Bóng đá Việt Nam đang liên tiếp chứng kiến những ca chấn thương đứt dây chằng. Đó là hệ quả của sự quá tải, mặt sân xấu cũng như y học thể thao chưa phát triển. Thế nên, bản thân cầu thủ phải biết giữ gìn đôi chân của chính mình sau khi bị chấn thương…
Nhắc về chuyện cầu thủ Việt Nam đứt dây chằng, người hâm mộ có lẽ không quên được Lê Công Vinh từng rơi vào bi kịch này. Nhưng Công Vinh chữa xong thì không bị tái phát, anh có thể chơi thứ bóng đá đỉnh cao đến lúc giải nghệ.
Nguyên nhân sâu xa là Công Vinh đứt dây chằng thì sang Bồ Đào Nha phẫu thuật. Công Vinh tập phục hồi rất kỹ và chấp nhận ngồi ngoài hơn 1 năm. Anh nhớ bóng đá nhưng không hề vội vàng tái xuất, phải chờ hồi phục hoàn toàn mới thi đấu.
Sự điều trị kỹ lưỡng cùng tâm lý vững vàng chính là bí quyết giúp Công Vinh không còn khổ sở vì chấn thương, dù từng phải phẫu thuật để nối dây chằng.
Lương Xuân Trường từng tiết lộ thần tượng Công Vinh, xem người đàn anh là hình mẫu để học hỏi. Đây có lẽ là thời điểm để Trường học Vinh trong quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi tái xuất vào giữa năm nay.
Xuân Trường cần phải có được thể trạng tốt nhất, chấn thương dây chằng hồi phục thật tốt thì hãy trở lại thi đấu. Vì nỗi lo tái phát là rất lớn khi anh đá ở vị trí tiền vệ trung tâm.
Bài học về mặt trái của chấn thương đứt dây chằng nếu vội vã tái xuất chính là Tuấn Anh, Đình Trọng, Phan Văn Đức. Tất cả đều gặp hệ luỵ lâu dài hoặc phải sớm nghỉ ngang vì tái phát chấn thương. Ví dụ Đình Trọng đang nghỉ thêm 3 tháng, bởi anh phục hồi sai cách.
Sự nghiệp cầu thủ sẽ khó tránh được chấn thương nhưng giữ gìn thế nào sau mỗi lần đen đủi là cực kỳ quan trọng. Xuân Trường cần học Công Vinh để tránh những vết xe đổ của những đồng đội kể trên.