“Quay trở lại thời điểm chúng ta mới bắt đầu vào năm 2018, có nghĩa là chúng ta quay trở lại với sự khởi đầu khiêm nhường, nhưng với những khát vọng và hoài bão lớn lao. Trở lại vị thế ban đầu để cho một khởi đầu mới là bài học tốt nhất cho đội tuyển Việt Nam. Ban huấn luyện, bao gồm cả tôi và tất cả những người có liên quan đến đội tuyển cần phải đổi mới tư duy của mình”, HLV Park Hang Seo nói.
Đó là phát biểu rất hay để nói về tinh thần của HLV Park Hang Seo. Dù rất thành công nhưng sau một thất bại thì ông Park xác định phải thay đổi, không ảo tưởng về sự thành công và vị thế trong quá khứ.
Đầu năm nay, ông Park nói với truyền thông Hàn Quốc về quyết định chia tay tuyển Việt Nam. Ông Park gọi cuộc chia tay là rất đau lòng nhưng phải dừng lại. Mục đích để tuyển Việt Nam phát triển hơn so với hiện tại.
Hiếm có nhà cầm quân nào giống HLV Park Hang Seo, một người ở tuổi 60 đến Việt Nam và thành công ngay lập tức. Nhưng tinh thần làm việc thì luôn duy trì ở mức cao nhất, khát khao gặt hái thành công và xác định thắng trong mọi trận đấu, kể cả trận đấu giao hữu cũng muốn các học trò chơi với tinh thần cao nhất.
Trong bóng đá, sau đỉnh cao vinh quang là hành trình đi xuống nếu đội tuyển không giữ được tinh thần và khát khao thành công như ban đầu. HLV trưởng cần phải giữ được niềm đam mê, sự nhiệt huyết và truyền lửa cho các học trò. Ông Park trải qua nhiều thăng trầm trong sự nghiệp cầm quân nên hiểu được chân lý cuộc sống: Nếu không duy trì được tinh thần như ngày đầu tiên thì tất cả bị ngưng lại, sau đó bị kéo xuống và kết thúc trong nỗi buồn.
“Ông ấy luôn luôn cố gắng nhiều hơn vào mỗi ngày, đây là lý do tạo ra thành công tiếp nối thành công”, người đại diện của HLV Park Hang Seo kể với Saostar sau ngày U23 Việt Nam giành HCV SEA Games 31.
Tinh thần của HLV Park Hang Seo là thách thức lớn cho bóng đá Việt Nam kể từ tháng 2 tới. Liên đoàn bóng đá Việt Nam sẽ công bố tân HLV trưởng tuyển Việt Nam. Nhưng làm sao để kế thừa sự thành công và khát vọng sau thời ông Park là dấu hỏi lớn.
Cần nhắc, tuyển Việt Nam từng vô địch AFF Cup 2008 trong niềm tự hào và hạnh phúc của hàng triệu người hâm mộ. Nhưng bóng đá Việt Nam bắt đầu đi xuống sau vinh quang, mất 10 năm trong vòng xoáy thay HLV, mất niềm tin với khán giả, thậm chí người hâm mộ “ngó lơ”. Tình yêu trở lại từ lứa Công Phượng và thành công chỉ đến từ thời HLV Park Hang Seo.
Nhìn ra cuộc sống, chuyện duy trì động lực như ban đầu, luôn sáng tạo và gìn giữ giá trị cốt lõi là vô cùng quan trọng. Nếu bảo thủ, trì trệ và không thay đổi thì sự thành công sẽ vụt tắt, thậm chí phải kết thúc.
Táo quân năm nay là một minh chứng. Ở tuổi 20, chương trình Táo quân trở thành chủ tranh luận bất tận cho khán giả từ ngày 30 Tết đến hiện tại. Nhiều ý kiến nhận xét nhạt, bị khán giả ngó lơ, dù trong quá khứ từng có một thời hoàng kim với đông đảo khán giả yêu mến và ngợi khen. Chưa bàn đến nội dung thì việc chương trình cắt xuống còn 2 tiếng vẫn bị chê, điều đó đã phản ánh Táo quân mất đi vị thế trong lòng khán giả. Bởi quá khứ từng kéo dài từ 20h đến gần lúc giao thừa thì mọi người đều xem và ngợi khen.
Câu chuyện của Táo quân chỉ ra rằng, dù chương trình từng rất hay và hàng triệu người yêu mến nhưng không đổi mới, thiếu đi tính sáng tạo thì đến một ngày sẽ bị khán giả bỏ rơi. Táo quân cần phải có tinh thần làm mới nếu muốn khán giả yêu trở lại.