Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Nhật Bản - Kozo Takashima nói: “Bóng đá không có phép màu và điều kỳ diệu nào cả. Không có nền bóng đá nào có thể nhanh chóng phát triển và tạo ra sự đột biến nếu không có nền tảng tốt. Chắc chắn là không có điều kỳ diệu nào đâu.
Chúng ta luôn phải tập trung vào 3 nền tảng chính: Đào tào cầu thủ trẻ, bồi dưỡng cho các HLV và cơ sở vật chất. Bóng đá Việt Nam đang có nền tảng tốt, đó là lý do vì sao đội tuyển quốc gia của các bạn mạnh hơn, có nhiều thành tích tốt hơn thời gian qua”.
Từ chia sẻ của Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Nhật Bản - một người đứng đầu nền bóng đá số 1 châu Á mới thấy rằng bóng đá Việt Nam bây giờ còn nhiều khuyết điểm, cần có thời gian để phát triển toàn diện.
Đầu tiên, sự thành công của ĐTQG trong các năm qua có dấu ấn lớn nhất chính là thay đổi được khái niệm “xây nhà từ nóc”, tức có cuộc chuyển giao trong quá trình đào tạo trẻ theo xu hướng chuyên nghiệp. Ở đó, Học viện HAGL ra đời vào năm 2007 là một cột mốc lịch sử để nâng tầm và xây dựng nền tảng cho ĐTQG.
Sau U23 châu Á 2018, bầu Đức đã nói thẳng vào vấn đề của bóng đá Việt Nam trên Saostar, giống như Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Nhật Bản mới chia sẻ. Bầu Đức nói: “Không có phép màu nào cả. Không có thứ gì từ trên trời rơi xuống đâu. Tôi phải mất 12 năm đội mũ cối, vì từ ngày xây Học viện bóng đá HAGL thì bị nhiều người “ném đá” đủ các kiểu. Nhưng phải làm, vì không làm thì không thể thay đổi và không biết sai ở đâu để sửa cho phát triển...”.
Nên nhớ, bầu Đức xây Học viện bóng đá HAGL với kinh phí “khổng lồ”, hàng triệu cây cao su vào thời điểm sắp thu hoạch bị đốn đi, còn mất một số tiền lớn trả cho CLB Arsenal. Ông chủ CLB HAGL gạt bỏ lợi ích về kinh tế, quyết tâm tạo ra một cơ ngơi bóng đá hoành tráng ở Hàm Rồng (Gia Lai) và đào tạo cầu thủ theo mô hình của châu Âu.
Với CLB HAGL, cơ sở vật chất có thể nói bài bản nhất Việt Nam. Bầu Đức cho xây Học viện, xây lại sân Pleiku và có hệ thống nhiều sân tập ở Hàm Rồng. Đó là cách làm bóng đá bài bản, tử tế và có mục tiêu dài hạn.
Cùng làm bóng đá chuyên nghiệp nhưng nhiều đội bóng của Việt Nam thiếu tuyến trẻ, thiếu cơ sở vật chất và không có sự ổn định. Điển hình như CLB Hà Nội của bầu Hiển thường được nói về danh hiệu, hay có nhiều cầu thủ trẻ. Nhưng sự thật đội bóng Thủ đô sinh hoạt và tập ở VFF theo diện đi thuê, họ cũng chưa bao giờ có một thông báo tuyển sinh nào về đào tạo trẻ... Tuyến trẻ của Hà Nội FC ra đời là nhờ ngân sách nhà nước. Nơi đào tạo để cho CLB Hà Nội là Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Hà Nội thuộc Trung tâm huấn luyện thi đấu TDTT - Sở VHTT Hà Nội.
Nếu nhìn vào ba yếu tố chính để phát triển bóng đá như Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Nhật Bản chia sẻ, cơ sở vật chất chính là vấn đề nan giải của các CLB ở Việt Nam và ĐTQG. Nhiều đội bóng chỉ chăm phần ngọn nên thiếu sự bài bản. Ngay đến sân Mỹ Đình cũng bị chê xấu, xuống cấp...
Đúng hơn, bóng đá Việt Nam đang vận hành theo kiểu chạy theo thành tích, thiếu hành trình làm bài bản để phát triển. Sự khác biệt có thể nhìn qua câu chuyện HAGL đang “một mình một ngựa” làm bóng đá theo đúng con đường chuyên nghiệp, qua đó trở thành nơi cung cấp cầu thủ cho nhiều CLB ở Việt Nam. Theo một thống kê thì HAGL đã cho đến 13 CLB mượn quân, riêng CLB Hải Phòng vừa mượn 14 cầu thủ của bầu Đức.
Về chuyện bồi dưỡng HLV, đó thực sự là một câu chuyện khó cho bóng đá Việt Nam. ĐTQG chưa có HLV nào thành công, trừ tuyển nữ Việt Nam được dẫn dắt bởi HLV Mai Đức Chung. Có một sự nhầm tưởng lớn là HLV làm trẻ tốt thì được ca ngợi như “thiên tài”, nhưng bản chất của bóng đá chuyên nghiệp thì HLV giỏi phải khẳng định tài năng ở cấp độ chuyên nghiệp và ĐTQG. Xuyên suốt lịch sử bóng đá Việt Nam chưa có HLV nội nào đủ tầm tạo ra thành công với tuyển Việt Nam.
Và nhìn lại quá khứ, tuyển Việt Nam thành công khi có HLV giỏi thì nhờ công của bầu Thắng và bầu Đức. HLV Calisto được bầu Thắng “tặng” cho VFF. HLV Park Hang Seo được bầu Đức bỏ công ba lần sang Hàn Quốc mời về và chi tiền túi trả lương trong 2 năm đầu tiên.
Từ thành công của tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park Hang Seo đến lời nhận xét của Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Nhật Bản, mọi thứ cho thấy dấu ấn cá nhân của bầu Đức quá lớn, trong đó sự ghi nhận lớn nhất là ông chủ CLB HAGL có một hành trình dài cả một thập kỷ để thay đổi bóng đá Việt Nam.