Ranh giới giữa người hùng và tội đồ
Trò chuyện với Saostar, tiền vệ Đỗ Duy Mạnh cho rằng người hùng và tội đồ là điều không thể nói trước trong bóng đá. Hôm nay họ được người hâm mộ ca tụng nhưng ngày mai có thể bị mắng chửi. Đó là một phần trong cuộc chơi của môn thể thao Vua, vì phần lớn bị chi phối bởi cảm xúc.
Phạm Xuân Mạnh là cái tên đầu tiên nếm cảm giác ấy. Ở trận đấu tranh siêu cúp quốc gia, Mạnh có pha phá bóng hụt khiến SLNA thua 0-1 trước Quảng Nam. Hậu vệ U23 Việt Nam bị xem là “tội đồ”, là tác nhân khiến đội bóng xứ Nghệ mất cúp.
Dẫu vậy, sau vài ngày thì Xuân Mạnh có bàn thắng ở AFC Cup 2018. Điều này giúp cho Mạnh nhận được sự ngợi khen và không ít lời tâng bốc liên tục xuất hiện.
Ranh giới giữa người hùng và tội đồ trong bóng đá thực sự rất mong manh. Đôi khi chỉ cần một khoảnh khắc có thể khiến cho cái nhìn của người hâm mộ khác đi.
Không chỉ là chuyện của U23 Việt Nam mà các ngôi sao hàng đầu thế giới cũng không thể tránh khỏi. Arjen Robben là ví dụ điển hình. Tiền vệ người Hà Lan đá hỏng phạt đền khiến Bayern Munich thua Chelsea ở trận chung kết Champions League 2012.
Thế nhưng, Arjen Robben từ “kẻ tội đồ” trở thành người hùng giúp Bayern Munich vô địch Champions League 2013. Anh là người ghi bàn thắng quyết định để “Hùm xám” thắng 2-1 trước Dortmund trong trận chung kết.
Vì vậy, vấn đề quan trọng là cầu thủ phải biết vượt qua những áp lực vô hình, kể cả lúc vinh quang lẫn thất bại. Bây giờ, các cầu thủ U23 Việt Nam cần phải tập cách sống chung với chuyện “người hùng và tội đồ” trong thời gian tới, khi trái bóng tròn chẳng thể nói trước bất kỳ điều gì.
Nỗi lo từ mác U23 Việt Nam
Sự thành công của U23 Việt Nam đã trở thành “hiện tượng” vượt ra khỏi phạm trù bóng đá. Những “người hùng” cũng được săn đón đến mức nghẹt thở. Ví dụ Đức Chinh bây giờ ra sân là có rất nhiều fan săn đón, ký đến mỏi tay.
HAGL cũng là một dẫn chứng cho từ “hiện tượng” U23 Việt Nam. Đội bóng phố Núi từng được săn đón rất lớn trong quá khứ nhưng hiệu ứng nhạt đi rất nhiều trong hai mùa bóng gần nhất. Bây giờ, “đám trẻ nhà bầu Đức” sốt trở lại trong mắt người hâm mộ. Họ đá giao hữu ở Bình Phước lập tức gây ra cảnh vỡ sân.
Ban lãnh đạo đội bóng phố Núi còn lo xa đến mức sẽ vỡ sân khi V.League 2018 khởi tranh. Đây là điều hợp lý khi HAGL từng xảy ra cảnh khán giả đứng ở đường biên xem trận mở màn gặp Khánh Hòa ở V.League 2015, do sức chứa sân Pleiku chỉ vào khoảng 11 nghìn chỗ ngồi.
Thế nhưng, một điều thiết thực cần nhìn nhận đúng là các cầu thủ U23 Việt Nam trở về CLB khả năng được trao suất đá chính là vì mác U23 Việt Nam. Lãnh đạo đội bóng cũng cần họ để làm hình ảnh cho CLB.
Thủ môn Bùi Tiến Dũng vốn dĩ chỉ xếp thứ 3 ở CLB Thanh Hóa, sau Bửu Ngọc và Thanh Thắng. Tuy nhiên, đội bóng xứ Thanh khó để Dũng ngồi ghế dự bị, vì hiệu ứng khán giả dành cho thủ môn này rất lớn. Thậm chí, Dũng không thi đấu thì Thanh Hóa rất dễ bị chỉ trích.
Cũng cần nhắc, phần lớn cầu thủ U23 Việt Nam trước khi gây tiếng vang ở sân chơi châu Á thì không có nhiều người được trao cơ hội ra sân thường xuyên. Riêng các cầu thủ HAGL là những người nhận được sự đặc cách lớn nhất, khi bầu Đức nhấc họ lên V.League từ năm 2015 và quyết tâm mài giũa để trưởng thành.
Tuy nhiên, lứa cầu thủ HAGL từng gây đình đám cũng có không ít người bị đào thải, hoặc không trưởng thành như kỳ vọng. Đông Triều, Văn Trường, Phan Thanh Hậu (cầu thủ từng được báo Anh xếp vào top 40 cầu thủ trẻ triển vọng của bóng đá thế giới)… là ví dụ.
Vì vậy, nếu các cầu thủ U23 Việt Nam không đả thông được tư tưởng và ngộ nhận về sự phát triển của bản thân thì cực kỳ nguy hiểm. Họ có thể bị thui chột một cách đáng tiếc sau ánh hào quang của một giải đấu.