Nỗi lo ‘tuồng cũ’
Năm 2012, bóng đá Việt Nam chứng kiến hình ảnh CLB Đà Nẵng đăng quang một cách ngoạn mục. CLB Hà Nội T&T cầm hòa Sài Gòn Xuân Thành với tỷ số 0-0 và đội bóng sông Hàn hạ V.Ninh Bình để lên ngôi vô địch vào phút cuối.
Điều đáng nói là cho đến vòng cuối cùng, Đà Nẵng kém 1 điểm so với Sài Gòn Xuân Thành và 2 điểm so với Hà Nội T&T. Thế nên, dư luận cho rằng đội bóng Thủ đô cố tình ôm chân đội bóng của bầu Thụy để Đà Nẵng vô địch.
V.League 2012 hạ màn khiến cho làng bóng đá Việt Nam âm ỉ chuyện “một ông chủ hai đội bóng”. Bầu Thụy phản pháo chuyện bầu Hiển ảnh hướng đến CLB Hà Nội T&T và Đà Nẵng nên dọa bỏ giải. Sau đó, ông Thụy bỏ bóng đá.
Giải đấu số 1 Việt Nam bây giờ cũng đang đứng trước nguy cơ “tuồng cũ” tái diễn, dù tình thế của cuộc chơi khác rất nhiều. CLB Hà Nội không phải chạm mặt trực tiếp Thanh Hóa, cũng như cơ hội vô địch của đội bóng xứ Thanh rất ít.
Cả Hà Nội, Thanh Hóa và Quảng Nam đang có 45 điểm nhưng xét đối đầu thì đội bóng xứ Thanh có hệ số thấp nhất. Họ chỉ vô địch trong trường hợp Hà Nội và Quảng Nam không thể thắng.
Dẫu vậy, nỗi lo dễ xảy ra như dư luận đồn đoán trong thời gian qua là Cúp sẽ về Quảng Nam. Tức Hà Nội tự “ôm chân” trong cuộc đối đầu với Quảng Ninh, còn Quảng Nam hạ TP.HCM không còn động lực.
Lo thật sự cho tính công bằng trong ngày hạ màn V.League 2017!
Đến chuyện niềm tin
Tấm hình Văn Quyết ăn mừng như phát khóc sau bàn thắng vào lưới Quảng Nam, cùng kết quả Hà Nội thắng 1-0 trước đội bóng xứ Quảng khiến cho nhiều người có lý do tuyên bố những nghi ngờ “dồn diểm” là không có. Thậm chí, họ còn phản bác là bóng đá Việt Nam xấu xí do một phần những người cố tình nhìn “méo mó” mọi thứ, thiếu tính tích cực.
“Một nửa cái bánh mì vẫn là cái bánh mì, nhưng một nửa sự thật thì không phải là sự thật”, có hay không chuyện Quảng Nam được “dồn điểm” để vô địch V.League 2017 phải chờ cuộc hạ màn ngày hôm nay. Đó là câu trả lời nhưng không phải ngẫu nhiên mà dư luận nhìn thiếu tính tích cực.
Niềm tin của người hâm mộ không tự sinh ra cũng tự mất đi, trừ phi chúng ta “bắn” vỡ nó. “Cú áp phe” ở V.League 2012 kể ở trên là một trong những “phát đạn” bắn vào niềm tin của người hâm mộ. Ai đã bắn thì câu trả lời đã rõ.
Đâu chỉ khán giả mất niềm tin mà chính những người trong cuộc chơi cũng mất niềm tin, vấn đề là họ không nói ra. Một HLV ở V.League tâm sự với tôi là Thanh Hóa đã hết cửa vô địch, Cúp vô địch V.League 2017 sẽ thuộc về Hà Nội hoặc Quảng Nam.
Vị HLV này nói thẳng là Thanh Hóa đã “tự bắn chân” sau trận hòa Bình Dương. Thế nên, trận đấu ở Hàng Đẫy giữa Hà Nội và Quảng Nam kết quả ra sao cũng không còn quan trọng, vì đơn giản là “lọt sàng xuống nia”.
“Lọt sàng xuống nia” hiểu theo dư luận là Cúp đã trong tay bầu Hiển. Vậy nên, đừng trách người hâm mộ không tin, vì người trong cuộc từ lâu đã mất niềm tin!
Và cú 'áp phe' sau ngày hạ màn
Nếu có thêm một “cú áp phe” thì bóng đá Việt Nam rất dễ xảy ra cảnh “loạn”. Khi một cuộc hội thảo đã được chuẩn bị sẵn vào ngày mai với chủ đề: Tương lai bóng đá Việt Nam.
Không sớm không muộn thì cuộc hội thảo diễn ra ngay sáng mai, tức ngay sau V.League 2017 hạ màn. Phải chăng họ đã dự tính được Cúp vô địch sẽ về đâu?
Cuộc hội thảo có động cơ gì thì phải chờ nó diễn ra như thế nào. Những ai sẽ có mặt để bàn về tương lai bóng đá Việt Nam, nhất là trong bối cảnh VFF vừa được Liên đoàn bóng đá châu Á ngợi khen. Khi năm 2018 có đến 6 ĐTQG tham dự VCK các giải đấu châu lục gồm: đội tuyển Futsal, tuyển nữ Việt Nam, U.16, U.19, U.23 và ĐTVN.
Bóng đá Việt Nam rõ ràng đang có những sự chuyển biến rất tốt từ mọi cấp độ. Nhưng không sớm không muộn họ lại chọn tổ chức hội thảo Tương lai bóng đá Việt Nam chỉ một ngày sau V.League 2017 kết thúc. Đó là một câu hỏi lớn.
“Một cú áp phe” giống như V.League 2012 rất dễ trở thành chủ đề nóng cho cuộc hội thảo vào ngày mai. Và mọi thứ được đẩy đi xa như thế nào thì khó tưởng tượng được, khi ngay cả cái tên “Tương lai bóng đá Việt Nam” cũng khiến cho nhiều người thấy… lo.
Lịch thi đấu vòng 26: