CLB Cần Thơ từng được ví như “công tử Bạc Liêu” ở V.League. Những bản hợp đồng tiền tỷ như Bửu Ngọc (6,6 tỷ), Lê Văn Thắng… cùng một loạt ngoại binh số má được tậu về. Bên cạnh đó, đội bóng xứ Tây Đô thay quân như thay áo, mượn quân cũng không cần suy nghĩ phải chi bao nhiêu tiền, chi thế nào hợp lý…
Thế nhưng, đó là chuyện ở thời HLV Vũ Quang Bảo, còn Cần Thơ lúc này đang trong hình hài “công tử Bạc Liêu” hết tiền, có cả thông tin là nợ tiền. Vì sau những mùa lên V.League thì đội bóng Tây Đô lúc này chỉ sống dựa vào công ty xổ số kiến thiết Cần Thơ, tiền từ ngân sách nhà nước.
Nhiều người bảo vui bây giờ nhìn từ sân vận động Cần Thơ sang bên đối diện có trụ sở công ty cổ phần bóng đá Cần Thơ nhưng chỉ là… 1 thành viên. Bởi không có doanh nghiệp nào muốn chung tay làm bóng đá với đội bóng xứ Tây Đô. Nguyên nhân đến từ nhiều lý do, trong đó quan trọng nhất là họ vào làm để nhận lại được gì, bài toán này không có lời giải.
Do vậy, thành tích của CLB Cần Thơ ở mùa bóng 2018 cũng đang mang đến một ngạc nhiên lớn. Vì đội bóng sống trong cảnh túng thiếu, không mua sắm cầu thủ giỏi, thậm chí mất một số trụ cột, nhưng thi đấu ấn tượng và đẹp mắt hơn so với những năm trước. Phần lớn công sức ấy thuộc về HLV Đinh Hồng Vinh và toàn đội luôn động viên nhau thi đấu.
Sở dĩ nói thế, vì không có tài cầm quân của “tướng” Vinh và tinh thần của toàn đội thì Cần Thơ có lẽ đang nằm ở vị trí lo rớt hạng. Bởi chuyện tiền bạc của đội bóng Tây Đô thuộc diện nan giải. Họ đá hòa sân khách được thưởng 50 triệu, hòa sân nhà 0 đồng. Trận thắng gần nhất trên sân khách trước CLB Sài Gòn, cả đội có 200 triệu tiền thưởng.
Nhẩm con số tiền thưởng với thành tích 7 trận hòa và 2 trận thắng sau 11 vòng đấu không bằng 1 trận thắng của CLB TP.HCM, hay các đội bóng nhà giàu khác ở V.League 2018.
Dẫu vậy, cơ chế tiền thưởng thấp chỉ là vấn đề thứ yếu của CLB Cần Thơ vào lúc này. Nỗi lo xa hơn là “vết xe đổ” như CLB Đồng Nai ở V.League 2015.
Bóng đá Việt Nam lúc này khó có đội bóng nào dám tuyên bố có thể tự nuôi chính mình, còn những đội bóng yếu thì gối đầu tiền bạc theo từng mùa, tức họ nợ tiền bạc để bù đắp kinh phí cho mỗi mùa giải. Đồng Nai là một ví dụ cho nghịch cảnh ấy.
Cần Thơ lúc này nếu không thay đổi, không có một cái nhìn khác từ những người làm bóng đá thì chẳng khác nào “củi tươi đốt dưới lò”. Bi kịch mang tên Đồng Nai của ba năm trước là bài học, nhưng cũng có thể khiến Cần Thơ đạp lên vết xe đổ mà không biết cách nào thoát ra.
Vậy nên, bóng đá xứ Tây Đô đừng để “vết dầu loang” đến mức không kịp trở tay. Mong rằng, Cần Thơ mùa này không rơi vào nghịch cảnh: “Đừng thấy khai trương tưng bừng mà vội vui, vì đóng cửa lúc nào không hay”!