Sau 10 năm, bóng đá đỉnh cao vắng bóng 10 ông bầu
Ai đó từng hỏi rằng: Đời người có được mấy lần 10 năm? Bởi 10 năm là khoảng thời gian đủ dài để đời người nhìn lại biến cố, thăng trầm, cũng như gặt hái được những gì sau hành trình lao động miệt mài.
Với bầu Đức, sự cống hiến của ông với bóng đá Việt Nam thật sự đáng để nể phục khi có đến 2 lần 10 năm nhìn lại với tình yêu bóng đá. Đó là một hành trình độc nhất vô nhị của bầu Đức nếu nhìn ở khía cạnh bóng đá, tình yêu và cống hiến, bởi không có ai làm được như bầu Đức.
Nhìn lại hành trình 10 năm của bóng đá Việt Nam để thấy được giá trị lớn lao về câu chuyện bầu Đức tròn 20 năm gắn bó với bóng đá. Tính từ năm 2010 đến nay (10 năm), bóng đá nước nhà chia tay một loạt ông bầu như bầu Long, bầu Thọ, bầu Thụy, bầu Thủy, bầu Tuấn, bầu Trường, bầu Tiến Anh, bầu Kiên, bầu Quyết. Ngay đến bầu Thắng bây giờ cũng không còn mặn mà với sân chơi chuyên nghiệp, chỉ tham gia đóng góp sự phát triển của bóng đá phong trào, còn CLB Long An chưa hẹn ngày trở lại V.League.
Sau một thập kỷ, bóng đá Việt Nam nhìn từ nhiều khía cạnh khác nhau đã vắng bóng 10 ông bầu ở sân chơi đỉnh cao. Nhưng bầu Đức vẫn miệt mài cống hiến. Ông chủ CLB HAGL kết thúc 10 năm đầu tiên đóng góp là giai đoạn 2001 - 2009. Bây giờ, bầu Đức tiếp tục kết thúc 10 năm lần thứ 2 (2010 - 2019) và tình yêu dành cho bóng đá vẫn chưa bao giờ vơi đi, thậm chí càng mãnh liệt và khát vọng cống hiến vẫn như thuở ban đầu.
Nói ví von thì bầu Đức ngày đầu đến với bóng đá giống như một chàng trai yêu mãnh miệt, cháy bỏng với những ấp ủ lớn lao. Bây giờ, bầu Đức đã bạc mái đầu vẫn đong đầy tình yêu dành cho bóng đá. Chỉ có sự khác biệt là tình yêu của bầu Đức dành cho bóng đá theo cách riêng, không còn chạy theo thành tích cho CLB HAGL mà dành tất cả cho ĐTQG.
2 lần 10 năm của bầu Đức: “Đầu tàu” của cả nền bóng đá
Năm 2001, bầu Đức bắt đầu tài trợ cho đội bóng Gia Lai. Bầu Đức dốc toàn bộ tâm huyết và tiền bạc biến CLB HAGL trở thành số 1 Việt Nam với cú hích đầu tiên mang tên “bom tấn” Kiatisak. Một phi vụ gây chấn động của Đông Nam Á. Lịch sử bóng đá Việt Nam chỉ có bầu Đức dám nghĩ và dám làm như thế. CLB HAGL cũng nhanh chóng trở thành số 1 Việt Nam với 2 chức vô địch V.League liên tiếp.
Bầu Đức đi hết chặng đường 5 năm với CLB HAGL bằng sự thay đổi mang tính lịch sử cho bóng đá Việt Nam: Bắt tay CLB Arsenal cho ra đời Học viện bóng đá HAGL - Arsenal - JMG vào năm 2007.
Kể thêm, năm 2008 thì bầu Đức hỗ trợ cho tuyển Việt Nam trong hành trình đến ngôi vô địch AFF Cup. Thời đó, bầu Thắng có công lớn khi “tặng” HLV Calisto nhưng bầu Đức cũng đóng góp bằng chuyện lo ăn tập cho tuyển Việt Nam.
10 năm đầu tiên có thể nói bầu Đức đã tạo nên sức bật cho V.League và đặt nền móng cho bóng đá Việt Nam. Ở đó, bầu Đức cho thấy được sự khác biệt trong cách làm bóng đá, tầm nhìn và tâm huyết của một người Việt Nam nghĩ đến những điều lớn lao.
10 năm tiếp theo của bầu Đức thực sự thay đổi rất lớn về giá trị cống hiến. Từ tiền đề của 10 năm đầu tiên, bầu Đức giúp cả nền bóng đá Việt Nam hồi sinh với lứa Công Phượng được trình làng vào cuối năm 2013. Sân chơi V.League từ cảnh chợ chiều với những khán đài trống vắng đã được lấp đầy nhờ hiệu ứng mang tên U19 HAGL. Lứa Công Phượng đi đến đâu thì các sân vận đồng gần như phải lo cảnh bị “vỡ” vì rất nhiều người yêu mến.
Bầu Đức cũng dũng cảm đưa cả lứa Công Phượng lên thi đấu ở V.League 2015. CLB HAGL có thể bị chịu thiệt thòi về thành tích nhưng V.League đã được “cứu”, còn các ĐTQG hưởng lợi rất lớn khi bầu Đức xác định cho các cầu thủ trẻ thi đấu để trưởng thành, qua đó cống hiến cho bóng đá Việt Nam.
Đi kèm với lứa cầu thủ tài năng, bầu Đức mang HLV Park Hang Seo về Việt Nam vào năm 2017. Bầu Đức giữ đúng lời hứa lo cho ĐTQG đến khi thành công. Bóng đá Việt Nam thực sự thành công vang dội với Á quân U23 châu Á 2018, bán kết ASIAD 18, tứ kết ASIAN Cup 2019, vô địch AFF Cup 2018 và giành HCV SEA Games 30.
10 năm qua của bóng đá Việt Nam (2010 - 2019), bầu Đức chính là người đóng góp nhiều nhất, có công lớn nhất để tạo nên sức bật cho cả một nền bóng đá, từ cảnh “cài số lùi” sau AFF Cup 2008 đến những đỉnh cao lịch sử.
“Người tình” và “nặng tình” của bóng đá Việt Nam
Như ở phần đầu tiên khi nói đến chuyện 10 ông bầu lần lượt rời bóng đá đỉnh cao sau 10 năm qua theo các cách khác nhau, chuyện đến và chia tay trong bóng đá là bình thường. Vì sân chơi chuyên nghiệp đòi hỏi rất nhiều thứ chứ không chỉ đơn giản là có nhiều tiền. Nhưng điểm mấu chốt là phải yêu, “yêu như một người tình” thì mới gắn bó được suốt 20 năm như bầu Đức.
Bầu Đức yêu bóng đá đến mức có thể từ bỏ nhiều thứ nhưng bóng đá thì mãi gắn bó. Ví dụ một số ông bầu khi kinh tế đi xuống đã không còn tiếp tục cuộc chơi, hoặc nghỉ vì những bực tức từ sự thiếu sòng phẳng của bóng đá. Bầu Đức không chọn cách như thế, ông chọn sự phản biện và kiên trì vượt khó.
Có thời điểm tập đoàn HAGL của bầu Đức rơi vào cảnh vô cùng khó khăn nhưng ông không từ bỏ bóng đá. Bầu Đức vẫn quyết gắn bó đến cùng, thậm chí còn làm đầy tâm huyết với những câu chuyện để đời. Điển hình như trong bối cảnh kinh tế khó khăn thì bầu Đức vẫn “tặng” 400 triệu đồng để giải cứu Quế Ngọc Hải, sau đó tiếp tục mời HLV Park Hang Seo về Việt Nam với việc đứng ra trả 2 năm tiền lương.
Bầu Đức còn phản biện đến cùng với những người quản lý bóng đá Việt Nam trong việc bổ nhiệm HLV trưởng cho ĐTQG. Nếu không có tiếng nói của bầu Đức thì bóng đá Việt Nam đã không có HLV Park Hang Seo, bởi thời điểm đó thì một số ý kiến muốn HLV Hoàng Anh Tuấn lên dẫn dắt tuyển Việt Nam vào năm 2017. Bầu Đức “đấu” đến cùng, không nhượng bộ bằng những ý kiến chính xác và “đanh thép” nhất để chọn người tài cho ĐTQG.
Không có tiếng nói phản biện của bầu Đức thì bây giờ không biết được bóng đá Việt Nam sẽ như thế nào. Vì ai cũng thấy được HLV Park Hang Seo đã có công lớn như thế nào trong việc nâng tầm các cầu thủ Việt Nam, cũng như mang đến những thành công rực rỡ nhất.
Về giá trị tiền đề, hay đúng hơn là xây nền móng cho cả nền bóng đá, bầu Đức không chỉ đặt “viên gạch đầu tiên” là xây Học viện bóng đá HAGL - Arsenal - JMG mà còn tạo ra phông văn hóa cho bóng đá Việt Nam. Đó là thứ bóng đá đẹp, bóng đá vị nghệ thuật với lứa cầu thủ được cho ăn học tử tế, từ chuyện “tiên học lễ, hậu học bóng đá”. Cầu thủ của HAGL phải học văn hóa đến khi tốt nghiệp Đại học, giỏi ngoại ngữ, còn chuyện đá bóng giỏi là vế xếp sau.
Từ một suy nghĩ khác biệt, làm bóng đá tử tế và cống hiến đầy tâm huyết vì mục đích chung, bầu Đức góp phần lớn thay đổi diện mạo bóng đá Việt Nam từ chất và lượng. Đó là cả một kỳ công xứng đáng ghi vào trang sử bóng đá nước nhà với vai trò người kiến tạo.
Rõ ràng, bầu Đức vừa là người tình, người “nặng tình” khi yêu bóng đá và cống hiến theo đúng nghĩa “người đưa đò thầm lặng” trong 20 năm qua. Và thật sự vui mừng khi được chứng kiến bầu Đức đang tiếp tục cống hiến cho bóng đá nước nhà trong thập kỷ mới, qua đó bắt đầu câu chuyện 10 năm lần thứ 3 với tình yêu bóng đá.
Thật quá xứng đáng để hàng triệu người mộ trân trọng và cảm ơn bầu Đức - “người tình” của bóng đá nước nhà!