Từ chuyện Khaisilk gắn mác “made in Trung Quốc”
Lụa Khaisilk - một thương hiệu “made in Vietnam” đẳng cấp mà nhiều du khách nước ngoài đến Việt Nam luôn tìm mua để làm quà, làm kỷ niệm. Còn người Việt luôn tín nhiệm rất cao khi thường chọn làm quà cho đối tác, hay các sự kiện quan trọng.
Tuy nhiên, Khaisilk đang dính scandal vì mua tơ lụa Trung Quốc về gắn mác Việt Nam. Vụ việc bắt nguồn từ một khách hàng phát hiện 1 chiếc khăn có 2 nhãn mác khác nhau: “Khaisilk made in Vietnam” và “made in China”.
Câu chuyện trở thành chủ đề nóng khi ông chủ Khaisilk thú nhận đã có gần 30 năm nhập hàng từ Trung Quốc về Việt Nam. Nguyên nhân là giữa những năm 90 thì ngành tơ lụa Việt Nam bị suy thái nên ông Khải buộc phải lấy hàng từ Trung Quốc để… phục vụ cho khách hàng.
Khaisilk bây giờ đang phải đối diện với cơn thịnh nộ lớn từ khách hàng. Và trong scandal này có điều đáng nói là người Việt đang tức giận vì cứ ngỡ mua được sản phẩm “made in Vietnam”, trong khi lại là hàng “made in China”.
… đến trọng tài “made in Vietnam”
Nói về “made in Vietnam” trong bóng đá thì người hâm mộ phải chạnh lòng, khi hầu hết trọng tài Việt Nam đều bị nhận định có chuyên môn kém, ngay cả những người được gắn mác trọng tài FIFA.
Trọng tài “made in Vietnam” tốt cho đến lúc này không nhiều. Tiêu biểu nhất là ông Võ Minh Trí, người vẫn được các Liên đoàn bóng đá nước ngoài thuê làm nhiệm vụ. Trọng tài FIFA này từng cầm còi ở giải bóng đá nhà nghề Trung Quốc, vòng loại World Cup, Olympic…
Nhưng ông Võ Minh Trí chỉ là trường hợp thiểu số, phần còn lại không có sự tín nhiệm từ người hâm mộ và các đội bóng. Tất cả đều ngán ngẩm khi nhắc đến trọng tài “made in Vietnam”, dù là những người được giải Còi vàng, mác FIFA.
Điển hình là trọng tài Nguyễn Trọng Thư từng được danh hiệu Còi vàng, nhưng sau sự cố ở sân Thống Nhất thì tiếp tục gây sốc với chuyện bị đánh rớt ở lượt về V.League 2017 do không đảm bảo thể lực.
Phó ban trọng tài Dương Văn Hiền từng ngao ngán nói: “Bản thân tôi cũng như các anh giám sát rất là buồn với kết quả đó, nhất là có 1 trọng tài FIFA không vượt qua được thể lực…”.
Mà đâu chỉ ông Thư khi các trọng tài ở V.League được gắn mác FIFA cũng bị người hâm mộ và các đội bóng chỉ trích. Trọng tài FIFA Nguyễn Hiền Triết được ví như “chuyên gia tạo tranh cãi” ở V.League, thậm chí ông còn tự nghĩ ra việc giơ bảng bù giờ 2 lần trên sân Long An ở mùa này.
Trọng tài FIFA Phùng Đình Dũng đã bị treo còi hết V.League 2016 sau khi tự nghĩ ra luật mới trong trận Khánh Hòa và Quảng Nam ở vòng 19. Ông Dũng không công nhận bàn thắng của đội chủ nhà vì chơi không fair play, dù điều này không nằm trong bất cứ luật cấm nào của FIFA.
Những sai sót của trọng tài “made in Vietnam” xảy ra một cách nghiêm trọng từ mùa giải này đến mùa giải khác nhưng vẫn chưa có biện pháp khắc phục triệt để. Hậu quả là các đội bóng và người hâm mộ hình thành tư tưởng mất niềm tin vào trọng tài nội, bất chấp có điều hành tốt, còn VPF buộc phải thuê trọng tài nước ngoài bắt các trận cầu quan trọng.
Nỗi khổ trọng tài “made in Vietnam” đang là nỗi lo tiềm ẩn của giai đoạn cuối V.League 2017. Khi vé rớt hạng chưa có chủ, còn cuộc đua vô địch rất nóng bỏng. Mọi sai sót của trọng tài nếu ảnh hưởng đến kết quả của các đội ở 2 nhóm kể trên có thể khiến cho giải đấu rất dễ “loạn”.
Tất cả cho thấy bóng đá Việt Nam cần lắm một cuộc cải tổ tận gốc để trọng tài “made in Vietnam” tìm lại niềm tin nơi người hâm mộ. Và thông điệp này cũ nhưng khó hiểu là chưa có ai đứng lên nhận trách nhiệm để thay đổi, hướng đến tương lai không còn tiếng chửi trọng tài ở V.League.