Lịch sử bóng đá Việt Nam ghi nhận Văn Quyến là một tài năng thiên bẩm, cầu thủ có khả năng tạo ra những bàn thắng để đời. Trong tự truyện Phút 89, Lê Công Vinh nhìn nhận Văn Quyến như sau:
“Phạm Văn Quyến mãi mãi là cái tên gây tiếc nuối trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Bởi nếu sự nghiệp dài hơi hơn, chúng ta đã có một ngôi sao vượt ra khỏi khu vực, để trở thành một trong những ngôi sao thực thụ của châu lục”.
Tài năng của Văn Quyến là điều không cần phải bàn cãi. Quyến “béo” là cầu thủ đặc biệt, có thể mang đến những cảm xúc thăng hoa tột cùng cho người hâm mộ với những pha ghi bàn để đời. Văn Quyến cũng chính là cầu thủ ghi bàn thắng duy nhất giúp U23 Việt Nam hạ Hàn Quốc - một chiến thắng gây chấn động cả châu Á, bởi đội bóng xứ Kim chi thời điểm đó từng đi đến bán kết World Cup 2002.
Ở tuổi 19, Văn Quyến cũng sớm giành QBV Việt Nam. Một phần thưởng để tô điểm cho sự tài năng xuất chúng của cầu thủ được mệnh danh là “cậu bé vàng” bóng đá Việt Nam.
Thế nhưng, thật thiếu công bằng và không khách quan nếu so sánh Văn Quyến với Công Vinh. Cả hai là sự tương phản lớn từ phong cách chơi đến sự cống hiến trên sân cỏ, kể cả cuộc sống ngoài bóng đá.
Điểm chung lớn nhất giữa Văn Quyến và Công Vinh chính là tài năng. Quyến có QBV năm 19 tuổi, Công Vinh cũng làm được điều tương tự. Chính Công Vinh là người “soán” vị trí đó của Quyến, thời điểm này xảy ra trước lúc có vụ tiêu cực ở SEA Games năm 2005. Nên nhìn sòng phẳng ở góc độ chuyên môn, Công Vinh là một tài năng dị biệt, vì không hay và không xuất sắc thì anh không thể trở thành chủ nhân QBV ở tuổi 19, thời điểm Văn Quyến đang hay nhất sự nghiệp và chưa dính tiêu cực.
Ngoài mẫu số chung tài năng, Công Vinh hơn Văn Quyến về tất cả mọi thứ nếu nói về chuyện bóng đá. Công Vinh là cầu thủ cống hiến rất lớn cho bóng đá Việt Nam với 12 năm khoác áo ĐTQG. Công Vinh ghi đến 51 bàn sau 83 trận cho ĐTVN. Anh cũng là cầu thủ ghi bàn trong cả 2 trận chung kết AFF Cup 2008, trong đó có pha đánh đầu ngược vào lưới Thái Lan giúp tuyển Việt Nam giành chức vô địch AFF Cup đầu tiên trong lịch sử.
Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) cũng điền tên Công Vinh trong danh sách những huyền thoại bóng đá Đông Nam Á, chung mâm với danh thủ Thái Lan Kiatisak.
Ngược lại, Văn Quyến chưa gặt được thành công nào lớn cùng tuyển Việt Nam. Văn Quyến cũng chưa thể có nhiều cống hiến bằng Anh Đức, hay so với lứa thế hệ vàng hiện tại là Công Phượng, Quang Hải, Văn Toàn, Văn Hậu… Vì thế hệ cầu thủ sau này đã gặt hái được thành công vang dội hơn cả so với thời Văn Quyến, Công Vinh.
Về sự cống hiến cho bóng đá Việt Nam, Công Vinh xứng đáng là huyền thoại, còn Văn Quyến không thể xếp chung mâm.
Sẽ có ý kiến cho rằng khắc khe khi lấy câu chuyện tiêu cực SEA Games 2005 để nhìn nhận tài năng của Văn Quyến không bằng Công Vinh. Nhưng đó là câu chuyện thực tế, vết đen đó cũng phản ánh một phần quan trọng của Văn Quyến và Công Vinh về tư cách cầu thủ trong mắt người hâm mộ. Anh có tài năng nhưng dính chàm thì không thể xếp chung với một cầu cầu thủ vừa tài năng vừa nỗ lực cống hiến hết mình trên sân cỏ.
Ở một ví dụ thiết thực nhất để người hâm mộ có thể thấy được vì sao Công Vinh khác biệt với Văn Quyến. Công Vinh từng đứt dây chằng và phải nghỉ bóng đá hơn 1 năm. Anh đã phải nỗ lực không ngừng nghỉ nơi đất khách quê người để mong tìm lại phong độ. Công Vinh lành lặn chấn thương vẫn duy trì được tài năng và chơi cực hay. Ngược lại, Văn Quyến trở lại với bóng đá sau khi mãn hạn phạt thì anh đã không còn phù hợp với môi trường chuyên nghiệp, do thể lực sa sút và tăng cân rất nhiều. Câu chuyện này phản ánh rõ ràng về ý chí và sự chuyên nghiệp giữa hai tài năng của bóng đá Việt Nam.
“Thiên tài chỉ có 1% là linh cảm, 99% là mồ hôi và nước mắt” - Thomas Edison từng nói. Công Vinh không chỉ có tài năng mà còn khổ luyện, phấn đấu không ngừng nghỉ. Điều đó không có ở Văn Quyến, dù anh có tài năng.
Vậy tại sao so sánh về Công Vinh và Văn Quyến khi cả hai là hai tấm gương phản chiếu để về hình mẫu cầu thủ trong bóng đá? Nên nhớ, bóng đá mang đến cảm xúc, sự yêu - ghét nhưng sau cùng là một phần của xã hội, chỉ có những giá trị tốt đẹp, sự tử tế, sự cống hiến hết mình mới trường tồn theo năm tháng, chứ không phải một phút huy hoàng rồi vụt tắt vì mặt trái.