Thái Lan áp dụng VAR: Giảm thiểu 1/4 chi phí so với WC 2018
Tháng 7 năm 2018, giải bóng đá Thái League trở thành chủ đề được bàn tán xôn xao sau khi thủ môn Sinthaweechai của Suphanburi bị VAR phát hiện dùng tay ghi bàn vào lưới Pattaya Utd ở phút 90+4. Qua đó, Thái Lan đã trở thành ngọn cờ tiên phong cho việc đưa VAR vào các giải VĐQG ở Đông Nam Á.
Mặc dù không được như các giải đấu chuyên nghiệp hàng đầu thế giới như World Cup hay Euro, BTC Thai League chỉ áp dụng VAR ở 3 trận đấu mỗi tuần, nhưng việc đưa VAR về với Thái Lan đã được xem là thành công rất lớn của LĐBĐ nước này.
“Việc chỉ áp dụng ở 3 trận mỗi vòng là nước đi ban đầu của Thai League. Chúng ta cần thêm thời gian để hoàn thiện công nghệ này, nhất là trong bối cảnh Thai League đang trong thời kỳ thay đổi. Tuy vậy, LĐBĐ Thái Lan sẽ làm mọi cách để phục vụ NHM cũng như đưa những công cụ tân tiến nhất thế giới về với Thái Lan, dù nó có tốn bao nhiều tiền đi chăng nữa“, Chủ tịch FAT - Somyot Poompanmoung chia sẻ với báo giới vào tháng 7 năm 2018, thời điểm VAR mới áp dụng vào Thai League.
Theo mô hình của Thai League, sẽ có một chiếc xe chuyên dụng để di chuyển buồng VAR. Trong đó sẽ có 1 phòng VAR trung tâm, có 4 phòng VAR nhỏ, và có thể làm 4 trận cùng một lúc. Do đó, chi phí của mỗi lần sử dụng “Xe VAR” sẽ chỉ bằng 1/4 so với con số 700.000 USD ở World Cup 2018 tức 175.000 USD.
Theo đó, toàn bộ thiết bị VAR sẽ được lắp đặt trên một chiếc xe 16 chỗ. Chiếc xe VAR này có thể di chuyển từ sân này sang sân khác và chỉ làm đơn lẻ từng trận.
Bên cạnh đó, nếu bất cứ CLB nào sử dụng VAR thì họ có thể đề nghị. FAT sẽ phối hợp với một công ty để tổ chức thiết lập hệ thống. Các CLB sẽ phải trả phí, từ 3.000 - 4.000 baht (xấp xỉ 2 triệu đồng - 2,5 triệu đồng) cho 1 lần sử dụng. Đây được coi là hành động hợp lý bởi lẽ vừa có thể cắt giảm chi phí cho LĐBĐ, vừa thoả mãn nhu cầu của các CLB.
“Việt Nam nghèo quá, chưa thể áp dụng VAR được”
“Nếu áp dụng mô hình VAR của Thái Lan, việc vận hành công nghệ VAR ở V.League là rất tốn kém về cả chi phí lẫn con người. Vì mỗi buồng VAR phải có 3-4 người (trong đó có 2 kỹ thuật viên và 2 trọng tài VAR). Trong khi chúng ta nghèo quá có thể chỉ dùng 1 trọng tài VAR. Vì vậy cho nên, việc áp dụng VAR vẫn chưa thể là dễ dàng với V.League.“, ông Trần Anh Tú - chủ tịch Hội đồng quản trị công ty VPF chia sẻ về việc áp dụng VAR.
Lời ông Tú nói là không sai, bởi theo kế hoạch, đơn vị nắm giữ bản quyền giải đấu sẽ chịu trách nhiệm về cơ sở hạ tầng, máy quay, kỹ thuật truyền hình để bảo đảm cho công nghệ VAR. Tuy nhiên, ngay từ vấn đề đầu tiên là “tiền đâu”, xem ra đã khó khăn cho ban tổ chức V-League.
Áp dụng theo mô hình Thai Legue, thì dù đã cắt giảm được 1/4 chi phí nhưng con số 175.000 USD vẫn được coi là quá sức với VPF. Như vậy, nếu đúng như VPF mong muốn mỗi vòng sẽ sử dụng VAR ở 1 trận cầu tâm điểm, tổng số tiền mà ban tổ chức V-League phải trả cho FIFA là hơn 4.5 triệu USD cho 26 trận đấu, tương đương khoảng 104 tỉ đồng.
Thống kê này đồng nghĩa chi phí cho VAR bằng số tiền một nhà tài trợ chính của V-League tài trợ trong khoảng… 3 năm. Chưa hết, khi áp dụng công nghệ này thì cần phải đào tạo thêm. Đó là trọng tài dido, người ở trong khu vực quan sát. Ngoài ra, còn thêm ít nhất 3 trọng tài khác hỗ trợ trọng tài dido và với số lượng trọng tài bây giờ đủ chứng chỉ ở Việt Nam thì là không đủ
Với những bất cập về con người và “con số” như hiện tại, nếu VPF không tìm được giải pháp tối ưu thì ngày mà VAR về với V.League còn … xa lắm.