Arsene Wenger xứng đáng dừng lại trên đỉnh cao giống như Sir Alex Ferguson năm 2013. Rất nhiều người đã nói như vậy sau khi HLV người Pháp tuyên bố kế hoạch từ chức sớm vào cuối tháng 4. Tuy nhiên, chuyện đó không thể xảy ra. Cơ hội duy nhất của Pháo thủ mùa này là Europa League, và họ đã thua theo cách không thể bạc nhược hơn trên sân Atletico Madrid ở vòng bán kết.
Để rồi trận cuối cùng của Wenger ở Emirates trở thành buổi tri ân mang cảm xúc lẫn lộn. Số đông người yêu mến Arsenal vui mừng vì Wenger cuối cùng cũng ra đi, nhưng họ cũng cảm thấy tiếc nuối cho vị HLV 68 tuổi này. Ông rõ ràng xứng đáng có cái kết viên mãn hơn.
Trận đấu với Burnley tiếp tục thể hiện điều đó. Arsenal đẹp mắt trở lại trong ngày tinh thần được cởi bỏ. Nhưng chiến thắng của họ không phải điều đáng chú ý nhất. Tâm điểm vẫn là Wenger, với cách hành xử sang trọng nhưng giản dị. Ông muốn chia tay trong im lặng và tự nhiên. Kế hoạch tổ chức buổi tri ân hoành tráng của Arsenal bị dẹp bỏ.
Trước trận đấu nhiều giờ, Wenger đã tự mình đi bộ vòng quanh Emirates, ngắm lại từng hàng ghế, ngọn cỏ. Công trình này, ông đã đánh đổi bằng quá nửa sự nghiệp của mình. Không ai dám khẳng định Wenger sẽ trở thành “chuyên gia thất bại” hơn 10 năm qua nếu Arsenal không xây dựng sân vận động mới, to đẹp và hiện đại thuộc hàng top ở Anh.
Trước khi Emirates khởi công, Arsenal không nhất thiết phải bán những ngôi sao sáng nhất của họ. Trước khi chuyển đến Emirates, Pháo thủ cũng đủ tiềm lực để thuyết phục những cầu thủ hàng đầu, thậm chí từ chính các kình địch như Tottenham.
Trên thực tế, Arsenal đã cố gắng nâng cấp, mở rộng Highbury từ suốt những năm 1990 cho đến khi Wenger đến và mở ra giai đoạn thành công nhất lịch sử CLB. Sẽ không quá lời nếu nói Wenger chính là người đưa Arsenal trở thành thương hiệu tầm cỡ thế giới ở đầu thế kỷ 21. Đó là yếu tố quyết định giúp Pháo thủ được xây dựng sân vận động mới.
Khi kế hoạch xây dựng Emirates được đưa ra, họ đã gặp sự phản đối từ Cộng đồng liên minh SVĐ Islington (ISCA). Các khẩu hiệu phản đối được đưa ra trong mỗi cuộc họp báo của Wenger. Thế nhưng, Emirates vẫn được xây dựng nhờ thành công rực rỡ của Wenger. Sau khi dự án của Arsenal được cấp phép, Wenger tiếp tục tham gia trực tiếp và đóng góp ý tưởng thiết kế cho một số khu vực với mục đích chính là: phục vụ đội bóng.
Sir Alex Ferguson từng thừa nhận ông cảm thấy ghen tị với Wenger vì việc này. Theo ông, sẽ rất tuyệt vời nếu các HLV có thể xây dựng môi trường xung quanh theo ý mình, qua đó giúp công việc luôn đạt hiệu quả cao nhất. Cũng vì thế, bản thiết kế sân vận động mới mang đậm dấu ấn của Wenger. Bạn có thể thấy rõ điều này khi nhìn vào mặt sân của Emirates hiện tại.
Hơn bất cứ điều gì khác, Emirates là minh chứng cho tầm ảnh hưởng của Wenger với Arsenal và là “danh hiệu” thực sự ông mang về cho CLB này trong hơn 22 năm qua. Tất nhiên, sẽ quá cực đoan nếu nói Arsenal đi xuống chỉ vì xây dựng sân vận động mới. Kế hoạch ban đầu và các cộng sự tin tưởng Pháo thủ vẫn sống tốt và chỉ cần vài năm thắt chặt chi tiêu.
Ngay từ khi Emirates khởi công, Wenger đã bắt đầu toan tính nhiều hơn trên thị trường. Đáng tiếc cho HLV người Pháp và Arsenal, đó cũng là thời điểm bóng đá Anh cũng như châu Âu chuyển mình với dòng tiền lớn đổ vào từ các tỷ phú.Sau Chelsea, đến lượt Man City đổi chủ. Trong những năm đầu tiên dòng tiền nước ngoài đổ vào Premier League, Arsenal chính là đội chịu áp lực nhiều hơn cả.
Chelsea chỉ mất hơn 1 năm để đoạt chức vô địch từ chính Arsenal. Trong khi đó vào năm 2009, Man City đưa ra tuyên bố đầu tiên với việc chiêu mộ 2 ngôi sao tiềm năng nhất của Pháo thủ là Kolo Toure và Emmanuel Adebayor cùng một lúc. Ngoài ra, Arsenal cũng trở thành một trong những CLB đầu tiên bán tên sân vận động để trang trải nợ nần. Ngay từ khi chưa xây xong, sân vận động mới của họ đã mang tên hãng hàng không Emirates.
Sẽ không ai biết liệu Wenger có thể thành công đến đâu nếu không dồn hết tâm huyết vào Emirates. Trong cuộc phỏng vấn với BT Sport vào năm ngoái, HLV người Pháp thừa nhận: “Năm 2006, giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời tôi bắt đầu. Chúng tôi bị hạn chế tài chính, phải trả những khoản tiền khổng lồ và buộc phải bán những cầu thủ giỏi nhất nhưng phải ở lại đỉnh cao.
Chúng tôi phải ở lại Champions League và khiến ít nhất 54 nghìn người đến sân mỗi trận. Có rất nhiều cuộc tranh luận khi bạn bắt đầu xây dựng một SVĐ mới, liệu nó lớn đến mức nào? Rất đơn giản. Vào thời điểm đó, bạn phải chi ra 4 nghìn bảng cho 1 chỗ ngồi. Nhân số tiền đó với 60 nghìn, kết quả là 240 triệu bảng.
Ngoài ra, chúng tôi còn phải mua đất, chúng tôi phải mua mới tất cả mọi thứ. Tổng chi phí lên đến 420 triệu bảng. Chúng tôi phải trả khoản tiền khổng lồ hàng năm, và đó là lý do tại sao chúng tôi phải đảm bảo vị trí chơi ở Champions League. Với tôi, quãng thời gian từ 2006 đến 2014 là áp lực kinh khủng nhất. Nếu bạn hỏi tôi ngày nay rằng tôi có làm lại điều đó hay không, tôi sẽ nói: Không, hãy để cho người khác làm đi”.
Đáng tiếc vào thời điểm Arsenal có thể chi trả cho các cầu thủ như Mesut Ozil, Alexis Sanchez, thì Wenger đã tụt lại phía sau trong vai trò HLV đơn thuần. Quá nhiều công việc và áp lực từ Emirates khiến cho chiến thuật của Wenger gần như không được cải thiện trong suốt 1 thập kỷ, và sự yếu ớt của Arsenal là điều không thể tránh khỏi.
Chiến thắng 5-0 trước Burnley là lời chia tay đẹp với Wenger, nhưng mọi chuyện sẽ có ý nghĩa hơn nếu Arsenal và người hâm mộ họ dành cho ông sự tôn vinh đúng mức. HLV người Pháp đã hy sinh những năm tháng đẹp nhất sự nghiệp, giai đoạn có thể giúp ông trở thành một trong những HLV vĩ đại nhất, thành công nhất lịch sử bóng đá để đổi lại tương lai cho cả đội bóng…