Trong hơn 1 thập kỷ qua, bóng đá Việt Nam chia tay ít nhất 10 doanh nhân được gọi là ông bầu bóng đá. Mọi thứ càng đáng lo khi Liên đoàn bóng đá Việt Nam bây giờ không còn một ông bầu làm bóng đá chuyên nghiệp nào góp mặt, nhiệm kỳ gần nhất của VFF có bầu Đức - ông chủ CLB HAGL.
Những cuộc tình đến chóng vánh rồi ra đi trong im lặng, hoặc ồn ào thường là chủ đề khi nói đến các ông bầu làm bóng đá. Điển hình như bầy Thụy, bầu Trường... là những tấm gương "sớm nở tối tàn" cùng bóng đá Việt Nam.
Dù vậy, bóng đá nước nhà vẫn rất may mắn khi còn có những ông bầu tâm huyết gắn bó trong nhiều năm như bầu Đức, bầu Thắng, bầu Hải. Họ có những cách làm bóng đá khác nhau nhưng điểm chung là đóng góp hết mình cho bóng đá Việt Nam.
Bầu Đức gắn bó hơn 20 năm với bóng đá chuyên nghiệp, là người mở đường cho hầu hết sự thành công của bóng đá nước nhà. Bầu Thắng là "người hùng thầm lặng" trong lần đầu tiên Việt Nam vô địch AFF Cup 2008. Bầu Hải không tham gia bóng đá chuyên nghiệp nhưng tài trợ cho V.League, góp phần cùng bầu Đức giúp lứa Công Phượng, cùng nhiều tài năng khác như Đức Huy, Bùi Tiến Dũng, Phan Văn Đức... được có cơ hội cọ xát với nhiều đội bóng mạnh để trưởng thành.
Ba ông bầu kể trên còn có một điểm chung là làm bóng đá tử tế, xây dựng mọi thứ từ gốc rễ. Bầu Đức xây Học viện bóng đá HAGL -Arsenal - JMG, đó là "một cuộc cách mạng" thực sự để giúp bóng đá Việt Nam thay đổi tư duy "xây nhà từ nóc". Bầu Thắng cũng rất chú trọng trong việc đầu tư cho bóng đá trẻ, cùng việc nhiều lần sang các nền bóng đá nổi tiếng như Nhật Bản học hỏi, quay về truyền đạt lại cho nhiều người tham gia bóng đá chuyên nghiệp. Bầu Hải mở Học viện bóng đá Nutifood, lứa đầu tiên vừa trình làng trong tháng 8 năm nay.
Cùng quan điểm về cách làm bóng đá và cống hiến cho sự phát triển chung của thể thao Việt Nam, bầu Đức, bầu Thắng, bầu Hải tiếp tục tạo ra bất ngờ khi lấn sang sân chơi bóng đá học đường. Bước đi đầu tiên là sân chơi SV-League 2020, giải đấu quy tụ 8 trường đại học với sự bảo trợ của 8 ông bầu.
Có lẽ, nhiều người thắc mắc vì sao các ông bầu bỗng dưng có hứng thú với bóng đá sinh viên. Phải chăng là một cuộc vui hay sự đầu tư cho tương lai ở sân chơi bóng đá học đường?
Câu chuyện này cần được nhìn qua lăng kính của HLV người Đức - ông Gerd Zeise. Nhà cầm quân này từng chia sẻ với báo chí qua góc nhìn từ chính sự phát triển của bóng đá Đức và các nền bóng đá hàng đầu thế giới: "Từ 5 hay 6 Học viện sẽ mang đến thêm 100-200 cầu thủ trẻ tài năng cho mỗi năm. Tuy nhiên, nếu phát triển bóng đá học đường, tôi sẽ có thêm hàng trăm ngàn cầu thủ trẻ.
Việc phát triển bóng đá học đường không phải là chuyện của mỗi mình Liên đoàn bóng đá, đó phải là kế hoạch chiến lược dài hạn của cả quốc gia với sự chung tay của chính phủ. Nếu chưa phát triển được bóng đá học đường, đừng mơ đến chuyện vươn tầm châu lục bởi nhiều cường quốc bóng đá ở châu Á như Nhật, Hàn Quốc, Úc... đã làm được điều đó. Quốc gia duy nhất làm được điều này ở Đông Nam Á là Thái Lan".
Quan điểm của một nhà cầm quân đến từ đất nước có 4 lần vô địch giải bóng đá thế giới, 3 lần vô địch châu Âu, đó là một điều đáng suy ngẫm cho bóng đá Việt Nam về con đường ra biển lớn.
Đúng hơn, bóng đá học đường là xu thế chung của mọi nền bóng đá lớn trên thế giới. Sự thành công của bóng đá Đức không chỉ nhờ có hệ thống Học viện rải khắp cả nước, đó còn là sự phát triển rất mạnh về bóng đá học đường.
Thế nên, SV-League 2020 ra đời trong thời điểm bóng đá Việt Nam bắt đầu có những thành công nhờ công tác đào tạo trẻ, đây chắc chắn là một bước tiến mới để chờ đợi sức bật từ bóng đá học đường trong tương lai. Ở đó, vai trò của những người tiên phong là cực kỳ quan trọng, giống như chuyện bầu Đức xây Học viện bóng đá HAGL cách đây 13, sau đó có thêm những Học viện Nutifood, Học viện Juventus, hay các trung tâm bóng đá hàng đầu cả nước như Viettel, PVF...
Nhìn rộng hơn, bóng đá học đường nói riêng và thể thao học đường của Việt Nam chưa có sự phát triển mạnh. Do đó, cần lắm một cú hích của những người tâm huyết với bóng đá nước nhà. Nếu giải bóng đá sinh viên SV-League 2020 thành công thì kéo theo hiệu ứng rất lớn, sức lan tỏa ra cả nước, cũng như các sân chơi dành cho tiểu học, trung học sẽ được kích cầu để phát triển.
Và một điều đáng trân trọng là các ông bầu cam kết tài trợ cho sân chơi sinh viên đến 3 năm chứ không phải là một cuộc vui. Họ thực sự rất nghiêm túc, có kế hoạch dài hạn và hứa hẹn sẽ mở rộng sân chơi ra cả nước. Tức năm 2020 là 8 đội thì sang năm có thể tăng lên 16 đội.
Ở bất kỳ môn thể thao nào muốn phát triển thì các em nhỏ phải được chơi thường xuyên, được đào tạo bài bản và đầu tư đúng mức. SV-League 2020 hội tụ tất cả yếu tố trên, các trường tham gia giải tập luyện nghiêm túc từ trước Tết Nguyên đán, các ông bầu đưa nhiều danh thủ nổi tiếng về huấn luyện. Họ còn tài trợ tiền bạc, trả một khoản lương nhất cho các sinh viên yên tâm tập luyện bóng đá, các sinh viên khác được đầu tư để thành lập Hội CĐV bóng đá của trường. Mục đích là các ông bầu muốn tinh thần thể thao lan tỏa đến tất cả sinh viên chứ không dành riêng cho các em biết chơi bóng đá.
Một công cuộc đào tạo trẻ thì công sức, tiền bạc luôn rất lớn, có quy mô và thời gian dài, sân chơi sinh viên nói riêng và bóng đá học đường nói chung cũng thế. Và một niềm tin lớn là sự tham gia của những bầu Đức, bầu Thắng, bầu Hải cùng 5 ông bầu khác sẽ là một bước đi lịch sử mới cho bóng đá Việt Nam nếu như SV-League 2020 thành công, tạo ra hiệu ứng cho cả nước để làm tiền đề cho bóng đá nước nhà bay cao trong tương lai.
Tất nhiên, chúng ta muốn thấy được quả ngọt từ sân chơi sinh viên của các ông bầu thì cần chung tay ủng hộ họ. Vì hàng triệu người hâm mộ dành sự quan tâm cho bóng đá học đường, dành niềm tin lớn cho bầu Đức, bầu Thắng, bầu Hải chính là cách đóng góp để bóng đá Việt Nam phát triển và vươn tới những thành công lớn.