Đó là hậu tuyển Việt Nam không có 1 phút ra sân ở giải vô địch quốc gia Hà Lan (Eredivisie) trong bản hợp đồng mượn thời hạn 1 năm với CLB Heereenven. Đoàn Văn Hậu chỉ có vỏn vẹn thi đấu 4 phút cho Heenreenven ở Cúp quốc gia Hà Lan, cùng một số trận đấu ở đội dự bị.
Hẳn nhiều người phải nuối tiếc cho Đoàn Văn Hậu khi hoàn thành hợp đồng 1 năm với CLB Heereenven theo kết cục buồn kể trên, bởi giải đấu sớm kết thúc vì Covid-19. Điều đó vô tình khiến hậu vệ người Thái Bình chưa một lần được ra sân để thi thố tài năng ở Eredivisie. Thêm một nỗi lo là Đoàn Văn Hậu liệu có được CLB Heereenven giữ lại, hay phải trở lại Việt Nam? Kịch bản nào xảy ra thì Đoàn Văn Hậu cũng phải chịu thêm nhiều tháng “ngồi chơi xơi nước”, trước khi được thi đấu.
Câu chuyện của Đoàn Văn Hậu ở giải vô địch quốc gia Hà Lan đã chỉ ra một điều rằng: Cầu thủ Việt Nam vẫn chưa hội tụ đủ mọi thứ để sẵn sàng chinh phục châu Âu. Đó là thực tế, vì trước Văn Hậu thì Công Phượng chỉ có 20 phút thi đấu ở giải Bỉ, cùng 1 bàn thắng cho đội dự bị. Công Phượng may mắn hơn là được trao cơ hội thi đấu nhưng anh cũng sớm nhận ra khoảng cách lớn về trình độ, sau đó trở lại Việt Nam thi đấu cho CLB TPHCM.
Một phép so sánh rất đơn giản, Công Phương dự bị xuyên suốt ở Bỉ nhưng trở về Việt Nam thì lập tức ghi liền 2 bàn thắng ở AFC Cup 2020 cho CLB TPHCM. Đây là bài học lớn dành cho Đoàn Văn Hậu trước những sự chọn lựa cho tương lai.
Bất kỳ người hâm mộ Việt Nam nào cũng đều mong muốn thấy những Công Phượng, Đoàn Văn Hậu chơi tốt ở châu Âu. Nhưng giấc mơ và thực tế rõ ràng cách khoảng cách rất lớn. Rào cản không chỉ là chuyện chuyên môn, còn là ngoại ngữ, văn hóa và sự thích nghi.
Có lẽ, những người làm bóng đá Việt Nam cần nghiêm túc nhìn về “giấc mộng hoa” cho những cầu thủ Việt Nam ra châu Âu. Bước đi đầu tiên cần xuất phát từ những sân chơi ở các nền bóng đá hàng đầu châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, sau đó mới tính đến châu Âu.
Ở đó, sự kỳ vọng của người hâm mộ cũng có một tiếng nói rất quan trọng với các cầu thủ Việt Nam được xuất ngoại. Chúng ta hãy ủng hộ cầu thủ một cách tuyệt đối, đừng có những đòi hỏi phi lý bằng cách chê bai hay “ném đá” trên mạng xã hội theo cách phải lập tức được ra sân chơi bóng.
Công Phượng là ví dụ. Ngôi sao của HAGL sang Bỉ chơi bóng thì nhiều ý kiến liên tục chê, thậm chí cả những quan điểm khuyên anh nên sớm về Việt Nam… Tất cả chẳng giúp được gì cho Công Phượng, chỉ tạo thêm sự áp lực rất lớn và vô tình đẩy Công Phượng chìm trong “sự khủng hoảng” của chính anh.
Cũng thấy được Công Phượng đã có một ý chí lớn như thế nào trong những lần xuất ngoại. Anh thất bại rồi tiếp tục cuộc hành trình. Tất cả là hiện thân cho sự khát khao của một cầu thủ Việt Nam muốn vượt lên chính mình, tạo tiền đề cho những cầu thủ Việt Nam tiếp bước.
Với Đoàn Văn Hậu, gần một năm ở Hà Lan cũng phản ánh rất rõ sự quyết tâm, nỗ lực vươn lên. Sau quãng thời gian đầu tiên có người kèm cặp thì Văn Hậu học thêm ngoại ngữ, tự lập nơi đất khách quê người, tự thích nghi với mọi thứ. Văn Hậu chưa được ra sân ở giải vô địch quốc gia Hà Lan nhưng cần ghi nhận sự nỗ lực, thay vì chê bai chuyện không có nổi 1 phút đá ở Eredivisie.
Mọi sự phán xét, phê phán đều rất dễ nếu nhìn vào bề nổi và kết quả, nhưng khó khăn nhất là hành trình dài để đi đến thành công. Hy vọng rằng sau những Công Phượng, Văn Hậu thì bóng đá Việt Nam sẽ rút ra được những bài học, qua đó có những cầu thủ tiếp theo sang châu Âu chơi bóng.