Lịch sử bóng đá Việt Nam chưa bao giờ phải nhận thất bại trước Campuchia ở cấp độ các ĐTQG nhưng trang sử ấy đã thay đổi dưới thời HLV Hoàng Anh Tuấn. U18 Việt Nam thua U18 Campuchia 1-2 ngay tại sân Thống Nhất, qua đó rời giải U18 Đông Nam Á 2019 ngay từ vòng bảng.
Dưới góc độ thất bại của U18 Việt Nam trước Campuchia, có lẽ cần có một cái nhìn tổng quát để tìm ra nguyên nhân thay vì nghĩ rằng bóng đá Việt Nam đang tụt lại so với các đối thủ ở khu vực.
Hôm qua, sân Thống Nhất chứng kiến một hiện tượng lạ với nhiều lần khán giả ồ lên, vỗ tay tán thưởng các cầu thủ Campuchia. Vì họ nhìn thấy một thứ bóng đá hồn nhiên, tự tin và đậm chất kỹ thuật trong các lần phản công U18 Việt Nam. Hình ảnh này có lẽ gợi nhớ về lứa Công Phượng trong quá khứ.
Ngược lại, điều đáng thất vọng là các cầu thủ U18 Việt Nam không dám cầm bóng đột phá hay có những mảng miếng phối hợp bài bản để xuyên phá hàng thủ Campuchia. Liệu U18 Việt Nam có kém cỏi đến thế so với Campuchia?
Năm ngoái, U17 Việt Nam của HLV Đinh Thế Nam đánh bại Campuchia với cách biệt 5-0. Đáng nói, U18 Campuchia đã dùng chính nòng cốt lứa cầu thủ thảm bại trước U17 Việt Nam để đánh bại thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn.
Tháng 3 năm nay, U18 Việt Nam (đội tuyển chọn) được dẫn dắt bởi HLV Graechen đã giành chức vô địch U18 Quốc tế một cách thuyết phục. Lúc đó, U18 Việt Nam chơi phóng khoáng, tấn công nhịp nhàng, cầm bóng và dám chơi bóng trên nền tảng kỹ thuật chứ không phải đá theo kiểu rình rập, hay phất bóng dài.
Vậy điều gì khiến cho U18 Việt Nam thăng hoa dưới thời HLV Graechen thì bất ngờ chơi sa sút đến mức để cho “bại tướng” Campuchia đánh bại ngay tại sân nhà vào chiều ngày hôm qua?
Sự khác biệt này cần nói đến thành phần được HLV Hoàng Anh Tuấn chọn lựa có những thay đổi so với HLV Graechen. Người hâm mộ có lẽ nhận ra điều đáng thất vọng là nhiều cầu thủ U18 Việt Nam thiếu kỹ thuật cơ bản đến khó tin với những pha đỡ bóng bước 1 không tốt. Rất nhiều pha khống chế bóng bị lỗi dẫn đến các pha tấn công của U18 Việt Nam bị Campuchia ngăn chặn.
Như vậy, vấn đề nằm ở con người, không có những cá nhân tốt thì HLV trưởng rất khó thành công. Nhưng bóng đá Việt Nam nếu nhìn từ U17 dưới thời HLV Đinh Thế Nam và U18 được HLV Graechen dẫn dắt thì rõ ràng không hề thiếu nhân tài, chỉ khác biệt ở cách HLV Hoàng Anh Tuấn chọn người và lối chơi.
Nhà vô địch U17 Quốc gia là U17 Thanh Hóa có quyền đặt dấu hỏi: Vì sao Vua phá lưới Nguyễn Văn Tùng không được trao cơ hội? Hay U17 HAGL về thứ 3 chỉ có 1 cầu thủ trụ lại U18 Việt Nam, ngay đến nhạc trưởng Thanh Khôi cũng bị gạch tên…
Tất nhiên, HLV Hoàng Anh Tuấn là người “cầm lái” thì được toàn quyền quyết định chọn ai, gạch ai. Nhưng ít nhất bản danh sách chọn lựa của nhà cầm quân người Khánh Hòa có những tranh cãi. Không phải vì U18 Việt Nam thua Campuchia nên mới bị mổ xẻ, câu chuyện “quân anh, quân tôi” từng tranh cãi với việc U19 Đồng Tháp vô địch U19 Quốc gia nhưng không có cầu thủ nào được chọn vào U19 Việt Nam.
Hồi đó, HLV U19 Đồng Tháp nói đầy cảm thán: “U19 Việt Nam không có cầu thủ nào của Đồng Tháp thì cũng kỳ”. Người hâm mộ Đồng Tháp cũng không hài lòng với cách chọn quân của HLV Hoàng Anh Tuấn.
Bản danh sách cho các ĐTQG luôn là chủ đề tranh cãi nhưng HLV phải thuyết phục được bằng kết quả. Ngược lại, một sự thảm bại thì HLV phải chịu trách nhiệm về việc chọn quân. Thế nên, HLV Hoàng Anh Tuấn rút lui là một điều hợp lý, vì ít nhất HLV Graechen đã làm tốt hơn ở cấp độ U18 trong việc xây dựng lối chơi trên nền tảng các cầu thủ có kỹ thuật.