Polking biết tiếp thu và thay đổi
Nếu như Thái Lan đến Gelora Bung Karno (Indonesia) và Bukit Jalil (Malaysia) đá theo kiểu kẻ mạnh bằng cách kiểm soát bóng, tấn công dồn dập thì HLV Polking làm điều ngược lại ở sân Mỹ Đình. Polking có hai sự thay đổi đáng chú ý là Weerathep Pomphun, Poramet Arjviria đá thay Ekanit Panya và Bordin Phala. Đây là dấu ấn về chiến thuật của Polking trước tuyển Việt Nam.
Trước khi làm khách trên sân Mỹ Đình, Thái Lan đã ghi đến 9/16 bàn thắng đến từ hai cánh. Ekanit Panya và Bordin Phala là hai ngôi sao chơi cực hay trong trận bán kết lượt về với Malaysia. Cả ba bàn thắng của Thái Lan đều đến từ các miếng đánh ở hai biên, điển hình là tình huống Ekanit chuyền từ đáy biên phải cho Phala nâng tỷ số lên 2-0. Nhưng HLV Polking cho cả hai cầu thủ này dự bị trước Việt Nam. Thái Lan đá theo đúng nghĩa “biết người, biết ta”, dù kiểm soát bóng nhưng không đẩy cao đội hình mà đề cao sự an toàn.
Hai cầu thủ Weerathep Pomphun, Poramet Arjviria giúp cho Thái Lan gia tăng chất thép ở tuyến giữa. Họ còn hạn chế luôn khả năng tấn công hai biên của Việt Nam. Thái Lan có thời điểm chuyển từ sơ đồ 4 hậu vệ sang 3 trung vệ. Cách chơi của Thái Lan khá giống với Indonesia trong việc kiểm soát bóng ở 1/3 sân nhà nhưng mềm mại hơn nhờ giỏi kiểm soát quả bóng.
Hai bàn thua đầu tiên của Việt Nam là minh chứng cho việc chọn cách chơi đơn giản và an toàn của Thái Lan. Theerathon chuyền dài ra sau lưng Duy Mạnh để Poramet sút tung lưới thủ môn Văn Lâm. Indonesia đã làm được ít nhất 4 lần ở bán kết lượt đi nhưng không thể ghi bàn. Lý do các tiền đạo Indonesia dứt điểm kém và không bình tĩnh giống như Poramet. Chân sút Thái Lan phá bẫy việt vị và tỉnh táo loại Quế Ngọc Hải và lạnh lùng sút tung lưới Văn Lâm. Bàn thắng thứ hai của Thái Lan cũng đến từ nhãn quan cực tốt của Theerathon với đường chuyền xé toang hàng thủ Việt Nam, sau đó Sarach Yooyen dứt điểm quyết đoán hạ Văn Lâm.
Thật may cho tuyển Việt Nam là Ekanit Panya đã bỏ cơ hội ngon ăn ở phút 90 4. Đây là pha bóng mà Hùng Dũng chuyền sai và Ekanit Panya dốc bóng xuống đối mặt với Văn Lâm nhưng không thể ghi bàn. Vì kết quả 2-2 rõ ràng khác biệt xa so với tỷ số 2-3, lúc đó cơ hội vô địch của tuyển Việt Nam khó gấp đôi.
Trận hoà 2-2 trên sân Mỹ Đình không phải do Thái Lan tấn công hay mà HLV Polking chấp nhận đá cửa dưới, có chiến thuật hợp lý đề cao sự an toàn và tận dụng rất tốt sai lầm của tuyển Việt Nam. Màn trình diễn theo tư thế chiếu dưới cũng phản ánh HLV Polking nói thật với thừa nhận tuyển Việt Nam mạnh nhất AFF Cup 2022.
Ông Park mất kiểm soát so với Polking
Trong tư thế chấp nhận đá chiếu dưới, HLV Polking ra ngoài đường biên chỉ đạo cầu thủ chơi bóng, gần như tiết chế cảm xúc đến mức tối đa (thói quen nóng tính), chỉ tập trung vào chuyên môn. Polking rõ ràng hiểu được khó khăn rất lớn ở sân Mỹ Đình và tự thay đổi chính ông.
Ngược lại, HLV Park Hang Seo dường như mất kiểm soát với nhiều lần lao ra tranh cãi trọng tài. Ông Park còn vứt áo, ném thẻ sau trận đấu với ý định đi tìm trọng tài nói chuyện. Hình ảnh này của HLV Park Hang Seo chính là lăng kính thu nhỏ về màn trình diễn của tuyển Việt Nam trước Thái Lan: Thiếu tỉnh táo, thừa khát khao nhưng không có điểm nhấn để gia tăng sức mạnh tinh thần.
Trước trận đấu, ông Park nói rằng chỉ cần bắt Theerathon thì Thái Lan không còn đáng sợ. Phát biểu này có hai vấn đề để nói, một là sự tự tin chiến thắng của ông Park với suy nghĩ Việt Nam mạnh hơn Thái Lan, hai là chơi bài thao túng tâm lý đối thủ. Kết quả Theerathon có hai nhát kiếm xé hàng thủ Việt Nam và Thái Lan có 2 bàn. Đây là vấn đề sai lầm về việc lựa chọn con người và thói quen thay đổi của ông Park.
Duy Mạnh - Bùi Tiến Dũng - Quế Ngọc Hải đã mắc cả tá sai lầm ở bán kết lượt đi trước Indonesia. Thành Chung đá trận lượt về cực hay và Việt Nam thắng 2-0. Nhưng ông Park trở lại với lựa chọn Duy Mạnh đá chính trước Thái Lan và HLV Polking phản ứng bằng điều chỉnh trong hiệp 2 để diễn lại miếng đánh 1/3 sân của Indonesia, qua đó khai thác điểm yếu của Việt Nam.
Sự điều chỉnh của HLV Park Hang Seo là khó hiểu, ít nhất là nhìn vào chính thực tế và khó khăn của Việt Nam trước Thái Lan - có thể nói khá tương đồng trận hoà Indonesia 0-0. Ông Park đưa Việt Anh vào thay Duy Mạnh, dù trung vệ này không phối hợp tốt với Bùi Tiến Dũng - Quế Ngọc Hải. Sự thiếu ăn ý tạo ra khoảng trống chết người giữa Việt Anh - Tiến Dũng và Sarach phá bẫy việt vị để ghi bàn.
Thái Lan không tấn công hai cánh và chủ động chơi đá phòng ngự. Nhưng ông Park không điều chỉnh bằng những cầu thủ quấy phá tốt như Văn Quyết, Văn Toàn mà lựa chọn Phan Văn Đức, giữ Quang Hải đến gần hết hiệp 2. Đây là sự khó hiểu của ông Park khi Quang Hải và Phan Văn Đức từng “mất tích” trong trận bán kết lượt đi trước Indonesia.
Một vấn đề quan trọng khác là tuyển Việt Nam thi đấu với Thái Lan chẳng khác gì tính chất trận giao hữu. Lợi thế sân nhà không để đẩy lên cao trào, không có sự phản ứng mạnh mẽ theo đúng nghĩa trận chung kết. Sức nóng chỉ có vỏn vẹn 1 lần với màn tranh cãi vô nghĩa giữa Quế Ngọc Hải và Theerathon. Sự ảnh hưởng có thể đến từ việc Bùi Tiến Dũng, Hùng Dũng và Văn Hậu nhận một thẻ vàng ở bán kết, lo vắng mặt ở chung kết lượt về nếu nhận thẻ phạt trước Thái Lan.
Trước một Thái Lan không giỏi phòng ngự nhưng chấp nhận đá trái sở trường, tuyển Việt Nam đúng ra phải dồn ép đối thủ thay vì chơi theo kiểu chờ cực, đợi “voi chiến” tấn công để phản đòn. Nhưng tuyển Việt Nam không tạo ra được sức mạnh đúng nghĩa, không khiến cho đối thủ run sợ. Ngược lại, các cầu thủ Việt Nam đá theo kiểu “cóng chân” và suýt trả giá đắt trước một Thái Lan biết thu mình, có chiến thuật hợp lý.