HLV Polking nói rằng: “Chúng tôi sẽ vô địch nếu hoà 0-0 nhưng Thái Lan không đá như vậy. Chúng tôi xác định chơi tấn công và không đá phòng ngự. Thái Lan phải giành chiến thắng, bởi thật nguy hiểm với tư tưởng đá hoà để vô địch”.
Trong khi đó, HLV Park Hang Seo quả quyết tỷ số hoà 2-2 là bất lợi cho tuyển Việt Nam. Nhưng mọi người cũng không nên bi quan, bởi Việt Nam thắng 1-0 trên đất Thái sẽ vô địch. “Tôi tin tưởng Việt Nam thắng Thái Lan trên sân Thammasat”, HLV Park Hang Seo nói.
Về lý thuyết, Thái Lan cần hoà 0-0 và 1-1 là vô địch. Việt Nam cần hoà 3-3 trở lên, hoặc thắng để vô địch. Trường hợp hoà 2-2 thì hai đội đá thêm hiệp phụ.
Tuy nhiên, Thái Lan không thể suy nghĩ cầu hoà trước Việt Nam. Người Thái muốn thắng để đề phòng rủi ro và khẳng định vị thế số 1 Đông Nam Á. Ông Park cũng khôn khéo chơi trò tâm lý với phát biểu Thái Lan hãy đá tấn công thì Việt Nam sẵn sàng chơi đôi công.
Trận chung kết lượt về được ví như màn tra tấn tâm lý và bản lĩnh cho cả hai đội bóng. Khi trận đấu không chỉ có ý nghĩa về chức vô địch mà còn khẳng định đội bóng số 1 Đông Nam Á. Đó còn là sự đối lập về triết lý của hai HLV và thù ghét nhau giữa hai nền bóng đá.
HLV Park Hang Seo đã cởi áo khoác, ném thẻ HLV ngay sau khi bắt tay với đồng nghiệp Polking. Ông Park muốn đi tìm trọng tài để “ăn thua”. Đây là hình ảnh chưa bao giờ diễn ra ở AFF Cup 2022. Có nhiều lần va chạm ở giải đấu thì ông Park phản ứng vừa mức, thậm chí còn ngăn cản trợ lý Lee để kiềm chế cảm xúc. Nhưng trong cuộc đối đầu với tuyển Thái Lan diễn ra hoàn toàn ngược lại, ông Park bộc lộ hết tính cách của một nhà cầm quân nóng tính, làm tất cả để quyết thắng đối thủ.
Trong phòng họp báo, Wasapol Kaewpaluk - trợ lý của HLV Polking cũng phản ứng bằng cách xấc xược, đứng giữa phòng họp theo kiểu ngạo mạn khi Thái Lan suýt thắng Việt Nam. Đó là hành động xấu xí nhưng phản ánh được sự thù hận giữa bóng đá Thái Lan và Việt Nam.
Năm ngoái, Theerathon và HLV Park Hang Seo đã tranh cãi dữ dội sau trận bán kết lượt đi. Hai đội suýt lao vào nhau để nói chuyện bằng tay chân. Lực lượng an ninh phải làm việc rất vất vả để tránh xô xát.
Năm 2019, trợ lý HLV Thái Lan Sasa Todic khiêu khích HLV Park Hang Seo. Đây là sự việc diễn ra tại sân Mỹ Đình, thuộc vòng loại thứ hai World Cup 2022.
Cũng trong năm 2019, Việt Nam và Thái Lan có “màn đấu võ” trong trận giao hữu thuộc King’s Cup. Hai đội xô xát và Văn Hậu bị đối thủ tát vào mặt. Ngay sau trận đấu, Chanathip còn khiêu khích với chia sẻ thiếu văn hoá trên mạng xã hội.
Tất cả để thấy rằng, đại chiến giữa tuyển Việt Nam và Thái Lan luôn nóng bỏng từ trên sân đến bên lề. Hai đội luôn chơi với tâm thế thù hận nhau, không khoan nhượng và sẵn sàng chơi xấu xí.
Với tuyển Việt Nam, không có thời điểm nào phù hợp hơn trận đấu với Thái Lan để chứng tỏ bản lĩnh, kinh nghiệm của thế hệ chinh chiến từ U23 châu Á 2018 đến ASIAD 18, Asian Cup 2019, vòng loại thứ 3 World Cup 2022… Chúng ta cần làm chủ cuộc chơi với tâm thế của đội bóng từng cầm hoà Nhật Bản ngay trên sân khách, không ngán những Saudi Arabia, Oman, Úc. Đó là kinh nghiệm, bản lĩnh mà Thái Lan không có được trong 5 năm qua.
Trận trận chung kết lượt về giữa tuyển Thái Lan và Việt Nam diễn ra vào lúc 19h30 hôm nay tại sân Thammasat. Người hâm mộ có quyền chờ đợi bản lĩnh Việt Nam sẽ khuất phục “voi chiến” ngay trên đất Thái.