Sự chênh lệch quá lớn giữa các nền bóng đá trong khu vực
Suốt 2 thập kỷ qua, kể từ khi FIFA tăng số lượng đội tuyển tham dự World Cup lên con số 32, người ta không khó để dự đoán trước những cái tên đại diện cho châu Á. Thậm chí, xác suất dự đoán có thể lên đến 100%.
Những cái tên thường xuyên góp mặt có thể kể đến như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Saudi Arabia, Iran. Khi Australia gia nhập Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC), đội bóng xứ Kangaroo cùng 4 đội bóng kia góp mặt thường xuyên tại sân chơi lớn nhất hành tinh.
Có chăng, chỉ đôi lần, những đội tuyển như Trung Quốc hay Triều Tiên mới chen chân vào nhóm đội bóng thường xuyên. Nhưng họ cũng chỉ trở thành những đội tuyển lót đường tạo cơ hội kiếm điểm cho những đội bóng khác ở World Cup.
Ngoài 2 nền bóng đá có sự phát triển vượt bậc như Nhật Bản, Hàn Quốc, 3 nền bóng đá như Australia, Saudi Arabia, Iran cũng chẳng tiến bộ hơn là bao trong những năm qua. Sở dĩ, những đội tuyển này thường xuyên được góp mặt bởi trình độ giữa các nền bóng đá trong khu vực quá ư chênh lệch.
Đơn cử như so với nền bóng đá khu vực Nam Á, Đông Nam Á, những đội bóng đến từ khu vực Đông Bắc Á, Trung Đông bao giờ cũng vượt trội hơn hẳn. Thậm chí, chuyện những đội bóng Nam Á, Đông Nam Á thường xuyên bị phơi áo trước những đội bóng Đông Bắc Á, Trung Đông từ năm này qua năm khác trở thành chuyện hết sức bình thường.
Chẳng phải những nơi thuộc “vùng trũng” trong nền bóng đá châu Á không có sự tiến bộ. Đơn cử như Thái Lan, nền bóng đá xứ chùa vàng cũng có những bước phát triển. Nhưng cũng chỉ giúp họ “làm vua” một vùng Đông Nam Á. Thực chất, cách biệt so với các đội bóng khu vực khác cũng không thu hẹp được bao nhiêu.
Ngoài những yếu tố về chuyên môn, điều kiện phát triển bóng đá, nền tảng thể lực hết sức chênh lệch tạo ra trở ngại quá lớn để những đội bóng nằm trong “vùng trũng” bắt kịp được với những đội bóng cùng khu vực.
Hãy nhìn sang khu vực CONCACAF, một ông lớn như đội tuyển Mỹ cũng phải nhường vé dự World Cup cho đội tuyển Panama. Hay khu vực Nam Mỹ, khoảng cách giữa các đội bóng ngày càng thu hẹp. Trừ đội tuyển Venezuela, Bolivia, bất cứ những đội bóng nào còn lại ở Nam Mỹ cũng có khả năng giành vé dự World Cup. Ở châu Phi, trình độ giữa các nền bóng đá cũng ngày một rút ngắn dần.
Rõ ràng, so với những khu vực khác trên thế giới có số lượng đội bóng tham dự tương đương, cách biệt trình độ giữa các đội bóng thường xuyên tham dự World Cup ở châu Á quá lớn so với phần còn lại trong khu vực. Chính vì vậy, những đội bóng này chưa có được những thử thách đủ lớn để tạo ra những bài test hiệu quả nhằm đánh giá một cách khách quan nhất về sự phát triển.
Yếu tố con người
Một trong những yếu tố làm nên thành tích của một đội tuyển quốc gia tại những giải đấu lớn chính là yếu tố con người. Những cá nhân kiệt xuất sẽ tạo ra những sự đột biến trong những trận đấu cần thiết. Đặc biệt, họ giúp cho các HLV định hình lối chơi nhằm xây dựng một chiến thuật phù hợp xoay quanh mình.
Các đội bóng châu Á dường như không được đánh giá cao về yếu tố con người. Họ không có được những ngôi sao đủ sức cạnh tranh với các đội bóng khác trên thế giới. Nhìn vào danh sách cầu thủ các đội dự World Cup lần này, nhiều người sẽ nhận thấy cơ hội đạt thành tích cao dành cho họ dường như không nhiều.
Đội tuyển Nhật Bản có lẽ là đồng đều nhất trong số những đội bóng châu Á còn lại về số lượng cầu thủ thi đấu ở nước ngoài khá nhiều. Có thể dễ dàng kể đến như Shinji Kagawa, Keisuke Honda, Nagatomo, Shinji Okazaki, Hiroki Sakai, Gaku Shibasaki….
Sức mạnh của đội bóng xứ phù tang dựa vào chủ yếu những Kagawa, Honda. Thế nhưng, những ngôi sao đội tuyển Nhật Bản cũng rất khó làm nên những sự đột biến. Trong khi Kagawa trở thành cái bóng của chính mình sau khi rời Man Utd thì Honda đang “dưỡng già” ở Mexico. Vì vậy, sẽ thực tế hơn nếu đặt chỉ tiêu vượt qua được vòng bảng dành cho các “Samurai”.
Một đội bóng đáng chú ý khác ở châu Á là Hàn Quốc. Khác với Nhật Bản, Hàn Quốc sở hữu một Son Heung - min thuộc đẳng cấp thế giới. Mùa giải vừa qua ở giải Ngoại hạng Anh, khán giả chết mê chết mệt trước cái cách chàng tiền đạo CLB Tottenham làm khổ sở không biết bao nhiêu hậu vệ nổi tiếng thế giới. Không ngoa khi nói rằng, Son đang trở thành ngôi sao số 1 châu Á hiện nay.
Tuy nhiên, anh trở thành cái tên đáng chú ý duy nhất bên phía đội tuyển Hàn Quốc. Những cầu thủ còn lại đa số chơi bóng trong nước hoặc thất nghiệp như Ki Sung-yueng. Một cánh én khó làm nên nổi mùa xuân. Huống hồ, ở đội tuyển quốc gia, Son sẽ không có những vệ tinh đình đám bên cạnh như ở Spurs.
Tình cảnh đội tuyển Australia còn bi đát hơn 2 đội tuyển trên. Kể từ sau thời kỳ của thế hệ Mark Viduka, Harry Kewell, Mark Schwarzer, đội bóng xứ sở Kangaroo dường như đang cạn kiệt nhân tài.
Ngôi sao duy nhất họ trông chờ lúc này không ai khác ngoài một Tim Cahill đã 38 tuổi. Anh cùng thế hệ với những cái tên “một thời vang bóng” kể trên. Vậy đội tuyển Australia sẽ đi sâu tới đâu nếu chỉ hy vọng vào một cầu thủ đã xấp xỉ tứ tuần.
Những đội bóng còn lại là Iran và Saudi Arabia cũng chẳng có được một cái tên sáng giá đủ để người hâm mộ châu Á tin vào một thành tích khả quan ở World Cup 2018.
Nhìn vào yếu tố con người, cơ hội dành cho những đại diện châu Á dường như không nhiều.
Cơ hội nào cho những đội bóng châu Á?
Trong những kỳ World Cup gần đây nhất, thành tích của các đội bóng châu Á không được tốt. Thậm chí, tại kỳ World Cup 2014 gần đây nhất, không có nổi một đội bóng châu Á nào vượt qua được vòng bảng.
Thành tích tốt nhất đối với một đội bóng châu Á chính là vị trí thứ 4 của đội tuyển Hàn Quốc năm 2002. Họ lần lượt vượt qua những ông lớn như Italia, Tây Ban Nha. Nhưng thành tích đó phần nhiều do sự may mắn cũng như có bàn tay giúp đỡ từ các trọng tài. Đó cũng trở thành khoảnh khắc vinh quang duy nhất của họ ở các kỳ World Cup. Rời sân nhà, họ liên tục bị loại từ vòng bảng những kỳ World Cup sau đó.
Xét về thành tích ổn định nhất tính đến lúc này trong các đội bóng châu Á, Nhật Bản xem ra là tốt hơn cả. Họ thi đấu đúng thực lực cũng như trình độ mình đạt được. Kể từ khi vượt qua vòng bảng năm 2002, họ lặp lại thành tích này một lần nữa vào năm 2010.
Đội tuyển Australia cũng một lần vượt qua vòng bảng vào năm 2006. Còn trong những kỳ World Cup gần đây 2 đội tuyển Iran, Saudi Arabia đều bị loại ngay từ vòng bảng.
Những con số trong lịch sử các vòng chung kết World Cup phần nào đánh giá đúng thực trạng nền bóng đá châu Á. Bởi vậy, không nên quá kỳ vọng vào một thành tích quá may mắn như Hàn Quốc đạt được năm 2002.
Đặc biệt, nếu nhìn vào các bảng đấu những đội bóng châu Á góp mặt ở World Cup 2018, thật khó để tin vào một thành tích cao hơn các kỳ World Cup trước đây của họ.
Đội tuyển Saudi Arbia nằm cùng bảng với đội chủ nhà Nga, Uruguay, Ai Cập. Chỉ có một phép lạ mới giúp họ vượt qua vòng bảng bởi sự chênh lệch quá lớn về trình độ so với những đội còn lại trong bảng đấu.
Đội tuyển Australia cũng không khá hơn là bao khi họ sẽ phải đụng độ với ứng cử viên vô địch Pháp rồi Peru, Đan Mạch. Những đội bóng này đều nhỉnh hơn hẳn đoàn quân của HLV Bert van Marwijk.
Đội tuyển Hàn Quốc thì phải đối đầu với đương kim vô địch đội tuyển Đức cùng các đội Mexico, Thụy Điển. Cửa đi tiếp dành cho họ cũng không sáng sủa là bao.
Đội tuyển Iran càng bi đát hơn, họ đụng phải 2 ứng viên vô địch là Tây Ban Nha cùng Bồ Đào Nha ở vòng bảng. Chỉ có phép lạ mới giúp họ có được tấm vé đi tiếp.
Dễ thở nhất trong số các đội bóng châu Á tại World Cup 2018 chính là đội tuyển Nhật Bản. Họ nằm cùng bảng với đội tuyển Ba Lan, Colombia, Senegal. Những đội bóng này thuộc tầm trung bình của nền bóng đá thế giới. Do đó, hy vọng vượt qua được vòng bảng đối với Nhật Bản hoàn toàn khả dĩ.
Nhìn vào tổng thể tương quan lực lượng cũng như bảng đấu ở kỳ World Cup 2018, thành tích tốt nhất một đội bóng châu Á có thể vươn tới vẫn chỉ là vượt qua được vòng bảng. Thành tích này được xem như hợp lý nếu xét về mọi yếu tố cũng như trình độ từ những đại diện châu Á.