF vẫn không có động thái nào cho thấy việc bỏ tiêu chí bằng cử nhân, dù dư luận “dậy sóng” và không hiểu sao những người cống hiến cho bóng đá nước nhà phải cần bằng cấp, nhất là một số người làm không lấy tiền lương và bỏ thêm tiền túi như bầu Đức.
Nhắc đến bầu Đức, VFF nhiệm kỳ VIII sẽ không còn sự góp mặt của ông chủ CLB HAGL. Đơn giản, ông Đức đã nói rút lui nên giữ lời và bây giờ có muốn thay đổi ý kiến trở lại VFF cũng không được, vì không có bằng cử nhân.
Thế nên, câu chuyện bằng cấp tưởng chừng chỉ xảy ra ở các ngành nghề, lĩnh vực khác nhưng bây giờ trở thành tâm điểm của bóng đá Việt Nam. Nó vô tình trở thành rào cản cho những người có tâm, có tâm, có tiền của muốn đóng góp cho bóng đá.
Những người trong ngôi nhà bóng đá Việt Nam soạn ra tiêu chí ứng viên phó Chủ tịch, Chủ tịch VFF nhiệm kỳ VIII: “Am hiểu và có kinh nghiệm trong hoạt hoạt động tài chính, thương mại; trình độ chuyên môn từ cử nhân trở lên”.
Trong khi đó, khoản 5 điều 34 (Ban chấp hành) trong Điều lệ VFF (Sửa đổi, bổ sung 2014) quy định: “Ủy viên BCH phải là công dân Việt Nam từ 25 tuổi trở lên có hiểu biết và kinh nghiệm về bóng đá và thể thao, các hoạt động xã hội khác; có điều kiện tham gia các hoạt động bóng đá; có tư cách đạo đức và tinh thần trách nhiệm cao trong công việc; không bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.
Sự tréo ngoe vô lý ấy khiến cho nhiều người hâm mộ thiếu thiện cảm với VFF. Bởi VFF là tổ chức xã hội nghề nghiệp, cần sự chung sức từ các ông bầu để đóng góp tiền bạc, cầu hiền tài có tâm, có tầm để vạch ra chiến lược phát triển. Vậy tại sao đem rào cản phải có bằng cử nhân để hạn chế những người mong muốn cống hiến cho bóng đá Việt Nam?
Trường hợp của bầu Đức nói trắng ra thì VFF đưa cái tiêu chí cử nhân là rất lố bịch, dù ông Đức đã xác định nghỉ từ năm 2017. Ông Đức cống hiến gần 20 năm cho bóng đá Việt Nam, góp công rất lớn trong công tác đào tạo trẻ, đưa ông Park Hang Seo về Việt Nam. Thế bây giờ VFF “cài” tiêu chí mới dù biết ông Đức không có bằng cử nhân. Dư luận đang gọi VFF chơi theo kiểu “qua cầu rút ván”.
Nhìn rộng ra xã hội, đâu phải ai tốt nghiệp Đại học cũng sẽ làm tốt và những người không có bằng cấp thành công rất nhiều. Trong khi đó, theo số liệu do Viện Khoa học lao động và xã hội công bố, tỉ lệ thất nghiệp của nhóm trình độ Đại học trở lên ở Việt Nam là 237.000 người trong năm 2017.
237.000 cử nhân trở lên, tức có những người có trình độ cao hơn cử nhân cũng đang thất nghiệp rất nhiều. Thế mới thấy rằng, tấm bằng Đại học bây giờ không còn “to tát” như ngày xưa, nó không quyết định sự thành công hay phản ánh trình độ của một con người.
Ấy vậy, VFF là nơi lẽ ra không cần bằng Đại học thì bây giờ lại áp đặt điều ấy. Đó không chỉ là chuyện “đấu đá”, tranh ghế mà phản ánh một thực trạng buồn: Mặt bằng bóng đá Việt Nam thấp hơn mặt bằng xã hội - lời phát biểu nổi tiếng của cựu Chủ tịch VFF Mai Liêm Trực.
Những người cống hiến cho bóng đá như bầu Đức thực sự không cần bằng cấp, chỉ cần đẳng cấp, có tâm, có tầm. Đúng hơn, tấm bằng cử nhân không phải là thước đo và người hâm mộ không cần biết ông A, ông B, ông C… có trình độ học vấn cỡ nào, chỉ cần người đó làm những điều tốt đẹp, tận tụy vì bóng đá Việt Nam, thay vì báo cáo thành tích… mà không cống hiến nhiều.