Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao Sport

Tại sao 'bóng ma' tiêu cực cứ ám ảnh bóng đá Việt Nam?

Nguyễn Thành Long Giang - cựu hậu tuyển Việt Nam đã đăng tải trên mạng xã hội "bức tâm thư" với mong muốn tha thiết được trở lại với bóng đá.

Long Giang tha thiết được trở lại với bóng đá trong nghề HLV nên hy vọng Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) cho anh cơ hội học lớp HLV. Long Giang viết một đoạn có thể nói đầy cảm động rằng: “Nhìn các con thích chơi đùa với trái bóng tôi càng phải cố gắng hơn để sau này trở thành niềm tự hào của các con mình.

Rất mong nhận được sự đồng cảm từ các đồng nghiệp, các HLV, giới truyền thông và đặc biệt là Liên đoàn bóng đá Việt Nam để cho tôi chuộc lại những sai lầm của tuổi trẻ”.

Long Giang từng là tài năng lớn của bóng đá Việt Nam. Cựu HLV trưởng tuyển Việt Nam - HLV Falko Goetz từng xem Long Giang như “báu vật” nơi hàng thủ, trước đó HLV Calisto cũng chọn Long Giang là trung vệ số 1 của U23 Việt Nam. Hai đời HLV ngoại đều đánh giá Long Giang là cái tên đầy tài năng. Nhưng nhắc về Long Giang thì nhiều người hâm mộ cảm thấy thất vọng, bởi từ một tài năng lớn thì Long Giang đánh mất mọi thứ do dính tiêu cực.

Và mỗi khi nhắc đến Long Giang thì tôi nhớ về câu chuyện của 4 năm trước. Buổi chiều tháng 3 năm 2016, tôi từ TPHCM xuống Đồng Nai để lấy tin. Một ngày buồn với bóng đá Việt Nam khi TAND tỉnh Đồng Nai tuyên án Phạm Hữu Phát 6 năm tù giam với tội đánh bạc (2 năm tù) và tội tổ chức đánh bạc (4 năm tù). 4 cầu thủ là Nguyễn Thành Long Giang, Nguyễn Đức Thiện và Hà Niệm Tiến bị 2 năm tù treo vì tội đánh bạc, còn Kiên Trung bị 2 năm 6 tháng tù treo vì tội đánh bạc.

Hình ảnh các cầu thủ Đồng Nai bị còng tay tại phiên tòa xét xử vào tháng 3 năm 2016. Ảnh: Duy Bùi

Hôm đó, hình ảnh những cầu thủ bị còng tay ngồi ở tòa án thực sự khiến cho nhiều người đau xót. Càng chạnh lòng hơn khi Hữu Phát rời nơi xét xử để đi vệ sinh thì người em gái tranh thủ bế đứa nhỏ chạy vòng căn nhà. Cô tận dụng quỹ thời gian ít ỏi này để nó được nhìn thấy bố. Hữu Phát đi đôi dép lê, mắt đỏ hoe ôm đứa con trai bật khóc nghẹn ngào. Hữu Phát ôm con trong lòng ở một nơi có thể nói là không muốn ai muốn thấy. 

Thời khắc tòa tuyên án thì cô em gái bế đứa nhỏ đứng ở ngoài đợi tin. Cậu bé khoảng cứ luôn miệng hỏi: “Cha con đâu rồi?”. Hình ảnh có thể nói ám ảnh tất cả mọi người có mặt tại buổi xét xử các cầu thủ Đồng Nai dính tiêu cực trong ngày hôm đó. Bầu không khí gần như im lặng, một nỗi buồn bao trùm cùng những giọt nước mắt của các cầu thủ, người thân…

Những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt nhiều người. Hình ảnh Hữu Phát ôm đứa con thơ ở tòa án. Cô em gái bế cháu nhỏ chờ được gặp cha. Những cái cuối đầu, hay các cánh tay bị khóa bởi còng số 8 của các cầu thủ… Tất cả là nỗi buồn tột cùng và cái giá đắt phải trả cho sự sai lầm. 

Bóng đá có niềm vui - nỗi buồn, có nụ cười - nước mắt, có chiến thắng - thất bại, và rõ ràng chẳng ai muốn thấy cảnh kể trên dành cho các cầu thủ. Nhưng những Hữu Phát, Long Giang… phải tự trách chính mình khi bài học lớn từ lứa Văn Quyến, Quốc Vượng đã xảy ra vào năm 2005. Họ không rút ra bài học, còn đạp lên vết xe đổ một cách đáng trách.

Hình ảnh Hữu Phát bật khóc trong nỗi hối hận vẫn còn in đậm trong tâm trí nhiều người yêu bóng đá. Ảnh: Duy Bùi

6 năm sau câu chuyện của các cầu thủ Đồng Nai, bóng đá Việt Nam vừa ra án phạt cho 11 cầu thủ trẻ của Đồng Tháp vì cá độ bóng đá. Cầu thủ nhận án cao nhất là đình chỉ 5 năm tham gia bóng đá, 10 cầu thủ khác nhận án 6 tháng từ Ban kỷ luật VFF. Thêm một câu chuyện buồn đầy đáng tiếc và cái giá là số phận của 11 cầu thủ trẻ sẽ gắn mác cả đời với hình ảnh cầu thủ từng bị tiêu cực, dù họ chưa thi đấu ở sân chơi V.League.

Những câu hỏi đau đáu rằng: Vì sao bóng đá Việt Nam cứ vài năm lại xảy ra chuyện cầu thủ dính tiêu cực? Họ rõ ràng có những tấm gương để soi xét nhưng tại sao lại đạp vết xe đổ đáng trách này?

Có lẽ, những người có trách nhiệm trong sự giáo dục các cầu thủ trẻ cần trả lời chứ không phải sai thì các em chịu án phạt! Vì không có cầu thủ trẻ nào đi đá bóng đã hỏng, còn các phụ huynh cho con đi đá bóng phải rất đau lòng khi xảy ra chuyện như các cầu thủ trẻ Đồng Tháp. Họ đã tin tưởng giao tương lai các cậu bé cho những người thầy thì cần có trách nhiệm dạy dỗ nên người chứ không đơn giản là đá bóng giỏi. 

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Văn Nhân

Được quan tâm

Tin mới nhất