Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao Sport

Sự lãng phí của bóng đá Việt Nam: Không sinh lời, còn lo nợ đến giải tán

Quảng Ninh FC nghỉ chơi từ năm ngoái được xem là câu chuyện buồn cho bóng đá Việt Nam. Đó là nghịch lý rất lớn để phản ánh về sân chơi V.League.

Nỗi lo CLB nợ tiền giải tán

Trường hợp của đội Quảng Ninh khiến cho nhiều người hâm mộ bị sốc. Lý do là một CLB nợ tiền lương, lót tay cầu thủ kéo dài khá lâu vẫn chơi chuyên nghiệp. Nếu có 3-4 đội cùng chơi theo kiểu "chỉ mành treo chuông", sau đó bỏ ngang thì V.League dễ lâm nguy. 

Trước Quảng Ninh FC, Xuân Thành Sài Gòn, V.Ninh Bình, Navibank Sài Gòn, Hùng Vương An Giang, Khatoco Khánh Hòa, Hà Nội ACB, Hòa Phát Hà Nội là những đội bị xóa sổ khỏi bản đồ bóng đá Việt Nam.

Câu chuyện chung của phần lớn CLB Việt Nam là làm bóng đá chuyên nghiệp nhưng không sinh lời. Nguồn thu của các đội V.League chủ yếu đến từ hai khoản chính: Nhà tài trợ và ngân sách địa phương. Những nguồn thu khác như bán vé, hàng vật phẩm, chuyển nhượng nhưng không lớn bằng hai khoản trên.

Sự lãng phí của bóng đá Việt Nam: Không sinh lời, còn lo nợ đến giải tán Ảnh 1
V.League sau 15 năm có khoảng 10 đội bóng bị xóa sổ khỏi bản đồ bóng đá Việt Nam.

Mỗi CLB V.League chi trung bình khoảng 60-70 tỷ đồng mỗi mùa. Trường hợp mua sắm rầm rộ như CLB Bình Định thì con số phải cao hơn rất nhiều.

Làm một phép tính như sau, mỗi CLB chi trung bình 70 tỷ đồng thì 13 đội tốn 910 tỷ đồng. Cộng với 12 đội hạng Nhất thì sân chơi chuyên nghiệp phải tiêu hơn 1.000 tỷ/mùa bóng. 

Ba trường hợp xảy ra khi các đội V.League tiêu nhiều tiền nhưng nguồn thu không đủ bù khoản chi. Thứ nhất, đội nợ tiền rồi giải tán giống CLB Quảng Ninh. Thứ hai, CLB tìm cách xoay với doanh nghiệp khác như SLNA, khi từng xuất hiện thông tin Công ty cổ phần bóng đá SLNA nợ hơn 400 tỷ đồng và bây giờ vẫn sống khỏe sau khi chuyển giao. Thứ ba, đội bóng rớt hạng và chơi theo kiểu cầm cự và chìm dần.

Hậu quả nhãn tiền là V.League đi lùi về số đội. Năm 2007 có 14 đội. Năm 2022 có 13 đội. Bóng đá Việt Nam liệu có buồn khi thành tích các ĐTQG đang đi lên, còn sân chơi chuyên nghiệp giảm số đội? 

Nên nhớ, vòng lẩn quẩn này đã tồn tại trong suốt 15 năm và chưa thấy giải pháp để thay đổi, dù giải vô địch quốc gia là sức mạnh của nền bóng đá.

Đến sự lãng phí lớn?

V.League đạp số lùi ảnh hưởng đến sự phát triển chung của cả nền bóng đá, đó là chuyện không cần bàn cãi. Nhưng nhìn rộng hơn câu chuyện bóng đá, V.League có thể xem là nơi lãng phí tiền bạc khi bóng đá chưa thể sinh lời. Vì bóng đá đã trở thành ngành công nghiệp siêu lợi nhuận trên thế giới.

Theo Beyond Football, mùa 2019-2020 bị ảnh tưởng lớn về doanh thu do Covid-19 nhưng giải Ngoại hạng Anh đóng góp 10 tỷ USD vào GDP của nước Anh. Con số này cao hơn GDP của 50 quốc gia trên thế giới. Giải đấu này nộp 4,7 tỷ USD tiền thuế cho Chính phủ Anh sau mùa 2019-2020.

Ở châu Âu, giải Bundesliga có khoảng 6,6 tỷ USD/mỗi năm cho nền kinh tế Đức. Giải La Liga có khoảng 1,3 tỷ USD vào GDP của Tây Ban Nha.

Sự lãng phí của bóng đá Việt Nam: Không sinh lời, còn lo nợ đến giải tán Ảnh 2
Premier League đóng góp vào kinh tế nước Anh đứng hai so với các công ty khổng lồ. Ảnh: Goal

Ở góc độ ảnh hưởng của một CLB, tờ The Guardian từng đăng tải chuyện Leicester City vô địch Premier League năm 2016 ảnh hưởng lớn đến kinh tế địa phương. Nhóm dự báo kinh tế EY ước tính danh hiệu này mang lại 140 triệu bảng cho nền kinh tế địa phương.

Nhìn về Đông Nam Á, Thai League ký gói bản quyền truyền hình trong 8 năm (2021 - 2028) với giá 400 triệu USD, tức hơn 9.200 tỷ đồng. Trung bình mỗi năm thì Thai League có 1.150 tỷ đồng từ bản quyền truyền hình. 

CLB Buriram (Thái Lan) đã "đút túi" hàng trăm tỷ mỗi năm nhờ bóng đá. Ví dụ đội bóng này có doanh thu gần 1 tỷ baht (654 tỷ đồng) trong năm 2017. Con số này cao gấp 10 lần doanh thu của VPF dự kiến trong năm 2021.

Tất cả cho thấy bóng đá không còn là môn giải trí đơn thuần. Chính xác là ngành công nghiệp sinh ra rất nhiều tiền, tạo ra công ăn việc làm cho rất nhiều người lao động, tác động lên nhiều ngành nghề khác như du lịch, nhà hàng, khách sạn...

Bóng đá Việt Nam đã liên tục thành công ở cấp các ĐTQG trong 5 năm qua, qua đó tạo ra sự hiệu ứng rất lớn. Nhưng sân chơi chuyên nghiệp vẫn đứng yên, bóng đá vẫn không sinh lời, còn có đội bóng nợ tiền phải giải tán. 

Phải chăng có sự lãng phí lớn đang tồn tại ở sân chơi V.League?

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Văn Nhân

Được quan tâm

Tin mới nhất