Từ chuyện Hữu Phước, hay nỗi buồn quá khứ
Câu chuyện cựu cầu thủ U23 Việt Nam - Từ Hữu Phước bị công an truy nã gây xôn xao trong những ngày qua. Hẳn nhiều người hâm mộ phải bất ngờ, bởi trung vệ từng tham dự ASIAD 10 đã trở thành cướp đường phố.
Bóng đá Việt Nam luôn sản sinh ra nhiều cầu thủ giỏi nhưng lối sống buông thả của một số ngôi sao đã góp phần tạo nên nỗi buồn cực lớn. Nhiều cầu thủ trong thế hệ vàng có rất nhiều tiền bạc nhờ đá bóng giỏi, tiếc rằng họ không biết gìn giữ và “đốt” một cách phung phí.
Từ hành trình khổ luyện để trở thành ngôi sao, đứng trên đỉnh cao về thành công lẫn tiền bạc, mỗi cầu thủ phải trân trọng sự nỗ lực của chính mình, tình cảm của người hâm mộ, nhưng họ không nghĩ như thế. Các cuộc ăn chơi, tiêu xài phung phí, thậm chí có đêm “đốt” lên đến vài trăm triệu là câu chuyện buồn về một số cầu thủ từng giúp ĐTVN vô địch AFF Cup 2008.
Ngoài ra, bóng đá Việt Nam cũng từng trải qua câu chuyện tiêu cực ở SEA Games năm 2005. Những ngôi sao như Văn Quyến, Quốc Vượng… bị dính chàm trở thành nỗi đau cho người hâm mộ bóng đá nước nhà.
Từ Hữu Phước, hay một số cầu thủ thuộc diện “hư” của thế hệ vàng là bài học lớn cho bóng đá Việt Nam. Vấn đề sâu xa là phần lớn các cầu thủ không được chỉ dạy từ nhỏ, hay biết cách giữ mình trước cám dỗ cuộc sống sau vinh quang.
Đến chuyện U23 Việt Nam
10 năm sau lứa Công Vinh, Quang Thanh, Như Thành…, bóng đá Việt Nam đang có một lứa cầu thủ xuất sắc. Những Công Phượng, Quang Hải, Xuân Trường, Văn Hậu, Văn Thanh, Đức Chinh, Văn Đức… đã trở thành niềm tự hào với ngôi Á quân U23 châu Á. Họ được ví như một sản phẩm hoàn hảo hơn rất nhiều so với các đàn anh, ít nhất là có một phông văn hóa sạch.
Sự khác biệt lớn là U23 Việt Nam được giáo dục rất tốt ngay từ nhỏ. Đa số cầu thủ được xem là con ngoan trò giỏi. Các cầu thủ HAGL của bầu Đức là ví dụ điển hình.
Bầu Đức từng có câu nói nổi tiếng: “Cầu thủ Việt Nam càng lớn càng mất dạy”. Thế nên, bầu Đức cương quyết làm đào tạo trẻ với tiêu chí văn hóa sạch, đạo đức sân cỏ là điều kiện quan trọng nhất, tức cầu thủ học văn hóa trước khi tập chơi bóng. Thậm chí, các cầu thủ HAGL được dạy về tiếng Anh rất tốt và đa số đều thi đậu Đại học.
Theo bầu Đức, các cầu thủ trẻ cần có một phông văn hóa tốt ngay từ nhỏ theo kiểu “dạy con từ thuở còn thơ” chứ không thể đợi lớn lên mới uốn nắn. Do vậy, các cầu thủ HAGL phải học có điểm số tốt mới được chơi bóng. Một cách làm khác biệt so với quá khứ.
Đó cũng là lý do vì sao nhiều người rất yêu mến “đám trẻ nhà bầu Đức” kể từ lúc trình làng vào cuối năm 2013. Họ trở thành hiện tượng nhờ chơi bóng giỏi, đá đẹp và cách hành xử trên sân hoàn toàn khác biệt trong bối cảnh V.League bị lên án vì đá xấu, đá láo, hay vấn nạn cá độ bóng đá…
Hơn hết, bầu Đức không chỉ xác định tư tưởng cho cầu thủ ngay từ nhỏ mà liên tục uốn nắn họ ở sân chơi V.League. Những án phạt nội bộ dành cho các cầu thủ HAGL được ông bầu phố Núi đưa ra là ví dụ thiết thực.
Từ “đám trẻ bầu Đức” đến U23 Việt Nam, có thể thấy lứa cầu thủ hiện tại xứng đáng được xem là “con ngoan trò giỏi” của bóng đá Việt Nam. Từ những Công Phượng, Xuân Trường, Văn Thanh đến Quang Hải, Văn Hậu, Tiến Dũng, Đức Chinh, Văn Đức… đều có cách ứng xử rất hòa đồng, lễ phép và không hề có hành động phản cảm trong mắt người hâm mộ.
Với một lứa cầu thủ giỏi thuộc diện “con ngoan trò giỏi”, phông văn hóa đá bóng sạch, U23 Việt Nam chắc chắn còn tiến bộ để đáp lại niềm tin của những người yêu bóng đá Việt Nam. Phía trước là mục tiêu ASIAD 18 và cuối năm là AFF Cup 2018, tất cả chờ đợi thầy trò HLV Park Hang Seo lập nên những chiến công lớn cho bóng đá nước nhà.