Từ vụ tranh cãi VPF và HAGL
Phát biểu của bầu Đức nói về việc VPF không hỗ trợ được gì cho các CLB trở thành chủ đề "đúng nhận, sai cãi". Thực tế, bầu Đức không nói theo kiểu chi tiết mà phản ánh trực diện vào bản chất VPF hỗ trợ cho các đội. Con số thật là HAGL đóng 550 triệu đồng tiền lệ phí giải, đến cuối mùa được trả lại 860 triệu đồng, tức HAGL được VPF chia cho 310 triệu đồng/mùa giải.
310 triệu đồng - số tiền này thua cả mức thưởng 1 trận thắng ở V.League (trung bình 400 triệu - 500 triệu đồng). Nói thẳng không giúp được gì cho các CLB về kinh phí hoạt động, bởi ai cũng biết mỗi đội V.League đều chi từ vài chục tỷ đến hơn trăm tỷ cho mỗi mùa giải.
Chủ tịch CLB Văn Trần Hoàn nói với Saostar:"Mỗi năm VPF chỉ cho 0,5% chứ bao nhiêu đâu. VPF đang ép các CLB, điều đó quá vô lý...". Chỉ có 0,5% thì rõ ràng không có ý nghĩ gì với tài chính các CLB.
Với HAGL, bầu Đức càng có lý do để phản bác VPF. Bởi nhìn nhận theo hướng được hỗ trợ 310 triệu đồng/mùa mà liên quan đến quy định quảng cáo độc quyền thì bầu Đức nói hoàn toàn đúng. Carabao tài trợ cho HAGL đến hơn 40 tỷ/mùa, còn VPF chỉ cho HAGL 310 triệu. Hai con số quá khác biệt: Một bên như muối bỏ biển, một bên là số tiền gần đủ hoạt động cho cả mùa giải.
Bỏ qua tranh cãi giữa VPF và HAGL, nhìn về con số 310 triệu đồng hỗ trợ cho CLB thì chúng ta thấy được một sự thật đáng buồn: Hóa ra V.League trong 22 năm chuyên nghiệp vẫn nghèo. Đây là lý do góp phần khiến cho một số đội rơi vào cảnh tan rã nếu không có tài trợ.
V.League thua xa Thai League
Liên đoàn thống kê và lịch sử bóng đá thế giới công bố bảng xếp hạng 80 giải vô địch quốc gia xuất sắc nhất thế giới năm 2022, trong đó Thai League xếp 71, V.League không có tên.
Một nỗi buồn cho bóng đá Việt Nam là không có đội nào vào Top 500 CLB bóng đá nam hàng đầu thế giới trong năm 2022. Đông Nam Á có 3 CLB được xếp hạng là CLB BG Pathum United (Thái Lan), Johor Darul Ta’Zim (Malaysia) và Buriram United (Thái Lan). IFFHS xếp CLB BG Pathum United hạng 172 thế giới, Johor Darul Ta’Zim có hạng 250 và Buriram United đứng 417 thế giới. Jeonbuk Hyundai Motors của Hàn Quốc là đội xếp thứ nhất châu Á với vị trí 42 thế giới.
Với bảng xếp hạng năm 2022 của IFFHS, có thể thấy V.League kém xa Thai League (giải vô địch quốc gia của Thái Lan).
Về kiếm tiền, một nhà tài trợ từng chia tay V.League nhưng tài trợ gần 20 triệu USD/3 mùa cho Thai League. Nhưng giải đấu của Thái Lan không chỉ có tài trợ lớn mà nguồn thu chính là tiền bản quyền truyền hình. Đây mới là xương sống của Thai League, giống như mọi giải đấu lớn trên thế giới.
Giai đoạn 2011 - 2013, Thái League có tiền bản quyền truyền hình là hơn 38 triệu baht/mùa (hơn 28,5 tỷ đồng). Từ 2014 đến 2015, số tiền này khoảng 120 triệu baht/mùa (hơn 90 tỷ đồng). Năm 2016 – 2020, trị giá hợp đồng lên đến hàng tỷ baht/mùa (hơn 700 tỷ đồng). Năm 2021 – 2028, Thai League tăng lên 12 tỷ baht (gần 9.000 tỷ đồng), tức mỗi năm trung bình là 1,5 tỷ baht (hơn 1.115 tỷ đồng).
Và nhìn con số kể trên để thấy mỗi đội ở Thai League đều nhận được vài chục tỷ đồng sau mỗi mùa giải. Con số đó khác biệt quá lớn so với V.League. Thai League kiếm được tiền là nhờ thay đổi để hoạt động theo mô hình của Premier League (giải Ngoại hạng Anh).