SV-League chính thức khởi động cho năm thứ 2 sau mùa bóng đầu tiên tạo ra hiệu ứng cực lớn cho sinh viên Việt Nam nói riêng và người hâm mộ cả nước nói chung.
Chia sẻ với Saostar về mục tiêu của giải đấu, PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, Trưởng ban chỉ đạo SV-League 2021 nói: “Điều quan trọng nhất mà SV-League 2021 hướng đến là tiếp tục lan tỏa giá trị tích cực của bóng đá, giúp các trường có sự nhìn nhận đúng mực về tầm quan trọng của thể thao đối với sự phát triển toàn diện của sinh viên.
Từ đó xây dựng nền móng cho bóng đá học đường theo hướng chuyên nghiệp. Đại học Quốc gia đã và đang có những chính sách đầu tư thể thao cho các trường Đại học trực thuộc cũng như tạo cơ chế hỗ trợ sinh viên có tài năng bóng đá, giúp các em rèn luyện thể lực, phát triển trí tuệ và theo đuổi đam mê”.
Ở bất kỳ quốc gia nào có nền bóng đá phát triển thì sân chơi học đường đều có vị trí hết sức quan trọng. Nhưng thể thao Việt Nam chưa phát triển về học đường dù có đến hơn 23 triệu sinh viên trên cả nước. Đây là một trong những lý do khiến cho cố HLV trưởng tuyển Việt Nam, ông Alfred Riedl từng có nhận định kinh điển về bóng đá Việt Nam: Xây nhà từ nóc.
Và SV-League trong năm thứ 2 tiếp tục sứ mệnh nuôi dưỡng tình yêu và đam mê thể thao cho sinh viên Việt Nam, xa hơn là góp phần xây chân đế vững chắc cho bóng đá nước nhà.
“Từ sự thành công của năm đầu tiên với hành trình lan tỏa đam mê bóng đá trong cộng đồng sinh viên, chúng tôi cam kết tiếp tục đồng hành cùng các đội bóng để tạo nên sân chơi bóng đá chuyên nghiệp và hấp dẫn cho sinh viên, từng bước bồi đắp tình yêu thể thao trong học đường, tạo tiền đề tìm ra những tài năng cho bóng đá nước nhà”, bầu Thắng nói.
Làm bóng đá vì ai? Câu hỏi này được tôi đặt ra cho không ít Chủ tịch CLB ở bóng đá chuyên nghiệp (V.League). Và SV-League khó là sân chơi để cho những ông chủ chọn làm thương hiệu, đánh bóng tên tuổi. Ví dụ bầu Đức có CLB HAGL, bầu Thắng có đội Long An, bầu Hải có Học viện bóng đá NutiFood. Họ không cần làm bóng đá học đường nếu muốn làm thương hiệu.
Rõ ràng, các ông chủ chọn cách làm bóng đá để có lợi thì dễ dàng, nhưng làm đúng để tạo ra lợi ích lâu dài cho cả nền bóng đá mới khó gấp nhiều lần. Và không chỉ bóng đá, bất cứ điều gì trong cuộc sống thì chuyện làm đúng luôn khó hơn rất nhiều so với chuyện làm để có lợi.
Chuyện làm bóng đá tử tế, bài bản và khát vọng cống hiến cho thể thao nước nhà của các ông bầu kể trên, chính là giá trị cốt lõi để 6 ông chủ khác chung tay làm bóng đá học đường. Họ đến với nhau không vì chuyện làm bóng đá với quan điểm có lợi ích riêng. Tất cả làm vì khát vọng đóng góp cho bóng đá Việt Nam.
Vậy nên, SV-League không mang lại lợi ích cho 8 ông chủ nhưng ra đời đúng với xu thế chung của thể thao chuyên nghiệp. Chúng ta có quyền chờ đợi vào những điều tốt đẹp ở thì tương lai, với niềm tin bóng đá Việt Nam đến ngày bay cao nhờ sự đóng góp lớn từ sân chơi bóng đá học đường của các ông bầu.
Bầu Đức, bầu Thắng và bầu Hải có đội bóng mới
Năm ngoái, Đại học Cần Thơ của bầu Hải giành chức vô địch, còn Đại học Nông Lâm của bầu Đức về nhì. Và SV-League 2021 đã có sự thay đổi về sự bảo trợ từ 8 ông chủ.
Theo đó, ông Đào Hồng Tuyển (Tập đoàn Tuần Châu) bảo trợ đội bóng trường Đại học Nông Lâm TPHCM. Ông Nguyễn Quốc Kỳ (Công ty Vietravel Holdings) bảo trợ trường Đại học Sài Gòn. Bầu Đức (Công ty CP Cà phê Ông Bầu) bảo trợ đội bóng trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Bầu Thắng (Công ty CP Đồng Tâm) bảo trợ trường Đại học Cần Thơ. Ông Nguyễn Hoàng Anh (Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung) – trường Đại học Văn Hiến. Bầu Hải (Công ty CP Thực phẩm Dinh dưỡng NutiFood) – trường Đại học Bách Khoa. Ông Nguyễn Anh Khiêm (Công ty CP Đầu tư Địa ốc Hưng Phú) – trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM. Ông Nguyễn Miên Tuấn (Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt) – trường Đại học Tôn Đức Thắng.