HLV Hoàng Anh Tuấn tự tin trước khi đụng Iran: "Mục tiêu chúng tôi đặt ra là có điểm trước Iran. Tôi có nói cầu thủ rằng, mục tiêu của chúng ta phải có căn cứ. Mục tiêu của chúng ta có khả thi. Trong cuộc họp chuyên môn, chúng tôi đã thống nhất mục tiêu phải có điểm trước Iran. Còn kết quả thế nào, tất cả chúng ta cùng chờ xem".
Thực tế, Iran chỉ cần 5 phút để mở tỷ số trận đấu và khép lại với chiến thắng 4-0. Nếu đối thủ tận dụng tốt hơn các cơ hội thì Olympic Việt Nam phải nhận thất bại nhiều hơn 4 bàn thua.
Nhà cầm quân người Khánh Hòa nói sau trận đấu: "Đây là trận đấu mà Iran hơn hẳn Việt Nam về mọi mặt, từ thể hình, kinh nghiệm đến tuổi tác".
Điệp khúc tuổi tác được HLV Hoàng Anh Tuấn nói từ giải U23 Đông Nam Á 2023 đến Asiad 19. HLV Troussier lấy lý do này như sự bào chữa cho những trận đấu thất vọng tại SEA Games 32. Nhưng bóng đá thế giới đã có bước tiến rất xa về chuyện so độ tuổi nói non kém. Thái Lan không còn đưa Suphanat Mueanta (21 tuổi) xuống đá Olympic bởi tiền đạo này ra nước ngoài thi đấu, thậm chí không đá AFF Cup 2022. Jamal Musiala (20 tuổi) sẽ không xuống đá cho U20 Đức bởi anh đã trở thành trụ cột của Bayern Munich và tuyển Đức. Bellingham (20 tuổi), Gavi (19 tuổi), Pedri (20 tuổi)... cũng tương tự. Không ai luận tuổi các cầu thủ kể trên để nói họ non kém kinh nghiệm, hay chờ thêm thời gian để trưởng thành. Ví dụ Bellingham đang là ngôi sao số 1 của Real Madrid.
Câu chuyện thể hình cũng thế. Nhật Bản sẽ không đá với Iran trong tư tưởng nói về thua thiệt thể hình. Argentina đá World Cup 2022 có thể hình đứng thứ 2 từ dưới tính lên nhưng vẫn vô địch đầy thuyết phục.
Một câu chuyện khác ngoài vấn đề thể hình và độ tuổi, đó là chuyên môn. 9 năm trước, U19 HAGL của lứa Công Phượng có độ tuổi 17 - 18 - 19 thắng U21 Thái Lan một cách thuyết phục. U21 Việt Nam cũng thua lứa Công Phượng. Đây là thời điểm lứa Công Phượng chưa có nhiều kinh nghiệm thi đấu và chưa được nhấc lên chuyên nghiệp.
Từ những ví dụ kể trên, vấn đề của Olympic Việt Nam là gì? Đó là trình độ không bằng đối thủ, còn thể hình hay độ tuổi chỉ là một phần nguyên nhân nhưng không thể xem như lý do chính khiến thua cuộc.
Tình cảnh của Olympic Thái Lan cũng giống Việt Nam. Thái Lan thua Hàn Quốc 0-4 với 4 lần bị thủng lưới trong hiệp 1. "Olympic Hàn Quốc có sự khác biệt quá lớn với cường độ thi đấu cao. Họ trừng phạt mọi sai lầm của chúng tôi trong tích tắc. Thái Lan có quá ít cơ hội ghi bàn trước đối thủ hàng đầu châu Á", HLV Issara Sritaro thừa nhận thua kém Olympic Hàn Quốc.
Nhìn từ màn trình diễn ở Asiad 19 của Việt Nam và Thái Lan, cả hai sẽ khó thực hiện tham vọng dự Olympic 2024. Lý do châu Á chỉ có 3,5 suất. Thái Lan và Việt Nam chưa cho thấy được trình độ tiệm cận top 4 châu Á nên rất khó cạnh tranh với Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran, Saudi Arabia. Những Iraq, Uzbekistan, UAE, Oman, Úc cũng nhỉnh hơn so với Thái Lan và Việt Nam.
Bốn đội Đông Nam Á từng dự Olympic
Đó là Indonesia (Olympic 1956), Malaysia (Olympic 1972), Myanmar (Olympic 1972) và Thái Lan (Olympic 1956 và 1968). Nhưng có thể thấy rằng, hơn nửa thế kỷ thì bóng đá Đông Nam Á không còn góp mặt tại sân chơi Olympic.
Hiện tại, tấm vé dự Olympic càng khó với bóng đá Đông Nam Á bởi môn bóng đá nam chỉ 16 đội tranh tài ở Olympic 2024. Châu Á có 3,5 suất thì cơ hội khó đến tay các đội có trình độ không thuộc top 5.