Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao Sport

Tâm sự của một cầu thủ Việt kiều thất bại tại V.League

Một năm sau thất bại ở Hải Phòng, cầu thủ Việt kiều Keven Nguyễn đã chia sẻ về cuộc sống tại V.League và cách bóng đá Việt Nam đối xử với những cầu thủ Việt kiều.

Gọi các tài năng Việt kiều trở về cống hiến cho tổ quốc là xu thế của bóng đá Việt những năm qua. Từ xu hướng ấy, nhiều cầu thủ gốc Việt như Lee Nguyễn, Đặng Văn Lâm, Đặng Văn Robert đã trở về Việt Nam, tỏa sáng tại V.League và được triệu tập lên tuyển quốc gia.

Nhưng không phải cầu thủ Việt kiều nào cũng thành công khi về Việt Nam. Bên cạnh những trường hợp thành công, vẫn còn rất nhiều cái tên khác thất bại. Hiểu nhầm về trình độ giải đấu, khác biệt về văn hóa, lối sống, cầu thủ Việt kiều phải đối diện với rất nhiều khó khăn ở V.League.

Keven Nguyễn (áo vàng) từng ký hợp đồng 3 năm với Hải Phòng nhưng đã rời khỏi Việt Nam chỉ sau hơn một mùa giải. Ảnh: Thanh Hà.

Keven Nguyễn là một trường hợp thất bại điển hình. Chàng trai Việt kiều sinh năm 1997 tại Mỹ. Anh có mẹ là người Việt, bố là người Mỹ gốc Việt. Keven Nguyễn đá tiền vệ phòng ngự cho đội nghiệp dư Santa Rosa. Anh từng được Hải Phòng ký hợp đồng 3 năm hồi cuối 2015 nhưng không thể cạnh tranh vị trí. Ít ngày trước Tết Nguyên đán năm ngoái, Keven đã rời Hải Phòng, khép lại cuộc phiêu lưu với bóng đá Việt Nam.

- Chào Keven, đã khá lâu rồi phải không? Cuộc sống của anh thế nào sau ngày chia tay Việt Nam?

- Sau khi rời Hải Phòng, tôi tiếp tục tới trường và vẫn chơi bóng. Đó vẫn là bóng nhưng là bóng bầu dục (American football), không còn là bóng đá (soccer) nữa. Dù vậy, tôi vẫn nhớ Việt Nam vô cùng.

Trở về Mỹ, Keven vẫn theo đuổi ước mơ trở thành VĐV chuyên nghiệp. Nhưng anh dành nhiều thời gian cho môn bóng bầu dục hơn. Ảnh: NVCC.

- Hợp đồng anh ký với Hải Phòng hồi tháng 9/2015 có thời hạn 3 năm. Tại sao đôi bên chia tay chỉ sau hơn 1 mùa giải?

- Tôi vẫn yêu bóng đá rất nhiều. Nhưng khi tôi tới Hải Phòng, tận mắt chứng kiến cuộc sống bóng đá ở Việt Nam, mọi thứ trong tôi không còn giống như xưa. Tôi đổi sang chơi bóng bầu dục vì tôi rất giỏi môn này. Tôi vẫn nghĩ rằng mình có thể trở thành một VĐV chuyên nghiệp.

Tôi đã quá mệt mỏi với bóng đá Việt Nam. Bóng đá ở nơi này quá nhiều nhiễu nhương. Dù đã tiến bộ rất nhiều, V.League vẫn chưa phải một giải đấu chuyên nghiệp.

- Nghe anh nói, tôi đoán anh đã có nhiều kỷ niệm không vui tại Hải Phòng?

- Khi tôi mới tới Việt Nam, tôi biết rằng mình chưa thể được đá tại V.League. Giải đấu rất khốc liệt, tôi sẽ phải tập luyện và nỗ lực nhiều hơn. Nhưng Hải Phòng không có đội U19 hay U21 nên tôi phải tập với các cầu thủ ở đội một. Ngày qua ngày, chúng tôi tập đi tập lại một bài. Những buổi tập nhàm chán vô cùng.

Ban huấn luyện và các cầu thủ đối xử với tôi như một đứa trẻ. Sau 1 năm, tôi muốn trở về nhà dù hợp đồng của mình dài tới 3 năm.

- Tất cả đội bóng đều đối xử như thế với anh?

- Không, Việt Nam vẫn còn những người tốt. Đó là thủ môn Đặng Văn Lâm, 2 ngoại binh Andre Fagan, Anthony Stevens, Doãn Ngọc Tân hay đội trưởng Minh Châu. Tôi nghĩ bóng đá Việt Nam vẫn là môi trường tốt cho các cầu thủ Việt. Nhưng với những Việt kiều như tôi, không phải lúc nào mọi thứ cũng ổn thỏa.

- Vậy nguyên nhân anh thất bại ở Hải Phòng không chỉ là chuyên môn?

- Chính xác như thế.

Thời gian ở Hải Phòng, Keven chưa từng được ra sân tại V.League chỉ dù một lần. Ảnh: NVCC.

- Không có nhiều cầu thủ Việt kiều thực sự thành công khi về nước. Xuất sắc như Lee Nguyễn hay Đặng Văn Lâm cũng đều gặp rắc rối. Vậy vấn đề ở đây là gì?

- Cá tính cầu thủ Việt Nam rất khác cầu thủ Việt kiều. Chúng tôi suy nghĩ khác hẳn cầu thủ Việt. Anh thấy Michal Nguyễn vừa chuyển tới Thái Lan không? Anh ấy đã rất hạnh phúc khi không còn phải ở lại Việt Nam.

- Anh nghĩ thế nào về trình độ của V.League? Hình như nhiều cầu thủ ngoại chưa hiểu đầy đủ về V.League?

- Điều đó là sự thật. V.League thực sự là một giải đấu khó nhằn. Tôi tin nhiều cầu thủ Việt Kiều đã không hiểu chính xác về bóng đá Việt Nam, về sự khốc liệt của giải đấu. Nhưng với cá nhân tôi, vấn đề nằm ở tâm lý. Tôi nghĩ tôi có thể trở thành một cầu thủ giỏi nếu tôi ở lại Việt Nam lâu hơn.

Hãy nhìn Đặng Văn Lâm mà xem. Anh ấy từng ở HAGL 5 năm về trước và thậm chí chưa từng được thi đấu. Nhưng khi gia nhập Hải Phòng, anh ấy đã chơi rất nhiều trận và đang thành công.

Đội tuyển Việt Nam cũng đang tốt lên. Nhiều Việt kiều không hiểu điều đó. Những người như Quang Hải hay Xuân Trường thực sự rất giỏi.

Tiền vệ người Mỹ từng là bạn thân của thủ môn tuyển Việt Nam Đặng Văn Lâm trong thời gian cả hai cùng gắn bó ở Việt Nam. Ảnh: Thanh Hà.

- Anh đánh giá thế nào về ý chí cầu tiến của cầu thủ Việt Nam?

- Khát vọng của cầu thủ Việt Nam rất lớn. Họ cũng là những anh chàng chăm chỉ. Điều đó khác với ở Mỹ. VĐV Mỹ cũng rất chăm chỉ. Nhưng ở đó, họ tập luyện nặng nhọc và nghỉ ngơi thoải mái hơn.

- Đồng nghiệp cũ của anh là thủ thành Đặng Văn Lâm từng gặp rắc rối ở Hải Phòng hồi năm ngoái. Anh có biết chuyện này không?

- Tôi đã rất bất ngờ khi biết chuyện đó. Tôi không biết chi tiết mọi thứ bởi tôi đã không nói chuyện với Văn Lâm suốt một thời gian dài. Nhưng tôi hiểu có những bất đồng về văn hóa giữa các cầu thủ Việt kiều và những nội binh. Tâm lý của họ khác chúng tôi rất nhiều.

- Sau tất cả, bóng đá có còn là giấc mơ của anh?

- Tôi vẫn luôn mơ về việc trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Tôi vẫn nhớ khoảng thời gian ở Hải Phòng.

- Vậy nếu Hải Phòng trao cho anh một cơ hội nữa?

- Có thể thôi nhé. Về chuyện này, tôi không dám chắc.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Zing

Được quan tâm

Tin mới nhất