Những con số không biết nói dối, và rõ ràng, ở những năm gần đây, mỗi khi Văn Toàn toả sáng rực rỡ ở cấp độ CLB, thì sẽ không có mặt của Công Phượng. Nói cách khác, Văn Toàn sẽ chỉ thành công khi thiếu vắng cái tên Công Phượng.
Tại vòng loại U19 châu Á 2014, Công Phượng - Văn Toàn chính thức trình làng các fan bóng đá Việt Nam bằng những pha bóng ăn ý đẹp mắt như muốn “đi guốc trong bụng nhau” của cặp đôi này.
Cũng kể từ đó, người ta kỳ vọng Toàn và Phượng sẽ là “cặp song sát” như Văn Quyến và Công Vinh ngày nào. Nhưng thực tế, những giây phút ngẫu hứng thuở thiếu thời không thể nào che lấp đi một sự thật sau này rằng: Phượng và Toàn dường khi sinh ra là không dành cho nhau. Khi Toàn tỏa sáng thì Phượng là người lu mờ và ngược lại. Nói cách khác, Văn Toàn và Công Phượng sinh ra không phải để thi đấu cùng nhau.
Chẳng hạn mùa 2016, khi Công Phượng vẫn còn đang loay hoay tìm một trận đấu chính thức ở Mito Hollyhock thì ở quê nhà, Văn Toàn đã ghi đến 8 bàn thắng cho HAGL.
Và sau một mùa bóng cống hiến không biết mệt mỏi với tổng cộng 2.256 phút (đá chính cả 26 trận và chỉ 1 lần duy nhất bị thay ra ở trận thua 0-5 trước B.Bình Dương), Văn Toàn được nhận danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất CLB HAGL.
Tất cả khiến cho Văn Toàn được chờ đợi ở V.League 2017. Nhiều người hy vọng cầu thủ người Hải Dương sẽ cùng người bạn thân Công Phượng, người sẽ trở về từ Nhật Bản tạo nên cặp đôi “sát thủ” trên hàng của HAGL.
Ấy vậy, Văn Toàn của năm 2017 chỉ giống như một cái bóng của Công Phượng, mãi đi theo từng bước chân của chàng bạn thân trên sân, nhưng chẳng thể nào toả sáng. Năm đó, dù đá chung với nhau, nhưng Công Phượng có đến 7 bàn còn Toàn lại tậm tịt, ghi vỏn vẹn được 1 bàn sau 25 trận.
Đến mùa giải năm nay, mùa giải mà Văn Toàn toả sáng rực rỡ nhất với 9 bàn thắng, được bình chọn là cầu thủ hay nhất HAGL thì Công Phượng lại tiếp tục phiêu bạt từ Incheon (Hàn Quốc) sang Sint-Truidense (Bỉ).
Có nhiều lý giải cho việc Văn Toàn toả sáng rực rỡ ở V.League năm nay. Nhưng rõ ràng, phần nhiều nó đến từ chuyện Công Phượng đi … du học.
Sự khác biệt là HAGL khi không có Công Phượng sẽ tập trung hoàn toàn vào Văn Toàn, hầu hết các đường chuyền hướng đến vị trí của chàng tiền đạo gốc Hải Dương. Khi có Công Phượng, lối chơi của HAGL sẽ chậm đi đáng kể, không phù hợp với sở trường là bứt tốc của Văn Toàn, bởi khi có bóng thì Công Phượng rất hay “vẽ vời”, trước khi chuyền cho đồng đội.
Không Công Phượng, Văn Toàn như “cá gặp nước”, anh được đồng đội phục vụ một cách tối đa, luôn có khoảng trống để tự do bay nhảy, không lo sợ phải vấp chân ai. Chính vì vậy, việc Văn Toàn toả sáng khi không có Công Phượng âu cũng dễ hiểu.
Chính cầu thủ người Hải Dương cũng từng thừa nhận sự thật này: “Công Phượng xuất ngoại khiến tôi có thêm nhiều lợi thế hơn. Tôi được chơi tự do và có thêm nhiều khoảng trống thể hiện bản thân”.
Thực tế này cũng là điều đáng tiếc cho cả CLB HAGL lẫn NHM bóng đá Việt Nam, khi Văn Toàn và Công Phượng chưa thể trở thành cặp đôi hoàn hảo trên sân, như tình bạn 10 năm của họ ở ngoài đời.