Cứ học về là trốn đi đá bóng
Tối 15/5, cổ động viên bóng đá cả nước hân hoan vui mừng khi đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đánh bại Myanmar trong trận chung kết với 2 bàn không gỡ. Với chiến thắng này, tuyển nữ Việt Nam có lần thứ 8 giành huy chương vàng ở SEA Games.
Từ hiệp 2, Nguyễn Thị Thanh Nhã vào sân đã để lại dấu ấn đậm nét trong trận chung kết. Băng lên như một cơn lốc, Thanh Nhã bứt tốc một mình vượt qua hàng hậu vệ đối phương và tung cú dứt điểm từ xa tạo siêu phẩm “xé toạc” lưới đội tuyển Myanmar mang về chiến thắng 2-0 trước đối thủ.
Sáng 16/5, chúng tôi tìm về nhà cầu thủ Nguyễn Thị Thanh Nhã (SN 2001, tại Xã Dũng Tín, huyện Thường Tín, Hà nội), đi qua vài con ngõ nhỏ, chúng tôi đến được nhà nữ cầu thủ.
Căn nhà 2 tầng nằm gọn phía trong con hẻm nhỏ, trong nhà bà Vũ Thị Chi, mẹ của Thanh Nhã đang vận hành chiếc máy thêu vải, thấy chúng tôi đến, bà Chi niềm nở tươi cười, lộ rõ niềm hạnh phúc, hân hoan.
Thanh Nhã là con thứ 2 trong gia đình có 4 người con.
Từ khi mới học lớp 3, Thanh Nhã đã có niềm đam mê bất tận với trái bóng. Khi ấy, ở cạnh nhà có chị gái con nhà bác cũng đam mê bóng đá nên 2 chị em cùng nhau đi tập đá bóng. Sau này, người chị bỏ theo học vì đau chân.
“Cứ đi học về, cháu nó lại cho quả bóng vào giỏ xe trốn sang xã bên để học đá bóng. Ban đầu tôi cũng không thích đâu, vì cháu nhỏ hơn các bạn, thấy đá bóng cũng vất vả mà cháu lại là con gái.
Nhưng sau này thấy cháu đam mê quá nên gia đình cũng cho cháu theo đuổi đam mê”, chị Chi chia sẻ.
Đến năm lớp 7, Thanh Nhã được thầy giáo dạy bóng đá tự do ở xã bên đưa lên Hà Đông để học tập, theo sự nghiệp “quần đùi áo số”.
Khi Thanh Nhã đã lớn, gia đình thấy cô gái vẫn có đam mê cháy bỏng với trái bóng. Lúc ấy, bà Chi ngồi tâm sự với con: “Đá bóng vất vả như vậy, liệu con có theo đuổi được không. Lúc ấy, em nó bảo để con cố gắng, nó vẫn quyết đam mê với trái bóng”.
Cả tuổi thanh xuân gắn liền với quần đùi áo số
Xa gia đình từ năm lớp 7, Thanh Nhã cũng mang tính tự lập từ sớm. Gia đình Thanh Nhã có kinh tế thuộc dạng khá giả. Bố nữ cầu thủ làm mộc cách nhà khoảng 1km.
Bà Chi theo nghề thêu truyền thống, trước đây bà thêu tay thủ công ở xã khác, hiện gia đình mua máy móc thêu tự động về làm tại nhà cho thuận tiện.
“Từ lúc em có giải thì thi thoảng cũng ủng hộ gia đình. Em nó cũng hay gọi điện về quan tâm bố mẹ, hỏi han công việc trong gia đình. Nhã cũng ít nói, hành động nhiều”, bà Chi chia sẻ.
Là con gái nhưng theo sự nghiệp “quần đùi áo số” Thanh Nhã cũng có những thiệt thòi, bà Chi thấu hiểu điều đó.
“Trong đá bóng, cầu thủ nam thường sẽ được ưu đãi và quan tâm nhiều hơn cầu thủ nữ. Cầu thủ nữ tuy thành công nhưng sự ưu đãi và quan tâm cũng sẽ ít hơn nam nên mong các ban lãnh đạo và ban huấn luyện quan tâm hơn nữa để các em phần nào đỡ thiệt thòi”, bà Chi bọc bạch.
Lăn lộn trên sân cỏ trong những trận đấu khốc liệt, chấn thương là điều khó có thể tránh khỏi đối với các cầu thủ. Những lần thấy con chấn thương, bà Chi cũng như những người thân của Thanh Nhã đều vô cùng lo lắng.
“Phận làm cha làm mẹ, thấy con bị chấn thương thì xót chứ nhưng chỉ biết động viên con cố gắng vượt qua, nhanh chóng bình phục. Nhờ có ban huấn luyện, y bác sĩ chăm sóc nên những lần chấn thương Nhã đều phục hồi nhanh”, bà Chi nói.
Cả tuổi thanh xuân gắn liền với quần đùi áo số: “Trời nắng cũng ra chạy suốt ngày, da dẻ cứ xạm hết. Vừa rồi sang Campuchia mà nắng quá, Nhã gọi điện về, tôi nhìn mặt em thấy tróc hết cả da mặt.
Tôi hỏi vì sao thì em bảo do bên đó nắng quá. Cháu đá suốt ngày ngoài trời như vậy cũng không có nhiều thời gian nghỉ ngơi, là bố mẹ tôi cũng xót con.
Sở hữu nhan sắc xinh đẹp, Thanh Nhã được mệnh danh là hoa khôi trong đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam. Thế nhưng mỗi khi Nhã về đi đâu cũng mặc quần áo phông bình thường, ít khi váy vóc.
“Chỉ có đi đám cưới thì mặc váy cùng các chị em, Nhã cũng thường thích đơn giản, không điệu mấy đâu”, bà Chi cười nói.
Nhắc về thời điểm Nhã ghi bàn cho đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam vào tối 15/5, bà Chi cười tươi, vui vẻ nói: “Hôm qua cô dì chú bác, đến xem, gọi điện chúc mừng, gia đình phấn khởi mãi không ngủ được.
Khi cháu ghi được bàn thắng ở những phút cuối trận, chúng tôi vui lắm vì đó là trận chung kết. Tầm 12h đêm em gọi điện về, hỏi thăm bố mẹ, lúc đó em mới chuẩn bị đi ngủ.
Bố của Nguyễn Thị Oanh: 'Gia đình luôn ủng hộ con vì màu cờ sắc áo'
Gia đình cũng chưa chuẩn bị gì, đợi em về nhà, gia đình mới tính tiếp về việc ăn mừng”, bà Chi tâm sự.
Về tương lai, Thanh Nhã cũng nói với gia đình rằng thời gian tới sẽ tiếp tục đi học, vừa học vừa theo sự nghiệp bóng đá.
“Vừa rồi SEA Game thì cũng thành công rồi, tới đây World Cup chỉ mong sao cho các con vào được chung kết thành công và giành được những thành tích trong sân cỏ”, bà Chi gửi lời chúc đến đội tuyển nữ Việt Nam.
Mời đọc giả xem thêm: Cuộc sống hậu nghỉ chơi của bộ ba: Khoa Pug, Vương Phạm, Johnny Đặng